Lãnh đạo Mỹ - Triều rời khỏi hội nghị thượng đỉnh ở khách sạn Metropole mà không một thỏa thuận cụ thể nào được đưa ra.
-
\'Không có dấu hiệu nào của Trump\'
Theo Guardian, phiên dịch viên của ông Trump đã về đến khách sạn Marriott, nơi cuộc họp báo của phái đoàn Mỹ dự kiến diễn ra nhưng không thấy dấu hiệu nào của Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, sân khấu vẫn được bố trí và rất đông phóng viên đang ngồi chờ nghe thông báo những gì đã xảy ra trong phòng họp giữa ông Trump và ông Kim.
Quang cảnh phòng họp báo ở khách sạn Marriott. Ảnh: Việt Anh |
- Quan chức Mỹ ca ngợi kết quả hội nghị thượng đỉnh
"Không có thỏa thuận nào đạt được trong lần này, nhưng các bên mong chờ sẽ gặp lại trong tương lai. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có những cuộc họp rất tốt đẹp và mang tính xây dựng tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam vào ngày 27 và 28/2", Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders ra thông cáo cho biết.
"Hai lãnh đạo đã bàn về nhiều phương án thúc đẩy phi hạt nhân hóa và các mô hình phát triển kinh tế", bà Sanders nói thêm.
-
Không đạt được thỏa thuận
Nhà Trắng thông báo không có thỏa thuận chung nào đạt được giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần hai.
"Không có thỏa thuận nào trong lần này nhưng đội ngũ làm việc sẽ gặp nhau trong tương lai", Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho hay.
Bà đồng thời thêm rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên "đã có các cuộc gặp rất tốt và mang tính xây dựng ở Hà Nội, Việt Nam, vào ngày 27-28/2".
"Hai lãnh đạo thảo luận nhiều cách khác nhau để đẩy mạnh phi hạt nhân hóa và các khái niệm thúc đẩy kinh tế", Sanders cho biết
-
Tổng thống Trump có thể rời Việt Nam sớm
Một nguồn tin của VnExpress cho hay Tổng thống Trump sẽ rời Việt Nam sớm hơn dự kiến vài tiếng.
-
Phái đoàn Mỹ và Triều Tiên rời khách sạn mà không tổ chức lễ ký tuyên bố chung
Xe chở Chủ tịch Kim rời khỏi khách sạn Metropole. Ảnh: Phạm Đương. |
Chuyên xa chở Tổng thống Trump về khách sạn Marriott. Ảnh: Phạm Dự. |
- Khu vực họp báo được hối hả chuẩn bị
Ảnh: Twitter. |
Cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang được chuẩn bị tại khách sạn Marriott. Theo lịch trình, cuộc họp báo này sẽ được tiến hành lúc 15h50 nhưng bị đẩy sớm lên 14h.
- Không khí hoang mang
Các phóng viên xếp hàng trước khách sạn Marriott chờ cuộc họp báo của Trump, dự kiến diễn ra lúc 14h. Ảnh: Twitter. |
Julian Borger, phóng viên của Guardian, cho biết các phóng viên báo chí đã được yêu cầu di chuyển lên xe buýt để đến khách sạn Marriott, nơi họ dự kiến tham dự một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh.
Tuy nhiên, trong 20 phút sau đó, họ bị yêu cầu ngồi yên trên xe trong khi động cơ xe vẫn nổ và không được phép xuống xe. Anh cho hay mọi người đang rất bối rối vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Không phóng viên nào biết rõ có sự cố gì đã xảy ra trong cuộc đàm phán giữa hai đoàn.
- Chứng khoán Hàn Quốc lao dốc
Chỉ số chứng khoán Hàn Quốc chiều 28/2. Ảnh: Twitter. |
Chỉ số chứng khoán KOSPI Index của Hàn Quốc tuột dốc ngay sau thông tin hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều bị cắt ngắn so với kế hoạch.
- Thượng đỉnh Mỹ - Triều bị cắt ngắn thời gian
Đoàn xe chờ bên ngoài khách sạn Metropole, sẵn sàng đưa Trump về khách sạn Marriott. Ảnh: BBC. |
Bữa trưa được coi là thời gian cuối cùng để phái đoàn hai nước thống nhất về bản tuyên bố chung, tuy nhiên cuộc đàm phán song phương mở rộng giữa hai đoàn bị kéo dài và quan chức hai nước sẽ không ăn trưa cùng nhau.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders sau đó nói với các phóng viên rằng cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn nhưng sẽ kết thúc trong 30-40 phút tới và Tổng thống Trump sẽ lập tức trở về khách sạn Marriott.
