ĐBSCL sẽ gặp nhiều bất lợi khi nguồn nước sông Mê Kông bị các quốc gia ở thượng nguồn khai thác quá mức
Ngày 8-12, tại TP Long Xuyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với Ủy ban Sông Mê Kông (UBSMK) cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị bàn kế hoạch ứng phó với những diễn biến mới đối với khu vực ĐBSCL trong thời gian tới.
Vắt kiệt dòng Mê Kông
Theo báo cáo của đại diện UBSMK Việt Nam, hiện các quốc gia dọc lưu vực Mê Kông đang tập trung khai thác mạnh nguồn nước của dòng sông này. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của hàng chục triệu dân vùng ĐBCSL.
Cũng theo báo cáo này, trong khi Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 việc phát triển các nhà máy thủy điện dạng bậc thang trên sông Lan Thương thì một số quốc gia vùng hạ lưu sông Mê Kông như Lào cũng đã tăng cường các hoạt động khai thác nguồn nước. Trong đó, Lào đang xây dựng 2 công trình thủy điện trên dòng chính là Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông, chuẩn bị xây thêm công trình Pắc-Beng, lập kế hoạch triển khai phát triển thủy điện dòng nhánh. Đáng lo ngại nhất là việc chuyển nước ra ngoài lưu vực và trong lưu vực ở vùng Đông Bắc Thái Lan.
Sạt lở vẫn luôn là nỗi ám ảnh của người dân ven sông Tiền, sông Hậu
Trong khi đó, do phụ thuộc gần 95% tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông hằng năm nên nguồn tài nguyên nước ĐBSCL đang chịu những tác động bất lợi với tần suất ngày càng gia tăng từ việc khai thác quá mức ở thượng nguồn Mê Kông. ĐBSCL thường xuyên chịu cảnh thiếu nước vào mùa kiệt, gia tăng xâm nhập mặn, thay đổi dòng chảy, sạt lở, bồi lắng lòng, bờ, bãi sông... ảnh hưởng đến việc sản xuất và nuôi trồng thủy sản.
"Mù" thông tin thượng nguồn
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng các báo cáo từ UBSMK Việt Nam là rất rõ ràng và có căn cứ về những tác động của các đập thủy điện từ thượng nguồn đối với khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, theo ông Thắng, các cơ quan liên quan nên xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu trong tình hình thực tế hiện nay chứ không quá bi quan trước thông tin các quốc gia ở thượng nguồn lấy sạch nước Mê Kông. Các cơ quan này cần thu thập thông tin xuyên biên giới để làm cơ sở xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường công tác kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế về bảo vệ nguồn nước.
Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng các tỉnh, thành thuộc ĐBSCL hiện rất cần những thông tin chính thống về nguồn nước ở thượng nguồn để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Tuy nhiên, ngay cả mùa kiệt thì các địa phương này cũng "mù" thông tin.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhìn nhận công tác phối hợp chia sẻ thông tin về nguồn nước giữa các bộ, ngành vẫn còn yếu và đề nghị UBSMK Việt Nam cùng các đơn vị liên quan cần giám sát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch về thủy lợi, hạ tầng giao thông, tái cơ cấu nông nghiệp… Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương liên hệ với đầu mối thông tin tại các phòng quản lý nước thuộc các sở TN-MT. "UBSMK Việt Nam phải thể hiện vai trò của mình đối với sự sống còn của ĐBSCL và Tây Nguyên, xem xét kỹ phương án sử dụng dòng sông nhánh để trữ nước ngọt" - ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trong thời gian qua, An Giang và Kiên Giang đã phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin về nguồn nước thông qua 2 con đập tràn Tha La và Trà Sư nên cũng không còn cảnh "thượng điền tích thủy, hạ điền khan". "Bộ TN-MT nên hỗ trợ các địa phương xây dựng các trạm quan trắc tự động dọc biên giới để từ đó có thông tin kịp thời về những vấn đề liên quan đến nguồn nước" - ông Thi đề xuất.
Không để "nước tới chân mới nhảy" Ông Lâm Quang Thi kiến nghị nên lập ngay các quy hoạch tổng thể cho ĐBSCL, nhất là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển để giảm thiểu thiệt hại trong thời gian tới và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với sử dụng nguồn nước. Thực tế hiện nay, các địa phương vẫn "theo đuôi" sạt lở theo kiểu "nước đến chân mới nhảy". Vì vậy, trong quy hoạch phải thể hiện rõ việc bố trí hệ thống giao thông, xây dựngcơ sở hạ tầng. |
Siêu máy bơm hút cạn nước tại rốn ngập ở Sài Gòn trong 20 phút Chiều 21/9, triều cường kết hợp mưa khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngập. Lúc này, siêu máy bơm đưa vào thử ... |
Bão Irma rút cạn nước biển, hiện tượng kỳ quái hiếm thấy Những hình ảnh lạ thường từ Bahamas cho thấy bờ biển lùi xa hơn rất nhiều so với bình thường, để lộ nơi thường là ... |