“Thành công lớn nhất là sống đúng với lý tưởng của mình”

Ở tuổi 30, Thi Anh Đào, Giám đốc điều hành Isobar tại Việt Nam, được biết đến như nữ doanh nhân thành đạt, truyền cảm hứng về tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ. 

Nữ doanh nhân Thi Anh Đào. Ảnh: T.L

Chị trở thành người Việt Nam đầu tiên được tạp chí Campaign Asia - Pacific vinh danh là một trong “40 gương mặt nữ tiêu biểu trong ngành truyền thông quảng cáo Châu Á Thái Bình Dương (Women to Watch); được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 30 đại diện đầu tiên trong danh sách Forbes 30 U30 năm 2015.

Nhưng hơn hết, Thi Anh Đào quan tâm tới cộng đồng giới trẻ, những người vẫn băn khoăn việc mình có đi sai đường và “ngồi nhầm chỗ”, loay hoay mãi chưa tìm thấy lối ra của cuộc đời. Bằng kinh nghiệm của chính mình, cô đã viết nên cuốn sách “Nhìn. Hỏi. Rồi, nhảy đi” như tìm lời giải đáp tốt nhất cho họ, buộc người trẻ phải nhận diện lại chính mình để tự trả lời câu hỏi họ là ai, muốn trở thành người thế nào, và làm sao sống hết mình với đam mê.

Cuốn sách chị viết đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có cái nhìn vào bên trong mình cho mỗi người trẻ, để khám phá nhân diện cho chính mình. Phải chăng đó là vì chị nhận ra giới trẻ hiện nay khá bấp bênh, chênh vênh vì không biết mình sẽ đi về đâu trên con đường khởi nghiệp?

- Tôi có duyên làm việc với nhiều người trẻ và cũng thường hỗ trợ các chương trình khởi nghiệp của sinh viên, cũng như làm người tư vấn cho họ. Khi làm việc với các bạn trẻ, tôi nhận ra nhiều bạn đang hoang mang không biết mình đi đúng đường hay chưa. Bên cạnh đó, bạn bè tôi không ít người dù đã ở độ tuổi trưởng thành vẫn loay hoay chưa định hướng với cuộc đời mình.

Thêm nữa, tôi cũng có nhiều sự quan tâm với các vấn đề giáo dục. Qua quan sát, tôi nhận thấy các bạn trẻ ở nước ngoài được định hướng nghề nghiệp từ rất sớm. Từ cấp 1, trẻ con đã biết mình có khả năng ở mặt nào, thích làm gì. Còn ở ta, là học sinh thì cứ phải học thôi, mà không biết vì sao mình học và cũng không rõ mình mong muốn điều gì.

Khi mọi người hỏi điều gì giúp tôi đạt được nhiều thứ như vậy, tôi chia sẻ rằng mình có hai điều: Một là may mắn, có nhiều người giúp đỡ; và hai là tôi thường được định hướng lập kế hoạch sớm hơn những người khác từ nhỏ. Lớp 6 đã nghĩ đến việc cấp 3 vào trường nào, đến lớp 10 thì đã nghĩ về việc thích theo học ngành nào, lên đại học thì quan sát xem mình có phù hợp không và có kế hoạch chuyển đổi sang ngành khác cho phù hợp hơn ra sao...…

Từ đó, tôi muốn chia sẻ những gì mình có cho những bạn trẻ, để họ bớt “ngồi nhầm chỗ” do áp lực của gia đình, xã hội và tìm ra điều họ có thể gắn bó và thành công với nó.

Chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ mới khởi nghiệp?

- Đôi khi tôi gặp các bạn khởi nghiệp với lý do tréo ngoe như “em không hợp làm văn phòng 8 tiếng một ngày”. Thật ra khi bắt đầu không phải ai cũng sẵn sàng cho khởi nghiệp, về cả năng lực lẫn nguồn lực. Đối với câu chuyện khởi nghiệp, bạn nên xem lại nguồn lực xung quanh mình, bao gồm chính bạn, những người xung quanh, thế mạnh trong mối quan hệ, nền tảng kiến thức, hiểu biết... để rồi mới đi đến quyết định sẽ làm gì.

Suy nghĩ của chị khác “mẫu số chung” thông thường. Do đâu mà chị có được góc nhìn như vậy?