Sanders cho biết cuộc họp báo được lên kế hoạch lúc 16h sẽ được dời lên lúc 14h. Bà từ chối nói rõ lễ ký tuyên bố chung liệu có diễn ra hay không, nhưng nhiều khả năng sự kiện này sẽ không được tổ chức.
Các phóng viên đợi trong phòng ăn trưa được yêu cầu di chuyển ra xe bus và được thông báo rằng chương trình có sự thay đổi, bữa trưa giữa hai đoàn bị hủy.
-
Phòng ăn trống vắng
Phòng ăn ở Metropole, nơi dự kiến hai lãnh đạo sẽ dùng bữa trưa, hoàn toàn vắng vẻ khi hai phái đoàn hủy kế hoạch ăn trưa.
Sau khi các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim vượt quá thời gian, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders thông báo với các phóng viên đang đợi đưa tin về bữa trưa rằng hoạt động này đã bị hủy. Các phóng viên trong phòng ăn bị đưa đến một xe buýt và cho biết chương trình hội nghị đã thay đổi.
Ảnh: Guardian |
-
Chủ quán "bún chả Obama" mời Trump - Kim đến ăn miễn phí
Bà Nguyễn Thị Liên là chủ quán bún chả ở Hà Nội từng đón cựu tổng thống Barack Obama và chuyên gia ẩm thực của CNN Anthony Bourdain đến ăn năm 2016.
Bà cho hay mình không quan tâm đến chính trị và sẽ rất vui được mời Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim thưởng thức bún chả miễn phí nếu họ ghé thăm.
Bà Nguyễn Thị Liên, chủ quán "bún chả Obama" ở Hà Nội. Ảnh: CNN |
- Thực đơn bữa trưa
Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim cùng phái đoàn của mình sẽ cùng ăn trưa tại nhà hàng Le Club trong khách sạn Metropole Hotel với thực đơn gồm:
Món khai vị: Gan ngỗng sốt táo
Món chính: Cá tuyết
Món tráng miệng: Bánh Banoffee cùng kẹo và trà sâm.
Món gan ngỗng sốt táo. Ảnh: Mirepoixusa |
- Hai đoàn ăn trưa muộn hơn dự kiến
Sau cuộc gặp song phương mở rộng giữa hai lãnh đạo Mỹ - Triều và các cố vấn cấp cao, hai phái đoàn tiếp tục ăn trưa làm việc và dự kiến ký tuyên bố chung lúc 14h05.
Bữa trưa làm việc giữa hai đoàn được lên kế hoạch vào lúc 11h55, tuy nhiên cuộc họp song phương mở rộng kéo dài hơn dự kiến và các quan chức Mỹ - Triều vẫn chưa vào nhà hàng dùng bữa.
Phòng ăn trưa của hai đoàn tại khách sạn Metropole được trang trí với tông vàng trắng. Có 10 ghế ngồi và 10 bộ bát dĩa được chuẩn bị sẵn. Trên bàn đặt những bình hoa màu trắng và tím.
- Toàn văn cuộc trao đổi ngắn với báo chí của lãnh đạo Mỹ - Triều sau phiên họp song phương
Trump: Các bạn đều có quãng thời gian tốt đẹp ở Hà Nội chứ? Mọi người đều tốt cả chứ? Jeff? Tôi hy vọng thế.
Phóng viên Jeff Mason từ Reuters: Chủ tịch Kim có sẵn sàng phi hạt nhân hóa không?
Kim: Nếu tôi không sẵn sàng, tôi sẽ không ngồi ở đây, lúc này.
Trump: Câu trả lời hay. Đó có thể là câu trả lời hay nhất các bạn từng được nghe.
Phóng viên: Ngài đã sẵn sàng thực hiện các bước đi cụ thể hay chưa?
Kim: Đó là điều đang được thảo luận.
Trump: Và xin đừng cao giọng. Đây không giống như mắng vào mặt Trump đâu.
Phóng viên Mason: Chủ tịch Kim, ông có thảo luận vấn đề nhân quyền với Tổng thống Trump không?
