Về nội quy Trường Lương Thế Vinh: Cần hướng trẻ đến tự giác thay vì cấm đoán

Về vấn đề nội quy “nghiêm khắc” hay “hà khắc” của Trường Lương Thế Vinh dậy sóng những ngày gần đây, chúng tôi đã hỏi ý kiến của một nhà giáo gốc Việt sinh sống và hành nghề ở Bỉ - bà Nguyễn Huỳnh Mai.

Vì sao vẫn có nhiều người ủng hộ các hình phạt của trường Lương Thế Vinh?
Đuổi học, đó là sự thất bại và bất lực của giáo dục

Sau đây là bài viết của bà.

Chưa giáo dục, đã cấm đoán

Về các quy định trong bản Nội quy của trường Lương Thế Vinh, đó là những luật lệ quy tắc tối thiểu của một tổ chức, là cần thiết.

Tôi là người bảo vệ bản thể của mọi trẻ và quan niệm rằng trường học phải là một môi trường khai phóng tức là tôn trọng tự do của trẻ và giúp chúng từ từ đi đến tự lực tự cường, không phụ thuộc bất cứ cái gì hay bất cứ ai.

Nhưng muốn đạt những mục đích đó thì phải ngồi lại với nhau, hoạch định những phương thức và nội dung cần làm việc cùng nhau.

Lỗi của Trường Lương Thế Vinh là sự áp đặt của Nội quy ấy. Thế nên sau đó thì có giải thích phân trần thế nào đi nữa cũng là quá muộn.

Việc trường cấm nhuộm tóc không sai. Tuy nhiên, chỉ có cách làm của trường là... sai. Nếu giảng giải tận tình, các nữ sinh sẽ không nhuộm tóc mà không cần phải cấm.

Chuyện nhai kẹo caosu, sử dụng điện thoại… cũng thế. Cần giải thích, tuyên truyền, để các em tự giác thực hiện, hơn là xử phạt. Điều đáng nói, là trường chưa giáo dục, vận động HS mà đã đi chế tài. Phản ứng của phụ huynh có thể giải thích được vì sự “thiếu dạy trước” mà đi đến “cấm trực tiếp”.

Đâu là giải pháp?

Có thể chỉ cần một buổi tọa đàm trước khi công bố bản Nội quy: trong không khí hòa nhã, thầy trò nói chuyện, để chuẩn bị tinh thần các trò về... kỷ cương của việc sống cùng nhau trong trường để rồi sau đó ngồi lại nghe thuyết minh và công bố nội quy. Tôi tin chắc là tất cả phụ huynh và HS sẽ đồng tình.

Còn phần quy định về việc sử dụng Facebook của HS, trường đã… lạc đề. Giáo dục các em cách dùng Facebook phải là một chương riêng trong học làm người và học để sống trong xã hội.

Về các hình phạt, tôi ủng hộ phương thức thưởng chứ không phạt, dựa trên ý thức trách nhiệm của từng em, phòng cháy chứ không chữa cháy. Tôi lại phản đối các hình phạt có tính xã hội, tức là phạt người vi phạm giữa tập thể.

Rửa bát, quét sân trường, nhắc nhở, phê bình, khiển trách, cảnh cáo trước lớp... là những chế tài có tính xã hội. Đồng ý HS có phạm lỗi thì phạt, nhưng tuyệt đối phải bảo vệ bản thể của các em trong mắt mọi người. Phải làm sao sau chế tài, HS còn tiếp tục ngẩng cao đầu sống với bạn bè, thầy cô.

Không nên đuổi học

Đuổi học, dù ít hay nhiều ngày, đối với tôi cũng là một cấm kỵ. Vì đi học là quyền của trẻ. Em nào có phạm lỗi thì phải làm sao dạy để không tái phạm, chứ cấm đi học sẽ không làm thay đổi tình thế.

https://laodong.vn/dien-dan/ve-noi-quy-truong-luong-the-vinh-can-huong-tre-den-tu-giac-thay-vi-cam-doan-568239.ldo

/ Nguyễn Huỳnh Mai/Báo Lao động