Trưởng thôn chặn xe cưới đòi nợ: Phản cảm, vi phạm pháp luật

Đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng ngày thiêng liêng như vậy mà cán bộ thôn ra chặn xe, chặn cô dâu chú rể để thu 1,5 triệu đồng tiền làm đường xây dựng nông thôn mới là hành vi không chỉ phản cảm mà còn vi phạm pháp luật.

truong thon chan xe cuoi doi no phan cam vi pham phap luat

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cán bộ thôn chặn xe đám cưới để thu 1,5 triệu đồng tiền làm đường xây dựng nông thôn mới là hành vi không chỉ phản cảm mà còn vi phạm pháp luật - Ảnh: Huyền Ngô

Sáng 31-10, trao đổi với báo chí liên quan đến việc cán bộ thôn Sơn Tây, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, chặn xe đám cưới để... đòi nợ 1,5 triệu đồng tiền làm đường xây dựng nông thôn mới, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng đó không chỉ là hành vi phản cảm, làm mất đi ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, mà còn là vi phạm pháp luật.

"Hành vi cán bộ thôn huy động mọi người ra chặn đường xe cô dâu, hình ảnh vô cùng phản cảm"- ông Nhưỡng bày tỏ.

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, gia đình người ta đã nói rất rõ, con cái người ta đã đóng góp ở nơi khác 3,5 triệu đồng rồi cho nên miễn cho họ. "Tôi cho rằng giải thích của gia đình này cũng không chấp nhận được đâu. Bởi vì, ở đâu có ở đó, anh sống ở đâu thì đóng góp ở đó. Tuy nhiên, ý của người ta là người ta không phải chây ì, không phải không đóng góp, không phải phản đối với chế độ chính sách ấy. Anh là cán bộ thì phải giải thích cho người ta rằng các bác đóng ở đằng kia ở rồi, nhưng còn đây là thôn mình thì bác chưa đóng"- ĐB Nhưỡng nói.

truong thon chan xe cuoi doi no phan cam vi pham phap luat

Hiện trường chặn xe cưới để đòi nợ (Ảnh do gia đình cung cấp)

Tuy nhiên, ông Nhưỡng cho rằng "ngày thiêng liêng như vậy, anh ra chặn xe, chặn cô dâu chú rể như vậy cả một tiếng đồng hồ, tôi cho rằng là hành vi phản cảm".

"Không biết họ coi đám cưới, đám ma, đám giỗ của gia đình họ như thế nào để mà họ làm những việc như thế?"- Vị ĐBQH đặt câu hỏi.

Theo ông Nhưỡng, xây dựng nông thôn mới, ta đã làm rất nhiều, huy động các nguồn lực để làm. Thực hiện các biện pháp nào, giám sát như thế nào để sử dụng được tất cả các nguồn lực là vô cùng quan trọng. Chỗ này phải cần công khai, minh bạch. Có chính sách rõ ràng. Phương pháp xử lý, nếu quản lý nhà nước thì phải tính toán.

"Anh không thể lẫn lộn giữa biện pháp quản lý xã hội và quản lý nhà nước. Anh không thể tự cho anh cái quyền mà muốn chặn ai, bắt ai bất kỳ lúc nào"- ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.

Ông Nhưỡng cho rằng các cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm cán bộ đã thực hiện hành vi sai phạm. Tùy tính chất mức độ để xử lý.

Trả lời câu hỏi qua vụ việc như vừa rồi, làm thế nào để ngăn chặn kiểu "cường hào" mới của nông thôn, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng nói cường hào hơi quá, nhưng đây là hành vi phản cảm, thứ nữa làm mất đi ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới.

Chúng ta xây dựng nông thôn mới mà những người lãnh đạo ở những vùng nông thôn mới ấy không phải là con người mới. Hành vi của họ không phải của lãnh đạo vùng nông thôn mới. "Đó là hành vi hơi hạ đẳng, một cán bộ của Đảng (Bí thư chi bộ, trưởng thôn) đi làm một việc hô hào mọi người ra chặn xe để thu tiền. Cái đó không đúng"- ông Nhưỡng cho biết.

"Hành vi đó là vi phạm pháp luật. Anh cản trở giao thông. Anh cưỡng đoạt chứ không chỉ là anh thu tiền đâu. Anh cưỡng đoạt tài sản của người khác. Nếu anh thu tiền được rồi, hành vi là hoàn thành tội cưỡng đoạt. Nếu cao hơn đây là cướp, anh trấn lột"- vị đại biểu nói.

"Đề nghị cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chuyên môn phải vào cuộc xem xét phân tích đánh giá hành vi đó, để làm bài học chung"- ĐB Nhưỡng đề nghị.

"Làm sao xây dựng nông thôn mới mà ở đó vẫn còn tiếng chim hót, còn tình cảm thôn quê, phải để cho vẫn còn ấm áp tình người, tình làng nghĩa xóm, chứ không phải xây dựng nông thôn mới để chúng ta vì câu chuyện, vì khoản tiền đóng góp để chúng ta đi cưỡng đoạt nhau"- ĐB Nhưỡng dẫn lời của Uỷ viên Ủy ban Thường vụ QH Phan Xuân Dũng.

"Đối với những trường hợp sai như thế này phải xử lý ngay và công khai để các địa phương khác không dám làm như thế"- ĐB Nhưỡng kiến nghị.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, sáng 30-10, bà Nguyễn Thị Thu (ngụ thôn Sơn Tây xã Sơn Thành Tây) phản ánh với Báo Người Lao Động rằng để thực hiện chương trình nông thôn mới, gia đình 4 người của bà phải đóng góp 6 triệu đồng để xây dựng giao thông nông thôn. Vì cho rằng 1 người con của mình đã làm ăn xa, nên bà đề nghị bớt 1 suất nhưng thôn không đồng ý, nên bà chỉ mới nộp 3 triệu đồng, còn nợ 3 triệu đồng.

Sáng 17-10, gia đình bà tổ chức đám cưới cho con trai D.T.T. (SN 1985). Khi xe cưới đến gần trụ sở thôn Sơn Tây thì Trưởng thôn Phạm Văn Quảng đưa người dùng các cây gỗ lớn chặn xe, yêu cầu bà trả nợ tiền đóng góp giao thông nông thôn thì mới cho xe qua. Tại đây còn có mặt của Bí thư Chi bộ thôn Thẩm Thị Linh. "Tôi thừa nhận là còn nợ và sẽ trả, nhưng hết chỗ đòi nợ hay sao mà ra đường chặn xe cưới như vậy? Cưới hỏi là chuyện hệ trọng cả đời người ta mà sao họ làm vậy" - bà Thu bức xúc và cho biết vụ việc kéo dài gần 1 giờ, sợ không kịp giờ hành lễ nên bà phải ký cam kết đến ngày 30-12 sẽ lên trụ sở thôn để làm việc thì thôn mới dỡ rào cản để cho xe cưới qua. Cũng theo bà Thu, vụ việc đình đám, nhiều người trong xóm kéo ra xem nên gia đình rất xấu hổ.

truong thon chan xe cuoi doi no phan cam vi pham phap luat Trưởng thôn chặn xe cưới để đòi nợ giao thông nông thôn

Vì cho rằng còn nhiều điều chưa rõ trong đóng góp xây dựng giao thông nông thôn nên chưa nộp đủ, 1 gia đình bị ...

http://nld.com.vn/thoi-su/truong-thon-chan-xe-cuoi-doi-no-phan-cam-vi-pham-phap-luat-20171031121938047.htm

/ Văn Duẫn/nld.com.vn