Trải nghiệm thời sinh viên của bà Obama ở ngôi trường Ivy League

Là người da màu, cựu phu nhân tổng thống Mỹ đối mặt với nhiều định kiến và nỗ lực không ngừng để chứng tỏ khả năng. 

Trong suốt chiến dịch tranh cử của chồng và tám năm sống ở Nhà Trắng, cựu đệ nhất phu nhân nước Mỹ Michelle Obama không tiết lộ nhiều về trải nghiệm thời trẻ tại Đại học Princeton, theo Inside Higher Ed.

Trong cuốn hồi ký "Becoming" phát hành tháng 11/2018, bà Obama lần đầu nhắc đến cảm giác về sự khác biệt màu da khi theo học một trong tám trường thuộc khối Ivy League danh giá cùng quyết tâm mạnh mẽ của bà để bác bỏ định kiến chủng tộc tiêu cực từ một số giáo sư và bạn học.

"Nếu như ở trường trung học, tôi cảm thấy mình đang đại diện cho khu phố của mình, thì lúc bấy giờ tại Princeton, tôi đại diện cho cả một chủng tộc", bà Obama viết. Mỗi lần phát biểu trong lớp hay đạt điểm kiểm tra ấn tượng, bà âm thầm hy vọng điều đó sẽ có tác động tích cực đến nhận thức của mọi người về người da màu.

trai nghiem thoi sinh vien cua ba obama o ngoi truong ivy league

Michelle Obama trong những năm tháng sinh viên tại Đại học Princeton, New Jersey, Mỹ. Ảnh: Pinterest

Thời cựu đệ nhất phu nhân còn là sinh viên, Princeton chỉ toàn người da trắng và chủ yếu là nam giới. Do đó, bà nhanh chóng kết bạn với những sinh viên da màu khác và phát hiện ra rằng sự đa dạng, hài hòa vốn được miêu tả trong các tài liệu quảng cáo về trường đại học không hề giống với những gì bà tận mắt chứng kiến.

"Tôi tưởng tượng rằng các lãnh đạo ở Princeton không thích việc nhóm sinh viên da màu cứ bám dính lấy nhau. Người ta hy vọng tất cả chúng tôi sẽ cùng hòa nhập và trộn lẫn trong sự không đồng nhất, góp phần làm tăng chất lượng cuộc sống sinh viên một cách toàn diện. Đó là một mục tiêu xứng đáng. Tôi hiểu rằng khi nói đến sự đa dạng trong khuôn viên đại học, lý tưởng nhất sẽ là đạt được những gì chúng ta thường thấy trên các tài liệu quảng cáo về trường - một nhóm sinh viên nhiều sắc tộc đang tươi cười và giao tiếp với nhau", bà Obama chia sẻ.

Tuy nhiên, đến tận ngày nay, khi số lượng sinh viên da trắng vẫn tiếp tục áp đảo số lượng sinh viên da màu trong các trường đại học, gánh nặng hòa nhập đó vẫn được đặt phần lớn trên vai nhóm thiểu số. Theo kinh nghiệm của bà Obama, đó là một yêu cầu rất khó khăn.

Cựu phu nhân tổng thống có kết quả tốt nghiệp trung học thuộc top 10% của khóa. Bà từng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, bao gồm cả làm thủ quỹ của lớp. Đó là những yếu tố giúp bà trở thành ứng cử viên sáng giá cho các trường đại học hàng đầu. Nhưng ngay từ đầu cuốn sách, bà đã kể lại cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với một cố vấn tuyển sinh, và câu chuyện liên quan đến người phụ nữ đó là ký ức bà cố gắng xóa nhòa.

Khi biết bà Obama đặt mục tiêu vào ngôi trường Ivy League, người cố vấn cười chiếu lệ và nói với vẻ bề trên: "Tôi không chắc là em có tố chất Princeton".

Thực tế, người phụ nữ có thể đã nói với bà Obama về những điều tích cực và lời khuyên hữu ích khác nữa, nhưng bà không nhớ gì về chúng cả. Đầu óc bà chỉ vướng mắc với đúng một câu mà người đó thốt ra.

Phớt lờ lời cảnh báo của người mới gặp lần đầu, bà Obama ôn tập chăm chỉ và nhận được thư mời nhập học từ Đại học Princeton khoảng 6-7 tháng sau đó, vào năm 1981.

Ngay cả sau khi bà Obama trở thành sinh viên của trường, một số người vẫn tỏ ra nghi ngờ bà không thuộc về nơi đây. Là người da đen, bà Obama khó thoát khỏi cái bóng của chương trình "affirmative action", một chính sách đặc cách trong các trường đại học Mỹ dành cho những nhóm thiểu số, nhằm bù đắp tình trạng phân biệt đối xử trước đây.