Trump: Chúng tôi đang thảo luận mọi thứ. Vì thế tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người có mặt ở đây, chúng tôi đang có những cuộc thảo luận rất hiệu quả, chúng ta sẽ được nhìn thấy chúng dẫn tới đâu. Tôi nghĩ chúng tôi đang có những cuộc thảo luận hiệu quả và tôi đánh giá cao điều này. Chúng ta sẽ có một cuộc họp báo sau đây rồi trở về nhà của mình. Mối quan hệ đang tốt như chưa bao giờ tốt hơn.
Phóng viên: Tổng thống Trump, liệu đã đến lúc đưa ra một tuyên bố chính trị kết thúc chiến tranh hay chưa?
Trump: Bất kể điều gì xảy ra đi chăng nữa, chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận tốt đẹp cho cả Chủ tịch Kim lẫn đất nước của ông ấy và cho cả chúng tôi. Tôi nghĩ đó là điều sẽ xảy ra. Điều này không có nghĩa là chúng tôi sẽ thực hiện nó trong ngày một ngày hai. Tất cả sẽ hướng tới một thành công lớn lao. Tôi thực sự tin vào lãnh đạo Triều Tiên. Tôi thực sự tin họ sẽ rất thành công và nền kinh tế của họ sẽ đạt được điều gì đó đặc biệt.
Phóng viên: Chủ tịch Kim, ông có sẵn sàng cho phép Mỹ mở văn phòng ở Bình Nhưỡng không? Ông có sẵn sàng cho bước đi này không?
Trump: Đó thực sự là một câu hỏi hay. Tôi cũng muốn nghe câu trả lời. Không phải một ý tồi.
Kim: Tôi nghĩ đó là ý tưởng rất đáng được chào đón.
Phóng viên: Đó là ý tưởng được chào đón hay một thông báo sẽ được đưa ra?
Trump: Tôi thực sự nghĩ đó là ý tưởng hay.
Kim: Mong các bạn để chúng tôi có thêm thời gian thảo luận bởi chỉ một phút thôi cũng rất quý giá đối với chúng tôi. Cảm ơn.
Trump: Cảm ơn.
- Kim tuyên bố sẵn sàng phi hạt nhân hóa
"Tôi đã không đến đây nếu không sẵn lòng làm điều đó", Chủ tịch Kim phát biểu sau khi một phóng viên đặt câu hỏi liệu ông có sẵn lòng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hay không.
"Đó là một câu trả lời tốt, đây có thể là câu trả lời tốt nhất mà các bạn từng được nghe", Tổng thống Trump nói ngay sau đó.
Chủ tịch Triều Tiên từng nhiều lần cam kết phi hạt nhân hóa trong các hội nghị thượng đỉnh ở Hàn Quốc và Singapore, nhưng giới chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi, cho rằng có rất ít dấu hiệu thể hiện tiến bộ trong lĩnh vực này.
-
Kim nói \'có thể chào đón\' văn phòng của Mỹ ở Bình Nhưỡng
Phái đoàn Mỹ (trái) và Triều Tiên trong phiên họp mở rộng. Ảnh: CNN. |
Các phóng viên đặt câu hỏi liệu Mỹ có thể mở văn phòng đại diện ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên hay không. Tổng thống Trump nhắc lại câu hỏi, cho biết ông "rất hứng thú được nghe câu trả lời" của lãnh đạo Triều Tiên.
"Đây là ý tưởng có thể được chào đón", Chủ tịch Kim phát biểu trước khi các phóng viên được yêu cầu rời phòng họp.
-
Thảo luận \'rất thành công\'
Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc phiên họp song phương mở rộng và có vài phút trả lời báo chí trước khi bước vào một phiên thảo luận khác.
Một phóng viên hỏi Kim Jong-un liệu ông có "thảo luận về vấn đề nhân quyền với Tổng thống Trump không?". Trong lúc phiên dịch viên của lãnh đạo Triều Tiên đang dịch lại câu hỏi, ông Trump nói: "Chúng tôi sẽ thảo luận mọi thứ. Chúng tôi đang có những cuộc thảo luận rất rất hiệu quả".
Ông Trump nhắc lại quan điểm của mình rằng Triều Tiên có thể có một tương lai tươi sáng và khẳng định các cuộc thảo luận "rất thành công".
-
Tranh cãi giữa nhân viên Nhà Trắng và an ninh Triều Tiên
Theo phóng viên David Nakamura từ Washington Post, một cuộc cãi vã nhỏ đã diễn ra giữa một nhân viên an ninh Triều Tiên và nhân viên Nhà Trắng trong lúc lãnh đạo hai nước họp phiên mở rộng.
