Không bỗng dưng tượng đài được dựng lên. Tượng đài hoàn thành trở nên một biểu tượng văn hóa vượt ra khỏi hình hài của khối điêu khắc và kiến trúc. Tượng đài đẹp, chất liệu bền vững sẽ tôn thêm vẻ thiêng liêng. Ngược lại, trước một tượng đài phản cảm, rêu mốc, chất liệu kém, sẽ càng giảm đi tác dụng về cảm giác thiêng liêng.
Tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn bị gãy một phần |
Cụm tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn ít được để ý đột ngột gây “tiếng vang” dư luận khi gãy đổ một phần tối 9/8. Vậy là, chỉ mới khánh thành được 2 năm thì cụm tượng đài do Sở VHTT&
DL tỉnh Bắc Kạn làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 14 tỉ đồng (bao gồm cả kiến trúc và mỹ thuật) đã gặp sự cố. Tại cuộc họp báo sau sự cố, ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Kạn cho biết: Sự việc xảy ra do các cháu bé trèo lên một phần tượng đài khiến phần tượng này bị gãy. Một cháu bị ngã xuống, bị bong dây chằng chéo đầu gối trái, phải bó bột để cố định.
Tại sao chất liệu tượng bằng đá xanh mà lại gãy? Ông Trường cho biết có thể do lâu ngày nên keo dán giữa các thớt tượng bị giảm độ kết dính. Câu nói của ông Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Kạn khiến dư luận sững sờ. Ai ngờ, cụm tượng đài chia làm 2 phần, mỗi phần 5 bức tượng. Các bức tượng được làm từ chất liệu đá xanh. Với chất liệu nặng hàng tấn, mà chỉ gắn kết với nhau bằng keo? Sao cứ như làm đồ cho trẻ con chơi thế?. Nếu các thớt tượng gắn kết với nhau bằng hệ thống cốt lõi, khớp giằng với nhau thì đâu đến nỗi.
Thời gian khánh thành tượng chưa lâu, cân nặng và lực đu của đứa trẻ 12 tuổi chắc chưa đến một tạ mà đã gãy đổ thì không biết nếu có giông bão, xoáy lốc, hay dư chấn nhẹ thì cụm tượng sẽ ra sao? May mà cháu bé đu lên tượng Kim Đồng chứ nếu đu lên tượng anh công nhân, chị nông dân hay anh vệ quốc, hoặc chị người dân tộc thì không hiểu sự thể thế nào?.
Được biết, công trình cụm tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn do Công ty cổ phần Mỹ thuật Hữu Nghị Hà Nội thi công. Và chính Công ty này thi công công trình biểu tượng huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh. Năm 2015, sau trận mưa lớn đã lộ ra yếu kém của đơn vị thi công tượng đài. Phần móng cụm tượng và cột phù điêu được thiết kế trên nền cọc bê tông cốt thép và phần đồi thiết kế đắp đất trên nền đất tự nhiên, dẫn đến việc lún không đều gây rạn nứt khu vực tiếp giáp.
Những vụ việc tiêu cực trong xây dựng tượng đài ở nước ta không ít. Điển hình như vụ rút ruột của tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ). Năm 2004, khi hoàn thành, công trình được coi là tượng đài bằng đồng lớn nhất nước, nặng 220 tấn. Tuy nhiên chỉ vừa khánh thành, hiện tượng nứt, lún, gỉ sét đã xảy ra. Vụ án được khởi tố và kết thúc bằng nhiều án tù với tội danh tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ - quyền hạn khi thi hành công vụ. Báo Đại Đoàn Kết khi đó cũng đã phanh phui ra trường hợp một công ty thuộc Đại học Mỹ thuật Công nghiệp không có chức năng chuyên môn cũng tham gia.
Với “tai tiếng” như vậy, liệu rằng những công trình tiếp theo do Công ty cổ phần Mỹ thuật Hữu Nghị Hà Nội thi công có cần gắn biển cảnh báo? Hay làm hàng rào ngăn cách tượng với người xem?
Tượng đài sẽ thật ý nghĩa nếu như đẹp và bền vững, thậm chí đem lại nguồn thu lớn từ du lịch. Ví như Đài tưởng niệm Washington khởi công năm 1848 và hoàn thành năm 1884. Tượng đài hình bút chì này cao 169m xây bằng đá cẩm thạch do kiến trúc sư Robert Mills thiết kế. hàng năm có hàng triệu du khách tới tham quan và nhiều khi phải đặt vé trước.
Đó là với thế giới. Còn tại Việt Nam thì nói mà thêm buồn. Giai thoại kể về Cao Bá Quát (thời Nguyễn) từng làm thơ chế nhạo vị Lý trưởng ăn bớt vật liệu khi thi công dựng tượng đôi voi phục trước cửa đình, khiến cho đôi voi trông rất xấu. Bài thơ như sau: “Khen ai khéo khéo đắp đôi voi; Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi; Chỉ có cái kia... sao chẳng thấy? Hay là thầy lý bớt đi rồi?”.
...Trở lại vụ cụm tượng đài ở Bắc Kạn, hiện cơ quan chức năng vẫn đang xem xét sự việc. Không lẽ cháu bé đu tượng tự chịu trách nhiệm? Không có lẽ cụm tượng được làm đúng quy trình, nghiệm thu khánh thành, và giải ngân đúng quy trình. Tất cả đều đúng quy trình.
Vậy ai, tổ chức nào sẽ chịu trách nhiệm về việc tượng gãy không đúng quy trình?.
Giá như tượng đài biết nói…