Việt Nam bị động đối phó khi Trung Quốc cấm nhập phế liệu do chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa.
Cuộc họp về Quản lý nhập khẩu phế liệu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất diễn ra ngày 12/7 tại Hà Nội quy tụ nhiều bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải quan...
Thông tin tại cuộc họp cho biết, từ cuối 2017, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu khiến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu phải tìm đối tác khác, thị trường khác như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia.
Do đó, một lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước đang phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, những khe hở trong quản lý khiến cho việc tồn tại các container phế liệu nhập khẩu không chủ, xuất hiện tình trạng một số tổ chức, cá nhân đăng ký địa chỉ ma nhưng cố tình nhập khẩu phế liệu không đáp ứng quy chuẩn nên cơ quan hải quan không thể liên hệ được.
Nhiều địa chỉ ghi trên mạng không đúng với thực tế (địa chỉ ma) dẫn tới một số lượng lớn container tồn tại tồn đọng lâu ngày, nhiều container lưu bãi 5-6 năm mà không có người đến nhận gây thiệt hại kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Tình trạng nhập khẩu phế liệu ồ ạt đang tạo áp lực đến kho bãi các cảng
"Việt Nam hiện chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới, chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển, sắp xếp lên bờ lúc đó mới làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu.
Vì thế, chúng ta luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về. Đây là một tồn tại rất lớn?
Ngoài ra, thông tin từ một số hãng tàu lớn cho thấy hàng phế liệu nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do các hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn đang tìm hướng giải quyết số lượng container tồn đọng tại các cảng", báo Tuổi trẻ dẫn lời Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cũng cho biết, đã xảy ra tình trạng gian lận trong nhập khẩu phế liệu như: Tên địa chỉ đơn vị nhận hàng mập mờ, nếu cơ quan điều tra không làm việc với những đơn vị đó sẽ có người nhận hàng, nhưng khi cơ quan điều tra làm việc thì không có người đến nhận hàng.
“Như vậy, đối với những hàng phế liệu vô chủ sẽ xử lý theo quy định nào?”, ông Thành đặt câu hỏi.
“Theo tôi, phải cương quyết không cho dỡ hàng từ tàu xuống cảng khi không có Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp", ông Thành nói.
Theo ông Thành, cơ quan Hải quan cũng gặp nhiều vướng mắc ở những quy định tại Thông tư 41/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất không thông báo cho cơ quan Hải quan, nên không biết doanh nghiệp nhập bao nhiêu phế liệu. Việc lấy mẫu phế liệu để giám định tại cảng không khả thi vì có hàng nghìn container sẽ ảnh hưởng đến thời gian tại cảng.
Luật Bảo vệ môi trường đang tồn tại định nghĩa phế liệu và phế thải mang tính hàn lâm dẫn đến việc khai báo tên hàng không rõ ràng. Như túi ni-lon, bao tải không biết trước đó sử dụng cái gì nhưng doanh nghiệp khai báo rằng đã qua sử dụng nhưng vẫn được sử dụng tiếp. Như vậy, doanh nghiệp đang lách tên gọi để tránh sự quản lý của cơ quan nhà nước.
Theo ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải), để giảm tình trạng phế liệu không rõ chủ hàng nhập khẩu vào Việt Nam cần thiết yêu cầu các chủ hàng đặt cược tiền để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải.
Đồng thời, yêu cầu các chủ hàng xuất trình Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phê liệu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ TN&MT cấp. Cục Hàng hải cũng đã tham mưu cho Bộ giao thông vận tải và Chính phủ thực hiện phân luồng hàng phế liệu nhập về các cảng.
8.000 container phế liệu: Ăn tiền chở rác về Việt Nam? Vì lòng tham, vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhận tiền chở rác từ nước ngoài về Việt Nam. |
Hàng chục nghìn container “rác thải” tại các cảng biển, cách nào xử lý? Tại cảng Hải Phòng, TP HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu có tới hàng chục nghìn container đang bị "bỏ quên", làm giảm năng suất, hiệu quả ... |