Bà Obama có thể đọc được sự dò xét trong ánh mắt của một số sinh viên và thậm chí cả giáo sư, như thể họ muốn nói "Tôi biết tại sao cô lại ở đây". Những khoảnh khắc đó có thể khiến bà nản lòng, dù đôi khi bà biết chắc một số điều là do mình tưởng tượng ra. Có lúc, bà tự ngờ vực bản thân.

Năm thứ nhất đại học, bà Obama sống trong phòng dành cho ba người ở Pyne Hall với hai sinh viên da trắng, những người mà bà nhớ luôn cư xử rất tử tế, mặc dù bà không dành nhiều thời gian ở ký túc xá. Giữa năm đó, Cathy, một trong hai người bạn cùng phòng đã chuyển sang ở phòng đơn. Nhiều năm sau, bà Obama mới biết sự thật rằng mẹ của Cathy, giáo viên ở New Orleans, đã rất kinh hãi khi con gái ở cùng phòng với người da đen và yêu cầu trường đại học tách họ ra.

trai nghiem thoi sinh vien cua ba obama o ngoi truong ivy league

Ảnh tốt nghiệp Đại học Princeton của Michelle Obama. Ảnh: Pinterest

Luận văn của bà Obama là cuộc khảo sát những cựu sinh viên người Mỹ gốc Phi, trong đó bà tìm hiểu quan điểm của họ về chủng tộc và bản sắc sau khi theo học Princeton. Bà kể lại trong hồi ký rằng các phương tiện truyền thông cánh hữu đã sử dụng luận văn đó để vẽ nên bức tranh về bà như một người cực đoan quyết tâm "lật đổ người da trắng", khiến hình ảnh của bà và chồng trở nên đáng ghét trong mắt cử tri Mỹ.

"Như thể ở tuổi hai mươi mốt, thay vì cố gắng để có được điểm A trong môn xã hội học và giành một vị trí tại Trường Luật Harvard, tôi đã ấp ủ một kế hoạch lật đổ người da trắng và cuối cùng cũng có cơ hội hiện thực hóa thông qua chồng tôi", bà Obama viết.

Bà Obama không đả động nhiều đến khả năng chi trả cho việc học đại học, chỉ đề cập rằng cha mẹ bà chưa bao giờ nhắc đến sự căng thẳng về gánh nặng học phí, dù bà có thể cảm nhận được. Tại Princeton, bà nhận được một gói hỗ trợ tài chính với yêu cầu phải làm một công việc bán thời gian trong khi học. Do đó, trong suốt bốn năm, bà làm trợ lý cho Third World Center, một trung tâm hỗ trợ các sinh viên da màu. Sau 20 năm, tên trung tâm được đổi thành Carl A. Fields Center for Equality and Cultural Understanding, sử dụng cho đến ngày nay.

Là người đầu tiên trong gia đình vào đại học, bà Obama nhớ lại những khó khăn khi không có người truyền đạt kinh nghiệm, phải tự làm quen với mọi thứ. Thậm chí, bà đã mua nhầm tấm ga trải giường quá ngắn và phải ngủ với đôi chân thò ra trên tấm nệm ở ký túc xá trong suốt năm đầu tiên.

Tuy nhiên, cơ hội học tập ở Princeton là một trong những trải nghiệm đáng quý, là bước đầu tiên trên hành trình giúp bà Obama trở thành biểu tượng của người phụ nữ thông minh và độc lập như hiện tại. Tại Princeton, cô sinh viên Michelle tận hưởng cảm giác thoải mái khi ngồi dưới bóng những cây sồi cổ thụ hay chơi trò ném đĩa trên bãi cỏ xanh mướt để giải tỏa căng thẳng. Các phòng ăn ở trường phục vụ năm món ăn sáng. Thư viện chính giống như một thánh đường với trần nhà cao và những chiếc bàn gỗ bóng loáng, là nơi bà và những sinh viên khác có thể bày sách giáo khoa và học trong không gian tĩnh lặng.

Năm 1985, Michelle Obama tốt nghiệp Đại học Princeton với tấm bằng cử nhân Xã hội học loại giỏi. Bà trúng tuyển chương trình tiến sĩ ở trường Luật thuộc Đại học Harvard, tốt nghiệp năm 1988. Phu nhân Barack Obama là một trong ba đệ nhất phu nhân của nước Mỹ sở hữu bằng cấp sau đại học, bên cạnh Hillary Clinton và Laura Bush.

trai nghiem thoi sinh vien cua ba obama o ngoi truong ivy league

Cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama ăn mặc sành điệu thế nào?

Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ thường xuất hiện trước công chúng với hình ảnh trẻ trung, sành điệu nhờ gout ăn mặc phóng khoáng, ...

trai nghiem thoi sinh vien cua ba obama o ngoi truong ivy league

Hồi ký của bà Michelle Obama trở thành sách bán chạy nhất năm 2018

Chỉ 15 ngày sau khi được phát hành, cuốn hồi ký "Becoming" đã bán được hơn 2 triệu bản ở thị trường Bắc Mỹ. Con ...

/ https://vnexpress.net