Một nội dung quan trọng được các ĐBQH quan tâm thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 14.11 là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
"Muốn gặp Chủ tịch tỉnh một lần, thua kiện cũng được"
Theo nhiều ĐBQH, mặc dù Luật Tiếp công dân đã quy định rõ trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu, mà chủ yếu là vai trò của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện nhưng thực tế, việc tiếp công dân của các vị Chủ tịch tỉnh, huyện nhiều nơi vẫn chỉ là hình thức, chiếu lệ và còn có thái độ coi thường công dân.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu: “Cử tri người ta không bằng lòng về cách tiếp dân, cách xử lý của cán bộ, có những trường hợp đuổi người ta và đặc biệt tôi nhận được lá đơn của cử tri phản ánh: Có đồng chí Chủ tịch tỉnh tiếp họ đúng 9 phút, cuối cùng họ biết là sau đó đồng chí đi nhậu với một đám khác. 9 phút với một việc mà mấy năm trời người ta theo đuổi”.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).
Theo ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) thì chỉ khi người đứng đầu là chủ tịch tỉnh, huyện trực tiếp đọc đơn, giải quyết thì vấn đề tố cáo, khiếu nại mới được giải quyết nhanh, dứt điểm. Vì vậy, ĐB khuyên, Chủ tịch UBND tỉnh “nên cố gắng trực tiếp đọc đơn”.
Về cách tiếp công dân, xuất phát từ thực tiễn tâm lý người dân rất ngại, sợ khi đến nơi công quyền, ĐB Việt cho rằng phải làm sao để người dân không còn run, sợ khi tiếp xúc với lãnh đạo, người giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vì thế, không chỉ thái độ, cách tiếp, lắng nghe mà ngay cả nơi tiếp công dân cũng phải chú ý.
“Cách thức và vị trí ngồi của người tiếp công dân cũng nên xử lý, thể hiện gần dân, đừng thể hiện quan cách với dân”.
Tương tự, ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, việc lãnh đạo đối thoại với dân là rất quan trọng nhưng thực tế, sau khiếu nại xong, trước khi ra quyết định giải quyết, người khiếu nại rất mong muốn được gặp Chủ tịch huyện hoặc cao hơn là gặp Chủ tịch tỉnh để đối thoại, gặp một lần dù thua cũng được, nhưng rất tiếc không được.
"Chủ tịch tỉnh không tiếp được dân thì nên nghỉ"
Bày tỏ bức xúc với tình trạng này, phát biểu bên hành lang Quốc hội, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) thẳng thắn: Không thể để Chủ tịch UBND các cấp viện dẫn lý do là bận quá nên không sắp xếp được lịch tiếp công dân, không thu xếp dự các phiên toà hành chính khi người dân kiện.
Theo ĐB Kim, hành chính nhà nước chính là công việc phải giải quyết với người dân. Chủ tịch UBND là người phục vụ cho đời sống mọi mặt của người dân. Chỉ có anh là người đưa ra các quyết định hành chính để giải quyết các vấn đề theo chức năng, thẩm quyền liên quan đến lợi ích, nguyện vọng của người dân theo pháp luật. Vì vậy, công việc chính của chủ tịch UBND là với dân, nếu vị Chủ tịch nào không làm được việc tiếp dân thì nên nghỉ.
Thống nhất với các ĐBQH, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, công tác tiếp công dân có ý nghĩa rất quan trọng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm tốt công tác này là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần giải quyết các bức xúc, tâm tư của người dân ngay từ cơ sở, hạn chế được tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài.
Thực tế vừa qua, tại một số Bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ, chưa gắn kết việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, dẫn đến người dân có tâm lý thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết, tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài. Đây là vấn đề cần sớm được khắc phục, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Tiếp công dân và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đại biểu Quốc hội: "Lãnh đạo không chịu tiếp dân thì nên rời ghế"
Ông Vũ Trọng Kim cho rằng công việc của cán bộ là giải quyết vấn đề của người dân chứ không phải "thăm chỗ nọ ... |
"Chủ tịch UBND tỉnh tiếp dân 9 phút, rồi đi nhậu"
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng theo đơn người dân gửi, chủ tịch UBND tỉnh chỉ tiếp họ 9 phút, không giải ... |