Thầy Thái Bá Tân đã thẳng thắn rằng: Cho con học tiếng Anh quá sớm là tốn tiền, không hiệu quả.
Thầy Thái Bá Tân - một giáo viên dạy ngoại ngữ có tiếng ở Hà Nội, từng dạy tiếng Anh và văn học Anh tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội - đã thẳng thắn rằng: Cho con học thêm tiếng Anh quá sớm là tốn tiền, không hiệu quả.
Thầy Tân đặt vấn đề, người lớn, nhất là sinh viên không chịu học, lại bắt trẻ con nói chưa sõi học và mất cả "núi tiền".
“Tôi từng chứng kiến một người ở quê lên Hà Nội kiếm sống đã đầu tư cho hai con, 5 tuổi và 9 tuổi, đi học thêm tiếng Anh, mỗi buổi 120.000 đồng. Tôi khuyên thôi ngay, nhưng không biết họ có nghe không…”.
Theo thầy, khi trẻ còn nhỏ, nếu thích, bố mẹ có thể cho con học tiếng Anh cho vui, bởi trẻ biết rồi sẽ nhanh quên, không nên thuê thầy cô dạy, bởi như vậy chỉ tốn tiền mà không đem lại lợi ích gì.
Nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên cho trẻ học tiếng Anh sớm. Ảnh: Hải Nguyễn |
“Khuyên các bố mẹ không cho con học thêm tiếng Anh, đặc biệt khi còn nhỏ. Tốn tiền, tốn thời gian của bố mẹ và các cháu. Mà kết quả thì gần như con số không. Tôi là chuyên gia dạy tiếng Anh đấy, có thể là chuyên gia hàng đầu. Học đến mấy rồi cũng quên. Chờ đến lớp 10, thì cho các cháu học, học nghiêm chỉnh, liên tục cho đến hết phổ thông. Ba năm là đủ” - thầy Tân bày tỏ quan điểm.
Thầy cũng cho rằng, khi trẻ còn nhỏ, nên dành thời gian cho các con vui cười, đọc sách, chơi thể thao. Nếu có cho con tiếp xúc với tiếng Anh thì bố mẹ ở nhà tự dạy và trò chuyện với con bằng ngôn ngữ này nếu có thể.
Ý kiến cá nhân của thầy Thái Bá Tân đang được chia sẻ trên mạng xã hội, với nhiều tranh cãi. Vì lâu nay, không ít chuyên gia đều khuyên cho trẻ học ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Bản thân nhiều phụ huynh cũng sẵn sàng đầu tư thời gian và tiền bạc để đưa con đến các trung tâm ngoại ngữ học, khi con chỉ mới 3-4 tuổi.
Trước quan điểm của thầy Thái Bá Tân, anh Minh Hoàng (Hà Nội) cho rằng, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, việc học tiếng Anh rất cần thiết và nên học càng sớm càng tốt, chứ không nên để lớp 10 mới học.
“Xin đừng áp đặt những suy nghĩ cổ hủ vào tương lai các em. Việc học 2 ngoại ngữ song song làm tư duy của trẻ sẽ tốt hơn và dễ tiếp thu hơn. Để lớn mới học sẽ rất khó tiếp thu, nếu không được ở môi trường tiếp xúc nhiều với tiếng Anh. Theo tôi đừng suy nghĩ theo tư duy cũ kỹ nữa” – anh Hoàng chia sẻ.
Học sinh bắt đầu được học tiếng Anh từ bậc tiểu học. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Còn anh Nguyễn Văn Toàn (Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, ý kiến của thầy Thái Bá Tân không phải không có lý: “Ngoại ngữ và ngôn ngữ phải học từ sớm, càng sớm càng tốt, nhưng không phải là học theo kiểu chia động từ, điền vào chỗ trống, cấu trúc câu, mà là tiếp cận ở môi trường tự nhiên.
Vấn đề nữa là không nên gây áp lực cho trẻ nhỏ. Tôi nghĩ nên cho con học một cách tự nhiên theo kiểu "chơi mà học", không phải học để lấy bằng cấp hay so tài cao thấp với người khác. Tốt nhất chỉ nên cho con học nghe nói theo cách tự nhiên giống như tập nói tiếng Việt vậy”.
Cô Lê Thu Ngọc – một giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà Nội - cho rằng, độ tuổi nên tiếp xúc tiếng Anh là từ khi trong bụng mẹ. Bố mẹ có thể cho con nghe nhạc, hoặc nói tiếng Anh cho con quen. Độ tuổi lý tưởng học ngôn ngữ mới ở trẻ là từ 4 đến 8 tuổi.
Cô Ngọc cũng đưa ra lời khuyên, phụ huynh không nên ép con học tiếng Anh, hay đưa con đi học hết trung tâm đến trung tâm khác khi con không muốn, hoặc còn quá nhỏ. Làm như vậy vừa mất tiền, vừa khiến con có tâm lý sợ học.