Quy trình từ biên soạn đến phát hành khép kín, độc quyền đã hạn chế thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá sách giáo khoa...
Dự thảo Báo cáo Kết quả khảo sát một số nội dung trong thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017 được Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa công bố tại phiên họp toàn thể của Ủy ban ngày 25/9. Khảo sát được thực hiện ở 44 tỉnh thành, trong đó 41 địa phương gửi báo cáo; Hà Nội, TP HCM, Lâm Đồng có đoàn trực tiếp kiểm tra.
Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng đồng thời làm việc với lãnh đạo các bộ Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Thông tin Truyền thông về nội dung trên.
Bộ Giáo dục vừa tổ chức biên soạn, vừa phê duyệt, xuất bản sách giáo khoa
Theo dự thảo báo cáo, điều 99 Luật Giáo dục quy định thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa, giáo trình là nguyên nhân chính dẫn tới độc quyền kinh doanh sản phẩm này.
Theo Luật, Bộ Giáo dục vừa có thẩm quyền tổ chức biên soạn, vừa được tổ chức thẩm định, phê duyêt, chỉ đạo xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa. Tất cả quy trình này là khép kín, độc quyền. Duy nhất một đơn vị được giao tổ chức xuất bản sách là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Điều này, theo Phó chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa, dễ dẫn đến nguy cơ lạm dụng vị trí độc quyền, hạn chế cạnh tranh và thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán...
"Việc giao Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn, phê duyệt, xuất bản sách giáo khoa không phù hợp với Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới. Ở các nước hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước không tham gia biên soạn, xuất bản mà chỉ tổ chức kiểm duyệt, thẩm định sách giáo khoa", bà Hoa nói.
Học sinh đọc sách tham khảo trong thư viện. |
Quy định về sử dụng một bộ sách giáo khoa chính thức, ổn định, thống nhất trên cả nước (khoản 3 điều 29 Luật Giáo dục hiện hành) theo Phó chủ nhiệm Hoa là "không còn phù hợp với thực tế hiện nay". Quy định này đồng thời mâu thuẫn với nội dung thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học trong Nghị quyết 88 (năm 2014) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Quốc hội.
Nhiều quy định về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa cũng được chỉ ra là bất cập, mâu thuẫn với nhau. Ví dụ, quy định về việc định giá, điều chỉnh giá bản lẻ xuất bản phẩm trong đó có sách giáo khoa; chế tài xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản, in, phát hành...
Chiết khấu phát hành sách giáo khoa 250 tỷ đồng mỗi năm dù lỗ 40 tỷ
Theo dự thảo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, giai đoạn 2012-2017 mỗi năm có khoảng 95-108 triệu bản sách giáo khoa phổ thông được in, phát hành. Chỉ năm 2017, với 107,8 triệu bản, sách giáo khoa đại trà đã chiếm 30% tổng sản lượng xuất bản phẩm toàn quốc. Nếu tính cả sách tham khảo, sách của mô hình Trường học mới VNEN, tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, con số này lên tới 75%. Tất cả đều do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in ấn, phát hành.
Việc in sách giáo khoa hàng năm Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức theo hai hình thức là in gia công tại nhà in nội bộ và in đấu thầu sản lượng sách còn lại, tại hơn 90 cơ sở ở 63 tỉnh thành. Cách thức này khiến hoạt động in sách giáo khoa giáo dục phổ thông trở nên phân tán, khép kín, tính cạnh tranh chưa cao, có thể dẫn đến hạn chế về số lượng, khó giảm giá thành.
90 cơ sở in sách giáo khoa ở 63 tỉnh thành sau khi in phải chuyển về nhập kho rồi đưa tới công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục là Công ty Cổ phần Sách và thiết bị giáo dục tại các miền. Sách giáo khoa từ đây chuyển tiếp đến công ty phát hành sách địa phương rồi chuyển cho các cơ sở giáo dục hoặc đại lý sách.
Dự thảo báo cáo giám sát nêu rõ, hệ thống phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn cồng kềnh, quy trình chưa thật hợp lý do phải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển, các chi phí trung gian khác. Mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông khoảng 250 tỷ đồng/năm là khá cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh, giáo viên, lợi nhuận của các cơ sở in.
Thông tin về tỷ lệ chiết khấu phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Bà Tô Thị Bích Châu, đoàn đại biểu TP HCM đặt nghi vấn con số 250 tỷ đồng thực chất như thế nào, phục vụ cho việc gì? Trong khi đó trao đổi với báo giới ngày 21/9, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Lê Bách lại cho biết, hoạt động xuất bản, phát hành sách giáo khoa lỗ 40 tỷ đồng mỗi năm.
"Tỷ lệ chiết khấu 25% đối với sách giáo khoa tương đương 250 tỷ đồng nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn công bố lỗ 40 tỷ đồng, tại sao có chuyện này", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đặt câu hỏi. Ông nhận định Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lỗ khi phát hành sách giáo khoa nhưng lãi ở kinh doanh sách tham khảo.
Giá sách VNEN, Công nghệ Giáo dục cao gấp 3-4 lần sách giáo khoa đại trà
Nhiều năm qua, ngoài sách giáo khoa hiện hành (chương trình giáo dục phổ thông 2000), nhiều trường học sử dụng bộ sách mô hình trường học mới VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. Hai dòng sản phẩm này cũng do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản in, phát hành, nhưng giá bán cao hơn nhiều sách giáo khoa đại trà.
