Ngày làm nghề trang điểm, tối biểu diễn ở các quán bar, Betty nằm trong số những nghệ sĩ giả gái khuấy động một góc Hà Nội mỗi đêm.
Betty (váy xanh) và các đồng nghiệp biểu diễn ở một quán bar Hà Nội. Ảnh: AFP |
Trong chiếc váy lưới màu xanh non và đôi giày cao gót ánh bạc, nghệ sĩ 22 tuổi hy vọng đưa những màn biểu diễn của mình trở nên phổ biến tại Hà Nội, nơi mà loại hình này vẫn chưa được biết đến nhiều.
"Nếu chúng tôi dám làm những người tiên phong thì môn nghệ thuật này sẽ sớm được chấp nhận ở Việt Nam", Betty nói với hãng thông tấn Pháp AFP trước một buổi diễn tối thứ 7. Anh khuấy động đám đông bằng các bản hit của Whitney Houston và Alicia Keys.
Những người như Betty được gọi là "drag queen", cụm từ dùng để chỉ những anh chàng, thường là đồng tính, ăn vận và biểu diễn như phụ nữ. Thuật ngữ "drag", viết tắt của cụm từ "Dress resembling a girl" (Ăn diện giống con gái), bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19 ở Anh. Vào thời điểm đó, do tình trạng thiếu hụt diễn viên nữ nên nhiều diễn viên nam đã buộc giả gái để thế vai. Ngày nay, "drag" được xem là một nghệ thuật biểu diễn và đặc biệt phổ biến trong cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới LGBT.
Nhà tổ chức Tamah Lake cho hay buổi biểu diễn mà Betty tham gia là sự kiện duy nhất thuộc loại hình này tại Hà Nội. "Loại hình này ngày càng được công khai. Tôi nghĩ nó đang trở nên phổ biến hơn và được biết đến nhiều hơn", Lake nói, dù bản thân cô không phải là "drag queen". Lake là giáo viên toàn thời gian.
Các "drag queen" tham gia vào những bữa tiệc tối thứ 7 của Lake cho hay họ có rất ít địa điểm để biểu diễn ở Hà Nội, một thành phố mà việc ăn mặc giả gái hầu như ít khi nghe tới. Điều này không giống như ở phương Tây, nơi những ngôi sao như RuPaul, cha đẻ của "drag queen", khiến môn nghệ thuật này trở nên phổ biến.
"Tại Việt Nam, có những nghệ sĩ giả gái hoạt động lâu năm nhưng không được thừa nhận. Chương trình này giúp nhiều người biết đến nghệ thuật của chúng tôi hơn", Betty nói. Anh đã lập ra một nhóm "drag" 5 thành viên mang tên "Victeam" tại Hải Phòng.
Hai "drag queen" Pinky và Vanessa trong hậu trường tại một quán bar ở Hanoi. Ảnh: AFP |
Hãng thông tấn Pháp đánh giá rằng xã hội Việt Nam tương đối tiến bộ trong vấn đề LGBT. Năm 2015, Việt Nam đã bỏ quy định cấm kết hôn giữa người đồng giới, nhưng cũng chưa công nhận hôn nhân đồng giới một cách đầy đủ về mặt pháp lý. Giới chức đang dự thảo luật về người chuyển giới để hợp pháp hóa các thay đổi về giới tính.
Vuong Kha Phong, cán bộ về quyền LGBT tại tổ chức phi chính phủ iSEE, cho rằng loại hình nghệ thuật nam giả nữ có thể thúc đẩy xã hội có cái nhìn tích cực hơn với cộng đồng LGBT.
"Hoạt động biểu diễn của các drag queen góp phần to lớn giúp mọi người biết đến và cởi mở hơn với sự đa dạng giới tính", anh Vuong nói.
Thực tế, việc ăn mặc giả gái ở Việt Nam có gốc rễ lịch sử, phản ánh qua nghi lễ hầu đồng tồn tại nhiều thế kỷ nay. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, các nghệ sĩ giả gái vẫn phải đối mặt với những cái nhìn tiêu cực từ cộng đồng vì làm lu mờ những quy chuẩn về giới.
Betty (phải) và Vanessa trang điểm trước một buổi diễn. Ảnh: AFP |
Za Za Zellia, một nghệ sĩ, hy vọng các buổi diễn "drag" sẽ giúp xóa bỏ quan điểm bảo thủ. "Hà Nội thực sự rất truyền thống, họ không ghét những người giả gái nhưng họ cũng không đồng tình với điều đó", nghệ sĩ 25 tuổi nói. "Điều đó làm mọi người hiểu rằng vậy là ổn, hoàn toàn bình thường".
Anh Ngọc
Những khoảnh khắc đáng nhớ tại ngày hội tự hào đồng tính lớn nhất châu Á
Hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về thành phố Đài Bắc (Đài Loan) để cùng giương cao lá cờ cầu ... |
Phim đồng tính \'Tao không xa mày\' chưa chiếu đã bị tố ăn cắp kịch bản
Vừa công bố những thông tin đầu tiên về dự án vào ngày 8.8, bộ phim LGBT (đồng tính) Tao không xa mày của đạo ... |