\"Khi sản xuất nông nghiệp vẫn phân tán, manh mún, không có quy hoạch và mang tính tự phát... thì chuyện phải giải cứu nông sản chưa thể giải quyết được\"
Đó là nhận định của ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi nói về tình trạng "được mùa rớt giá" với nông sản Việt Nam trong nhiều năm qua. Ông Thắng cho rằng, đây sẽ là vấn đề nóng và tiếp tục sẽ được bàn nhiều trong Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp do Thủ tướng chủ trì sẽ diễn ra vào ngày 30/7/2018.
Theo ông Thắng, việc đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay thường do các doanh nghiệp có vốn nhỏ đầu tư, việc sản xuất còn manh mún, tràn lan nên cung vượt cầu dẫn tới tình trạng phải giải cứu nông sản.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng "được mùa, rớt giá", muốn giải quyết được không phải ngày một, ngày hai.
Trước đó, vào tháng 6/2018 trong một diễn đàn về kinh tế nông nghiệp, một lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, ngành nông sản của Việt Nam chưa chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm khi ví rằng "nông sản giống như một cô gái đẹp, chỉ chờ người ta tới nhà tán tỉnh và nói hãy mua tôi đi...".
Người nông dân Việt Nam luôn phải đối diện với điệp khúc "được mùa mất giá".
Nhiều chuyên gia cho rằng, những năm qua nông sản Việt Nam đạt được thành tích đáng ghi nhận nhưng cũng thẳng thắn thừa nhận quy trình sản xuất còn đơn thuần, chưa chú trọng vào chế biến. Bên cạnh đó, tính liên kết sản phẩm còn yếu dẫn đến những bất cập của toàn ngành nông nghiệp hiện nay.
Có đến 70% nông sản Việt Nam vẫn đang được xuất khẩu sang Trung Quốc. Các thương lái Trung Quốc đều hiểu rất rõ các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Họ biết mùa nào nên thu mua sản phẩm gì, ở đâu nên từ đó tạo ra cho người nông dân tâm lý trông chờ thương lái trong thu mua, xuất khẩu nông sản. Điều này khiến chất lượng cũng như thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam không tăng trưởng như kỳ vọng.
Tuy nhiên, PGS.TS Dương Văn Chín - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành lại không đồng tình với quan điểm này. Ông Chính nhận xét, người nông dân Việt Nam không chảnh và cũng không thụ động như vậy. Người Việt Nam rất sáng tạo, nhất là nông dân, họ trồng cây gì cũng được.
Ông Chín cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ người nông dân Việt Nam chỉ biết và chỉ nghĩ tới việc sản xuất, trồng cấy cho ra được sản phẩm, chứ không biết bán hàng ở đâu, thị trường trong nước, ngoài nước thế nào.
"Đó không phải là lỗi của người nông dân. Việc bán ở đâu là của thương lái, doanh nghiệp" - ông Chín nói.
Vị chuyên gia này chỉ rõ, tính liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ở Việt Nam còn yếu. Hiện nay rất ít doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư chuyên nghiệp vào nông sản. Hiếm thấy công ty nào cử cán bộ xuống tận nơi hộ trợ nông dân từ khâu chọn giống, gieo trồng cho tới thu hoạch mà chính tính đến chuyện thua mua bán lấy lãi. Điều này dẫn tới việc chất lượng nông sản bị ảnh hưởng, người nông dân sản xuất, muốn bảo vệ sản phẩm của họ không bị sâu bệnh tấn công thì phải phun thuốc.
Thực tế cho thấy, trong suốt thời gian qua, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải cứu nông sản.
Năm 2016, nhận định khâu chế biến, thị trường chúng ta còn yếu, chuỗi giá trị chế biến còn tách rời sản xuất với thị trường, đây cũng là nguyên nhân xảy ra việc giải cứu hết nông sản này đến nông sản khác nên Bộ NN&PTNT đã thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản.
Còn Bộ Công thương đã có nhiều giải pháp như, xây dựng, triển khai các chính sách về phát triển hạ tầng thương mại, chợ, logistics. Bên cạnh đó, bộ này còn đàm phán mở cửa và đa dạng hóa thị trường, kết nối cung cầu. Mặc dù vậy, hiệu quả đạt được chưa cao.
Những trái cây lạ xuất hiện trên thị trường Việt Dù e ngại về nguồn gốc nhưng nhiều người Việt vẫn muốn ăn thử những trái cây lạ trên thị trường như dâu tây bạch ... |
Nông sản Việt là cô gái đẹp, lời an ủi ngọt tai Hi vọng tương lai xán lạn cho xuất khẩu nông sản Việt được củng cố bằng sự ví von về hình ảnh cô gái đẹp ... |
Nông sản Việt là cô gái đẹp: Thật không? "Người nông dân Việt Nam chỉ biết và chỉ nghĩ tới việc sản xuất, trồng cấy cho ra được sản phẩm, chứ không biết bán ... |