An ninh Triều Tiên cáo buộc nhân viên Nhà Trắng chụp ảnh khi không được phép, song người này phủ nhận. Ngay lúc đó, một mật vụ Mỹ đã yêu cầu một quan chức truyền thông đến can thiệp và giải thích rằng nhân viên Nhà Trắng không làm gì sai, giúp xoa dịu tình hình.
-
Cựu sao bóng rổ: Trump xứng đáng đoạt giải Nobel Hòa bình
Dennis Rodman (đeo kính râm) ngồi bên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng năm 2013. Ảnh: AFP. |
Dennis Rodman, từng là ngôi sao giải bóng rổ nhà nghề Mỹ, gửi bức thư đến Donald Trump, bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với công việc của Tổng thống tại Hà Nội.
"Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, nhưng với đội ngũ của ông, những mối liên hệ toàn cầu tuyệt vời và lối tư duy không theo lối mòn, chúng ta có thể đạt được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên", Rodman viết trong thư.
"Ông đang ở trên ranh giới của một thỏa thuận lớn, đẹp đẽ. Nó chắc chắn sẽ khiến ông trở thành ứng viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình. Tôi sẽ mãi mãi ủng hộ ông!".
Rodman cùng một nhóm nhà báo lần đầu đến Triều Tiên năm 2013 để chơi một trận giao hữu bóng rổ. Ông tiếp xúc với ông Kim Jong-un và hai người trở thành bạn của nhau. Cựu sao bóng rổ sau đó vài lần thăm lại Triều Tiên và ủng hộ nỗ lực đối thoại giữa hai nước.
- Mỹ có thể từ bỏ yêu cầu Triều Tiên công khai vũ khí hạt nhân
Một vụ phóng thử tên lửa tầm xa của Triều Tiên năm 2017. Ảnh: KCNA. |
Các nhà đàm phán Mỹ trong quá trình đàm phán với phía Triều Tiên trước hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai đã không còn đưa ra yêu cầu Bình Nhưỡng phải liệt kê đầy đủ chương trình tên lửa, hạt nhân của mình, các quan chức Mỹ tiết lộ với NBC News.
Việc Triều Tiên kê khai đầy đủ số đầu đạn, cơ sở hạt nhân và tên lửa tầm xa từng là điều kiện tiên quyết của Washington trong đàm phán với Bình Nhưỡng. Các cố vấn có quan điểm cứng rắn trong chính quyền Trump như John Bolton luôn cho rằng Triều Tiên phải đáp ứng yêu cầu này trước khi có bất cứ nhượng bộ nào từ phía Mỹ.
Thay vào đó, phía Mỹ đang tập trung vào tổ hợp hạt nhân Yongbyon, được coi là "viên ngọc quý" trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Chủ tịch Kim Jong-un từng tuyên bố sẵn sàng phá dỡ cơ sở này để đổi lấy việc Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt và tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
- Tổng thống Hàn Quốc theo dõi sát cuộc họp của lãnh đạo Mỹ - Triều
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Reuters. |
Quan chức Nhà Xanh tiết lộ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không có lịch làm việc hôm nay, do ông đang theo dõi diễn biến của hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim qua truyền hình và báo cáo do cấp dưới cung cấp.
Tổng thống Moon trước đó bày tỏ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội sẽ mang lại nhiều tiến bộ cho bán đảo Triều Tiên.
- Vai trò của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton
Cố vấn Bolton (giữa) đứng cạnh Ngoại trưởng Pompeo (trái) và phát ngôn viên Sanders tại khách sạn Metropole. Ảnh: Twitter. |
John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia nổi tiếng là có quan điểm cứng rắn của Trump, hôm nay xuất hiện tại khách sạn Metropole ở Hà Nội, dù ông không có mặt trong bữa tối hôm qua. Các phóng viên đã ghi lại hình ảnh ông đứng cạnh phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Hucakabee Sanders và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại khách sạn Metropole.
-
Cuộc trò chuyện của lãnh đạo Mỹ - Triều trước báo giới
Trước khi bước vào các phiên thảo luận, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim cùng ngồi trò chuyện trước báo giới và trả lời câu hỏi. Cả hai đều hy vọng đạt được một kết quả tốt sau hội nghị nhưng Tổng thống Trump đã tiết chế lại các kỳ vọng. Ông tuyên bố: "Không có gì phải vội vàng. Chúng tôi chỉ muốn có một thỏa thuận đúng đắn".
