Thủ tục chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Khi tòa án đang thụ lý vụ án chia tài sản chung, nếu có thỏa thuận chia tài sản của đương sự thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của của đương sự.

Câu hỏi:

Bà Nguyễn Thị H. trình bày: Tôi và chồng tôi (tên T.) trước đây có quan hệ hôn nhân. Do mâu thuẫn vợ chồng nên hai bên đã ly hôn theo pháp luật. Quá trình giải quyết vụ án ly hôn, về phần tài sản chung, chúng tôi yêu cầu Tòa án chia 1 thửa đất diện tích đất 250m2 (5m x 50m) trên đất có 1 căn nhà cấp 4 (đã sử dụng ổn định 12 năm) tại tổ 5 phường Y, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ông T. cho rằng tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là căn nhà và đất nói trên. Tổng giá trị tài sản được định giá là 210 triệu đồng và yêu cầu chia thành 3 phần: tôi, ông T. và các con tôi. Các con tôi (đã trưởng thành) đồng ý số tiền mà ba mẹ tự nguyện cho và không có ý kiến gì về tài sản của ba mẹ. Khi Tòa án đang thụ lý, bản thân tôi và ông T. cùng các con đã tự thỏa thuận với nhau là tài sản nói trên được chia làm 3 phần. Tòa án có công nhận nội dung gia đình tôi thỏa thuận hay không? Khi chia tài sản, tôi muốn ở trong căn nhà này (do chưa có chỗ ở ổn định) thì được giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Khi tòa án đang thụ lý vụ án chia tài sản chung, nếu có thỏa thuận chia tài sản của đương sự thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của của đương sự.

Tại Khoản 2, Điều 5 – Bộ Luật Tố tụng Dân sự quy định: Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”

Điều 58. Bộ Luật Tố tụng Dân sự quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự như sau:

1. Các đương sự có các quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng.

2. Khi tham gia tố tụng, đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau đây: Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hoà giải do Toà án tiến hành.

Khoản 2 Điều 212 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau: Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Khoản 1 Điều 213 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về Hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Về phần câu hỏi khi chia tài sản, bà H. muốn ở trong căn nhà này (vì chưa có chỗ ở ổn định) thì được giải quyết như thế nào?

Căn cứ Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì trong trường hợp vợ chồng ly hôn thì việc chia tài sản khi ly hôn theo các nguyên tắc sau: Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

Tài sản chung của vợ chồng được chia nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng.

Như vậy khi xem xét về điều kiện hoàn cảnh của bà, Tòa án sẽ quyết định việc giao nhà và đất cho bà sở hữu, sử dụng. Tuy nhiên nếu bà muốn được sở hữu căn nhà và đất nói trên, bà phải có nghĩa vụ thanh toán tiền chia tài sản cho ông T. 1/3 giá trị (70 triệu đồng) và các con 1/3 giá trị tài sản (70 triệu đồng) như đã thỏa thuận.

/ http://www.nguoiduatin.vn