Giá bán bộ sách VNEN cao gấp 3-4 lần bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2000, khoảng 300.000-400.000 đồng. Tuy nhiên, bộ sách này ở lớp 4-5 lại thiếu 4 môn là Âm nhạc, Mỹ thuật, Đạo đức, Kỹ thuật; lớp 6-7 thiếu 3 môn Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh.
Là sách thí điểm nhưng hàng năm sản lượng in, phát hành sách VNEN và Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đều tăng. Con số này trong năm 2017 lần lượt là 10,7 triệu bản (tăng gấp 5 lần so với năm 2014) và 5,3 triệu bản (tăng gấp 13 lần so với năm 2012).
Phó chủ nhiệm Hoa thông tin, doanh thu từ sách VNEN năm 2017 nếu tính theo sản lượng phát hành và giá bán, đạt hơn 300 tỷ đồng/năm, bằng 1/3 doanh thu từ sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2000, trong khi bộ sách này chỉ có từ lớp 2 đến lớp 7 và thiếu một số cuốn. Chiết khấu phát hành VNEN là 25% giá bìa mỗi năm, tương đương hơn 70 tỷ đồng.
Lãng phí sách giáo khoa do in bài tập để học sinh điền vào
Nhiều năm qua, phần lớn sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần và thay mới mỗi năm tới 100 triệu bản, gây lãng phí ngân sách nhà nước, tăng chi trả của người dân, bức xúc dư luận. Khảo sát của Ủy ban Văn hóa chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là việc biên soạn, thiết kế sách giáo khoa đã đưa các dạng/mẫu bài tập trắc nghiệm và dạng bài tập khác để học sinh điền, viết vào chỗ trống, ô trống... Hầu hết sách các lớp tiểu học, nhiều sách cấp THCS thiết kế phần bài tập này.
Một nguyên nhân khác khiến sách giáo khoa chỉ sử dụng được một lần gây lãng phí là chất lượng giấy in, đóng quyển kém. Giấy in vừa mỏng, nhanh cũ, dễ rách, màu tối, bìa dễ bung... Việc Bộ Giáo dục chưa quan tâm đúng mức đến khâu chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng, giữ gìn, bảo quản sách, thanh tra, đánh giá việc in, phát hành sách, cũng là lý do để tình trạng trên tồn tại nhiều năm.
Sách VNEN và Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục dù giá thành cao cũng chỉ sử dụng được một lần vì hàng năm đều chỉnh sửa, thay mới, gây lãng phí.
Bộ Giáo dục phản biện
Trước kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng, Bộ Giáo dục khẳng định không có chuyện sách in xong phải "chuyển về nhập kho, sau mới chuyển đến các công ty cổ phần sách và thiết bị tại các miền, rồi mới chuyển về các công ty phát hành sách địa phương". Quy trình thực tế, theo Bộ là sách in ở khu vực nào sẽ cung cấp luôn cho khu vực đó.
Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức đấu thầu để lựa chọn công ty in, phát hành sách giáo khoa được giải thích là để lựa chọn công ty đủ mạnh, có khả năng in sách với chất lượng tốt, giá thành hạ, phát hành tại địa phương để giảm chi phí vận chuyển.
Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lỗ 40 tỷ đồng mỗi năm trong in ấn, phát hành sách giáo khoa được Bộ Giáo dục khẳng định là có thật do giá nguyên vật liệu, nhân công tăng cao nhưng giá bán sách không đổi 8 năm qua.
Lý do giá bán sách VNEN cao, theo Bộ Giáo dục vì số lượng trang sách nhiều, được in 4 màu, khổ to 19x27cm (lớn hơn khổ sách đại trà là 17x24cm), chủng loại giấy in tốt... Giá bán bộ sách này thực tế cao hơn bộ sách giáo khoa thông thường 1,5-1,6 lần và do Bộ Tài chính quản lý.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban, Bộ Giáo dục đang tổng kết, đánh giá việc biên soạn, xuất bản, phát hành và sử dụng sách giáo khoa bao gồm cả sách theo mô hình VNEN, tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, để rút kinh nghiệm trong triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Cùng với việc khẩn trương hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông để ban hành và triển khai thực hiện, Bộ Giáo dục hứa hẹn bộ sách giáo khoa mới do đơn vị này chủ trì tổ chức biên soạn sẽ khắc phục triệt để các hạn chế hiện nay.
Việc tổng kết đánh giá thí điểm chuyển Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, cũng sẽ được Bộ Giáo dục thực hiện.
In sách giáo khoa lỗ, sao quỹ lương ở Nhà xuất bản Giáo dục vẫn tăng?
Hoạt động in và xuất bản sách giáo khoa liên tục lỗ trên 40 tỷ đồng/năm nhưng từ 2015, quỹ lương cho cán bộ cũng ... |
Sách giáo khoa lỗ nặng, 250 tỷ đồng chiết khấu hàng năm đi đâu?
Trong khi sách giáo khoa (SGK) lỗ 40 tỷ đồng/năm, chiết khấu phát hành sách lên đến 250 tỷ đồng, gấp gần 1,7 lần tổng ... |