Trump nêu rõ rằng ông sẵn sàng chấp nhận một lộ trình phi hạt nhân hóa chậm. "Tốc độ không quan trọng", Tổng thống Mỹ nói. "Điều quan trọng là chúng ta làm điều đúng đắn".
"Mối quan hệ rất mạnh mẽ và khi bạn có một mối quan hệ tốt, rất nhiều điều tốt đẹp sẽ xảy ra", ông chủ Nhà Trắng nói và thêm rằng tại bữa tiệc tối qua với Chủ tịch Kim Jong-un "nhiều ý tưởng tuyệt vời đã được hai bên trao đổi".
Chủ tịch Kim Jong-un trong khi đó cho hay "bằng trực giác của mình, tôi tin rằng hội nghị lần này sẽ có được những kết quả tốt đẹp".
"Bắt đầu từ hôm qua và đến thời điểm hiện tại, cả thế giới đang chú ý vào chúng ta", Chủ tịch Kim Jong-un nói thông qua phiên dịch viên. "Tôi chắc chắn rằng họ đang theo dõi thời khắc này, khi chúng ta ngồi bên cạnh nhau như thể đang xem một bộ phim viễn tưởng".
Chủ tịch Kim cũng trả lời một câu hỏi từ phóng viên Mỹ. Đây dường như là lần đầu tiên lãnh đạo Triều Tiên trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài.
David Nakamura từ Washington Post hỏi Chủ tịch Kim Jong-un rằng liệu ông có tự tin về việc đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Trump không. Lãnh đạo Triều Tiên đáp: "Còn quá sớm để nói. Tôi không nói rằng tôi bi quan. Tôi có cảm giác rằng những kết quả tốt đẹp sẽ xuất hiện".
-
Thành công của Triều Tiên
Christopher Hill, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nói rằng Triều Tiên đã không có nhiều dấu hiệu cam kết thực sự phi hạt nhân hóa kể từ hội nghị thượng đỉnh tại Singapore. Tuy nhiên, ông đánh giá Bình Nhưỡng đã đạt được thành công. "Họ đã phá vỡ thế cô lập ngoại giao mà Mỹ từng tìm cách đưa họ vào".
-
Em gái của Chủ tịch Kim
Khi ông Kim đi dạo cùng ông Trump, em gái của lãnh đạo Triều Tiên, Kim Yo-jong, đi theo đằng sau nhưng giữ khoảng cách, dường như để tránh lọt vào máy quay.
Ảnh: Reuters |
Khi hai lãnh đạo trao đổi với các cố vấn trước khi bước vào cuộc họp mở rộng, cô đứng quan sát ở một góc.
Ảnh: Reuters |
-
Họp kín ngắn hơn dự kiến
Theo kế hoạch ban đầu, cuộc họp kín giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un kéo dài 30-45 phút, tuy nhiên nó diễn ra chỉ trong 15 phút. Chưa rõ lý do giảm thời gian.
Ảnh: AFP |
Ảnh: AFP |
-
Cuộc trò chuyện bên bể bơi bị hủy vì thời tiết
Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim theo lịch trình sẽ có một cuộc trò chuyện bên bể bơi tại khách sạn Metropole, nhưng kế hoạch dường như đã bị thay đổi vào phút chót, CNN đưa tin.
Ảnh: AFP |
Các phóng viên tại hiện trường cho biết cuộc gặp phải chuyển vào bên trong vì thời tiết nóng ẩm ở Hà Nội. Nhiệt độ Hà Nội lúc này là 23 độ C, độ ẩm 93%. Tổng thống Mỹ đang mặc vest, còn Chủ tịch Triều Tiên mặc trang phục đại cán.
Ảnh: Reuters |
-
Họp mở rộng với các cố vấn
Sau cuộc họp kín 15 phút, ngắn hơn với kế hoạch 45 phút, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đi dạo trong khuôn viên khách sạn Metropole.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhà đàm phán Triều Tiên Kim Yong-chol chờ sẵn hai lãnh đạo tại đây. Sau khi trò chuyện vài phút qua hai phiên dịch viên, họ đi vào trong để bắt đầu phiên họp với các cố vấn. Phiên họp mở rộng này dự kiến kéo dài đến 11h55.
