Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm 2 bản đồ ung thư thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa qua xếp 50 nước đứng đầu về tỷ lệ mắc và tử vong vì bệnh ung thư vào nhóm một; 50 nước tiếp theo sau thuộc nhóm 2. Việt Nam đứng 78 trong số 172 quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ tử vong vì ung thư cao (tỷ lệ 110 trên 100.000 người). Do đó Việt Nam thuộc nhóm 2 bản đồ ung thư thế giới.
Ngày 12/9, WHO công bố dự báo khoảng 18 triệu người được phát hiện mắc ung thư trong năm 2018, hơn 9,6 triệu trong số này tử vong. Số liệu cho thấy tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng gia tăng ở đầu hết các nước trên thế giới, trong đó khoảng 70% ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số ca ung thư mới tăng nhanh từ 68.000 người năm 2000 lên 126.000 vào năm 2010. Dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 200.000 ca vào năm 2020. Hàng năm nước ta có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tức khoảng 315 ca tử vong mỗi ngày.
Tại hai thành phố có mật độ dân số đông nhất là Hà Nội và TP HCM, số bệnh nhân ung thư tăng nhanh nhất. Trong đó TP HCM dẫn đầu, trung bình 100.000 nam giới thì có 172 người bị ung thư, tỷ lệ này ở nữ là 139/100.000. Trong đó, ung thư phổi với nam giới và ung thư vú ở nữ giới là loại ung thư phổ biến nhất, sau đó là ung thư dạ dày.
Phó giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, tỷ lệ người dân có hiểu biết cơ bản đúng về bệnh ung thư còn rất thấp. Hơn 67% số người được hỏi cho rằng ung thư là bệnh nan y nên phát hiện sớm hay muộn cũng thế thôi. Gần 36% cho rằng bị ung thư nếu đụng dao kéo vào sẽ di căn sớm và chóng chết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phần lớn ung thư đều có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Hiện tỷ lệ chữa khỏi ung thư (sống trên 5 năm) ở nam 33%, nữ khoảng 40%, trong khi nhiều nước phát triển tỷ lệ này lên tới 70-80%.
Theo WHO, khoảng 1/3 số bệnh ung thư có thể dự phòng. 1/3 ung thư chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. 1/3 số ung thư còn lại người bệnh kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống nếu được chăm sóc và điều trị tích cực.
Thu Hiền
Người trẻ mắc ung thư: Khó trị và thường gặp tác dụng phụ
Người ở tuổi vị thành niên và thành niên thường đối mặt nhiều thách thức trong việc điều trị ung thư. Họ dễ mắc bệnh ... |
Làm thế nào để chiến thắng được bệnh ung thư?
Điều trị ung thư là cuộc chiến sống còn mà bạn sẽ được trao nhiều cơ hội hơn nếu có sự tìm hiểu kỹ càng, ... |