Thanh tra Metro, Big C mất cả năm, Bộ Tài chính muốn sửa Luật

Quy định thanh tra thuế không quá 45 ngày, theo Bộ Tài chính, không phù hợp với các đơn vị vốn đầu tư nước ngoài lớn như Metro, Big C...

Đề xuất kéo dài thời gian thanh tra thuế với một số doanh nghiệp vừa được Bộ Tài chính đưa vào trong tờ trình sửa đổi tại dự thảo Luật Quản lý thuế. Theo quy định hiện nay, thời hạn thanh tra thuế do Tổng cục Thuế tiến hành không quá 45 ngày làm việc, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày.

Bộ Tài chính cho rằng thanh tra những đơn vị có liên kết nước ngoài tốn rất nhiều thời gian.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, đối với các cuộc thanh tra chuyên đề, thanh tra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đa quốc gia, quy định hiện tại không phù hợp do việc thu thập thông tin về công ty mẹ, công ty liên kết ở nước ngoài, thông tin về các giao dịch diễn ra ở bên ngoài Việt Nam mất rất nhiều thời gian.

Dẫn báo cáo tổng kết của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đại diện Bộ Tài chính cho hay, thời gian trung bình để thực hiện một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng tại các nước trên thế giới là 573 ngày làm việc.

“Qua thanh tra thực tế đối với một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Metro, Big C..., thời gian để hoàn thành một cuộc thanh tra thường trên 1 năm do phải tạm dừng thanh tra để chờ doanh nghiệp cung cấp bổ sung thông tin, hồ sơ, tài liệu”, Bộ Tài chính lý giải.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất phương án sửa đổi theo hướng kéo dài thời gian. Cụ thể, nếu thanh tra doanh nghiệp có giao dịch liên kết xuyên biên giới, thời hạn thanh tra không quá 360 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế. Ngoài ra, thời gian thanh tra không bao gồm thời gian cung cấp tài liệu, trao đổi thông tin và thời gian tạm dừng, hoãn.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính muốn ngành thuế cũng được giao chức năng điều tra phục vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phụ trách, giống như ngành hải quan.

Dự thảo giải thích, về bản chất, điều tra thuế là việc cơ quan thuế thực hiện quyền tố tụng về thuế trong trường hợp người nộp thuế cố tình trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước (trốn thuế, gian lận thuế) với mục đích trục lợi. Thẩm quyền điều tra có thể hiểu là cơ quan thuế được khám xét không báo trước cho người nộp thuế và được hỏi xét, lấy lời khai của ngừơi nộp thuế và đối tượng liên quan. Trong khi đó, người nộp thuế được sử dụng luật sư hoặc người đại diện trong quá trình điều tra.

Đại diện ngành tài chính nhấn mạnh, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã giao chức năng điều tra thuế cho cơ quan quản lý thuế như điều tra tố tụng hình sự. Cán bộ điều tra thuế có quyền chất vấn, kiểm tra, thu giữ hay khám xét, tịch biên các sổ sách giấy tờ có liên quan để bảo vệ những chứng cứ ban đầu.

Dự thảo dẫn đánh giá của chuyên gia cơ quan thuế Nhật Bản cho rằng, các mối quan hệ chứng cứ trong tội phạm thuế rất khác với tội phạm thông thường. “Trên thế giới, có trên 80 quốc gia, trong đó có nhiều nước ASEAN đã thành lập bộ phận điều tra thuế,” Bộ Tài chính dẫn báo cáo thống kê cho hay.

“Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự,” Bộ Tài chính đề xuất.

Apple trốn thuế hàng tỉ USD như thế nào?

Hồ sơ Paradise vừa tiết lộ các chiêu bài ngầm của Apple để công ty chỉ phải trả 3,7% tiền thuế doanh nghiệp vào năm ...

Chuyên gia Võ Trí Thành: Việt Nam giúp giữ cái \'chất\' APEC

Chuyên gia kinh tế hàng đầu cho rằng cái "chất" của APEC là tự do hóa thương mại đầu tư và ở một mức độ ...

Thất thu 170 tỷ USD/năm từ việc khối FDI chuyển giá?

Theo ước tính của các chuyên gia, mỗi năm Việt Nam và một số nước đang phát triển bị thất thu khoảng 170 tỷ USD ...

(https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/thanh-tra-metro-big-c-mat-ca-nam-bo-tai-chinh-muon-sua-luat-3667849.html)

/ Theo Thanh Thanh Lan/VnExpress.net