Ảnh: AFP |
- Hai lãnh đạo đi dạo
Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump đi dạo cùng nhau trong khuôn viên khách sạn Metropole sau cuộc trao đổi kín. Trump chắp tay sau lưng, Kim Jong-un tươi cười đi bên cạnh. Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên sau đó gặp quan chức cấp cao hai nước và trở vào bên trong.
- Ngoại trưởng Mỹ nói chuyện với cố vấn Triều Tiên
Cố vấn Kim Yong-chol (ngoài cùng bên trái) trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: ABC News. |
Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, một trong những cố vấn hàng đầu của Chủ tịch Kim Jong-un, nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bên ngoài phòng họp.
- Lực lượng an ninh canh gác bên ngoài hội nghị
Lực lượng an ninh Việt Nam và Triều Tiên canh gác khi hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra ở khách sạn Metropole. Ảnh: Reuters |
- Quan chức Mỹ chờ bên ngoài phòng họp
Các quan chức Mỹ trao đổi bên ngoài phòng họp. Ảnh: ABC News. |
Nhóm quan chức Mỹ, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders, tỏ vẻ căng thẳng trong lúc chờ đợi bên ngoài phòng họp của Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim.
- Lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên bắt đầu họp kín
- Sẽ còn ngồi với nhau nhiều
Tổng thống Trump cho biết ông tin rằng trong những năm tới lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ còn nhiều cơ hội ngồi lại với nhau trên bàn thảo luận.
Ông cho hay hai bên đã có những thảo luận nhiều ý nghĩa tại bữa tối hôm qua. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh điều quan trọng là mối quan hệ giữa hai bên đang rất tốt, rất mạnh mẽ. "Khi bạn có mối quan hệ tốt thì rất nhiều điều tốt đẹp xảy ra", ông Trump nói.
Ảnh: Reuters |
- Kim Jong-un lần đầu tiên trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài
Chủ tịch Triều Tiên trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài. Ảnh: AFP. |
Khi một phóng viên quốc tế hỏi liệu ông có tự tin về thỏa thuận đạt được sau hội nghị không, Chủ tịch Kim Jong-un trả lời: "Còn quá sớm để nói, nhưng theo trực giác của tôi, tôi có cảm giác rằng những kết quả tốt sẽ xuất hiện".
Julian Borger, biên tập viên của Guardian, cho rằng đây nhiều khả năng là lần đầu tiên ông Kim trả lời câu hỏi của một nhà báo nước ngoài. Ông Kim từng nhiều lần đến Trung Quốc nhưng ít khả năng ông từng trả lời câu hỏi của phóng viên bản địa. Người đặt câu hỏi cho ông Kim là phóng viên David Nakamura từ Washington Post.
Sau khi kết thúc cuộc trò chuyện trước báo chí, ông Trump nói với một phóng viên rằng "Tôi muốn anh gửi ảnh cho Chủ tịch Kim" và gọi anh này đứng lên bên trên để chụp ảnh.
- Chủ tịch Triều Tiên trao đổi với Tổng thống Mỹ trước cuộc gặp
- Trump khẳng định \'không vội vàng phi hạt nhân hóa\'
Ảnh: Reuters |
"Tôi sẽ không vội vàng phi hạt nhân hóa, nhưng rất biết ơn việc Triều Tiên không tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong thời gian qua. Tôi rất coi trọng Chủ tịch Kim và đất nước của ông ấy. Triều Tiên có rất nhiều tiềm năng để cạnh tranh kinh tế với các quốc gia khác", Tổng thống Mỹ phát biểu.
- \'Như bộ phim khoa học viễn tưởng\'
Lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ bắt đầu cuộc họp. Ảnh: Reuters |
Trao đổi với Tổng thống Mỹ trước khi vào họp thượng đỉnh, Chủ tịch Triều Tiên khẳng định ông sẽ "nỗ lực hết mình" để hội nghị lần này đạt được kết quả tốt đẹp.
"Tôi biết có những người chào đón cuộc gặp này, nhưng cũng có những người hoài nghi, nhưng tôi tin rằng tất cả họ đều đang dõi theo khoảnh khắc chúng ta ngồi cạnh nhau, như đang xem một bộ phim khoa học viễn tưởng", ông Kim nói.
Hồi tháng 6/2018 tại Singapore, Chủ tịch Triều Tiên cũng từng ví cuộc gặp với Tổng thống Mỹ như "phim viễn tưởng".
"Chúng tôi đã thực hiện nhiều nỗ lực và chúng tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đến Hà Nội, ngồi cùng nhau và có cuộc đối thoại tuyệt vời này", ông Kim nói. "Tôi đảm bảo sẽ nỗ lực hết mình để đem đến kết quả tốt cho hội nghị hôm nay".
-
Trump - Kim gặp nhau trong phòng họp
Ông Trump, đeo cà vạt kẻ màu xanh và ông Kim, trong trang phục áo đại cán quen thuộc, ngồi bên cạnh chiếc bàn tròn, đằng sau hai người là hai phiên dịch.
-
Trump - Kim đến hội nghị
Xe chở Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đều đã đến khách sạn Metropole, nơi diễn ra hội nghị, chuẩn bị bắt đầu ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Xe chở Tổng thống Trump tại khách sạn Metropole. Ảnh: Guardian |
Xe chở Chủ tịch Triều Tiên tới địa điểm họp thượng đỉnh. Ảnh: Văn Đương. |
- Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên tới địa điểm họp
Đoàn xe hộ tống Chủ tịch Triều Tiên tới địa điểm họp thượng đỉnh. Ảnh: ABC News. |
-
Tổng thống Trump lên đường đến hội nghị
Đoàn xe đưa Tổng thống Trump đến hội nghị thượng đỉnh sáng nay với Chủ tịch Kim đã rời khách sạn Marriott tiến vào trung tâm Hà Nội.
Ảnh: Tuấn Cao |
Toàn bộ cuộc họp thượng đỉnh hôm nay nhiều khả năng sẽ chỉ diễn ra tại khách sạn Metropole, nơi hai lãnh đạo sẽ dành phần lớn thời gian để đàm phán trước khi ký tuyên bố chung vào khoảng 14h.
- Gia tăng các thỏa thuận
Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên trong cuộc gặp tại Hà Nội tối 27/2. Ảnh: AFP. |
Các chuyên gia về Triều Tiên cho rằng dù Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Trump có đồng ý với điều gì trong lễ ký tuyên bố vào chiều nay, mọi người cũng không nên quá kỳ vọng vào những nhượng bộ lớn từ mỗi bên, theo CNN.
Một trong những kết quả có thể đạt được là hai bên lần đầu tiên đồng ý trao đổi văn phòng liên lạc và thông báo về một thỏa thuận hòa bình đánh dấu kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Các nhà đàm phán Mỹ ngay từ đầu đã đưa ra yêu cầu về việc Triều Tiên phải cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình hạt nhân của nước này như một phần trong thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh lần hai.
John Park, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường Harvard Kennedy nhận định các thỏa thuận có thể "gia tăng" nhưng hai bên vẫn tập trung vào những "kết quả hữu hình".
- Lịch trình
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trước khi dùng bữa tối tại Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay dự kiến gặp mặt vào 9h và theo kế hoạch sẽ có cuộc trò chuyện riêng kéo dài 45 phút tại khách sạn Metropole ở Hà Nội. Sau đó, hai lãnh đạo họp mở rộng cùng các quan chức và ăn trưa vào 11h55.
Ông Trump và ông Kim dự kiến ký thỏa thuận chung vào 14h05. Sau đó, ông Trump trở về khách sạn Marriott, nơi lưu trú của đoàn Mỹ và có buổi họp báo vào 15h50.
- Nhiều học sinh chờ đón đoàn Triều Tiên trên đường phố
Các em học sinh chờ đón đoàn Chủ tịch Kim Jong-un trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ảnh: Tất Định. |
- Mật vụ Mỹ tuần tra trên nóc khách sạn Tổng thống Trump
Mật vụ Mỹ bảo vệ nơi ở của Tổng thống Trump. Ảnh: Tuấn Cao. |
Tổng thống Trump dự kiến tới khách sạn Metropole lúc 8h45 để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Kim lúc 9h.
- Truyền thông Triều Tiên đưa tin rất nhanh về bữa tối của Trump - Kim
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, sáng nay đăng bài viết trên trang nhất về bữa tối giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, đề cao hy vọng về những kết quả "toàn diện và mang tính bước ngoặt" trong hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội.
-
Vượt qua hiểu lầm, thù địch
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đã đưa tin về bữa tối của ông Trump và ông Kim hôm qua. Họ dẫn lời ông Kim nói rằng hai lãnh đạo đã vượt qua "ngờ vực, hiểu lầm, thù địch và cách làm cũ".
"Ông nói thêm rằng giai đoạn này đòi hỏi nhiều tư duy, nỗ lực và kiên nhẫn hơn bao giờ hết", KCNA viết.
-
Hai bên có thể ký \'Tuyên bố Hà Nội\'
Các quan chức Mỹ đang soạn thảo một thỏa thuận với đối tác Triều Tiên trước khi Trump đến hội nghị, nhưng hiện chưa rõ tuyên bố chung này sẽ gồm những điểm nào. Trước đó, cả hai bên đều kỳ vọng một tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 sẽ được đưa ra tại hội nghị.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc gọi đây là "Tuyên bố Hà Nội", nhưng cho hay nội dung các thỏa thuận trong tuyên bố chung vẫn còn là một ẩn số. Cả Washington và Bình Nhưỡng đều kín tiếng về những nhượng bộ mà họ có thể đưa ra nhằm loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ.
-
Đảm bảo an ninh
Cảnh sát cơ động tại khu vực khách sạn Marriott. Ảnh: Lâm Thỏa. |
Hàng rào an ninh được thiết lập từ 6h sáng ở khu vực khách sạn Metropole, nơi sẽ diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh`của đoàn Mỹ, còn mật vụ Mỹ kiểm tra kỹ lưỡng từng chiếc xe ra vào.
- Kết quả có thể đạt được
Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở ở Mỹ, cho biết ông cảm thấy kỳ vọng vào hội nghị lần hai ở Hà Nội còn hơn cả sự kiện đầu tiên tại Singapore.
Theo Kimball, tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 có thể được đưa ra tại hội nghị lần này. Triều Tiên lâu nay vẫn coi đây là một bước tiến lớn hướng tới mục tiêu bình thường hóa quan hệ hai nước. "Đây sẽ là động thái mang tính biểu tượng, sẽ cho thấy Tổng thống Trump nghiêm túc trong nỗ lực thực hiện những bước đi giúp thay đổi mối quan hệ".
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Kim hồi tháng 9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho hay Triều Tiên sẵn sàng "tháo dỡ vĩnh viễn" tổ hợp hạt nhân Yongbyon và cho phép thanh sát viên quốc tế vào một số bãi thử tên lửa nếu Mỹ có những nhượng bộ tương ứng.
Đổi lại, Mỹ có thể đồng ý mở các văn phòng liên lạc Mỹ - Triều Tiên và cho phép tái khởi động một số dự án liên Triều, với điều kiện Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi hướng tới phi hạt nhân hóa.
Tổng thống Trump từng tuyên bố ông không vội vã phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà chỉ muốn Bình Nhưỡng ngừng thử tên lửa. Tuy nhiên, ông cũng từng nói rằng Triều Tiên đang đứng trước cơ hội xoay chuyển tình hình. Trong cuộc gặp tối 28/2, ông Trump nhấn mạnh với ông Kim Jong-un rằng Triều Tiên "có tiềm năng kinh tế to lớn".
Ông Trump (trái) và ông Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: AFP. |
-
\'Ngày bận rộn\'
Ngày 27/2, ông Trump và ông Kim có cuộc gặp riêng và cùng ăn tối tại khách sạn Metropole. Chủ tịch Triều Tiên mô tả hội nghị thượng đỉnh này là "một quyết định can đảm" của Tổng thống Mỹ, kỳ vọng cuộc gặp sẽ có kết quả tốt và những tháng vừa qua "đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và nỗ lực".
Ông Trump cho rằng hội nghị ở Hà Nội sẽ thành công tương đương hoặc hơn cuộc gặp lần thứ nhất ở Singapore và nhấn mạnh 28/2 sẽ là "ngày rất bận rộn".
Mỹ - Triều họp thượng đỉnh lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái. Hai bên ra tuyên bố chung cam kết làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa, tuy nhiên, có ít tiến bộ thực chất sau cuộc họp.
Các vấn đề như lộ trình phi hạt nhân hóa, khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng hay tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên được đánh giá sẽ là những nội dung chính trong chương trình nghị sự của hội nghị tại Hà Nội.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Mỹ Trump tại Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: AFP. |
Ông Kim: "Chúng ta ngồi cạnh nhau, họ như xem bộ phim viễn tưởng"
Ngồi bên cạnh ông Kim Jong Un trong cuộc gặp thứ hai ở Hà Nội, Tổng thống Trump nói ông không vội trong vấn đề ... |