- Ai cũng có những trải nghiệm của mình. Tôi từng trải nghiệm những điều không may để có thể lớn lên, trưởng thành hơn. Một trong những trải nghiệm lớn nhất là từ sự ra đi của ba tôi. Từ khi ba mất và nghe được nhiều điều ở những khía cạnh khác trong cuộc đời của ba, tôi mới thật sự suy nghĩ về điều mà mình mong muốn đạt được cuối cùng trong cuộc đời này. Tôi nghĩ tôi muốn được làm điều mình thích, nuôi sống chính mình, tạo được những giá trị, và giúp đỡ những người khác.

Nhiều người nhìn nhận tôi như một người thành công từ sớm, những điều đó khiến tôi ghi nhận và biết ơn. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, thành công lớn nhất của mình cho đến bây giờ, những việc hay những giá trị tôi mong muốn và theo đuổi đều đã hoặc đang được hiện thực hoá. Như tôi có nhắc đến trong sách, đó mới là một cuộc đời đáng sống.

Khi trở thành người phụ nữ thành công, chị còn có cảm nhận gì về cái được và cái mất trong sự thành đạt?

Cái mất là tôi ít có thời gian dành cho con gái và gia đình. Thế nên cứ ngày nghỉ là gia đình tôi gắng xếp mọi công việc sang một bên để dành trọn vẹn thời gian cho con, mà điều đó, trước đây tôi còn không dành ngày cuối tuần cho chính mình. Vì thời gian bên con rất ít ỏi, nên tôi luôn gắng những giờ phút bên con là toàn tâm toàn ý nhất.

Điều hành một công ty tiếp thị số - lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam thời đó, chị đã phải gặp những khó khăn gì?

- Có lẽ khó khăn lớn nhất là khi chúng ta luôn phải làm và cần làm cả những điều mà chúng ta không biết phải làm thế nào. Từ việc chuyển từ dịch vụ quan hệ công chúng sang dịch vụ tiếp thị số, vào lúc mà cả mình lẫn khách hàng cũng đang ở bước vừa làm vừa học; cho đến việc khi thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt hơn đến từ cả các công ty nhỏ lẫn các tập đoàn lớn.

Nhìn chung, công ty tôi thường có cơ hội thực hiện những dự án mới lạ mà chưa ai làm. Chúng tôi có cơ hội học hỏi, có thêm kinh nghiệm, dù gặp không ít khó khăn, với mục đích tạo nên sự khác biệt. Trong 3 năm đầu, cả thị trường chỉ có 3 đến 5 công ty được biết đến. Nhưng sau 5 năm, bắt đầu có sự cạnh tranh khốc liệt hơn, với nhiều đối thủ lớn trong nước và quốc tế.

Chính vì thế, chúng tôi càng phải tạo sự khác biệt về chất lượng dịch vụ và năng lực sáng tạo trên nền tảng thương mại để phát triển - yếu tố giúp chúng tôi có chung tầm nhìn với các khách hàng. Từ đó, chúng tôi có mối quan tâm đến từ nhiều khách hàng lớn, và thành công thuyết phục họ tin tưởng hợp tác với mình.

Việc sáp nhập với một tập đoàn tiếp thị số toàn cầu được và mất gì?

- Việc sáp nhập vào mạng lưới Dentsu Aegis Network với thương hiệu Isobar đến nay vẫn là một trong số những quyết định đúng đắn của tôi.

Vì đối với ngành truyền thông và quảng cáo của Việt Nam, người chuyên nghiệp và có kinh nghiệm, cũng như bề dày lịch sử và tri thức của ngành vốn không bằng được các thị trường đã phát triển cao; để có thể phát triển nhanh chóng và mở ra nhiều cơ hội khác, tôi nhận thấy chỉ dựa vào năng lực của một người hay một tập thể Emerald là không thể, chúng tôi cần nền tảng, cần mạng lưới, và cần một chiến lược toàn cầu trợ giúp.

Dù có thể khi trở thành một phần của tập đoàn sẽ có một số thay đổi về cách làm việc, áp lực để thúc đẩy sự phát triển đi theo chiến lược chung, nhưng đó là điều kiện để một công ty Việt có điều kiện lớn nhanh hơn, vươn ra bên ngoài.

Ngoài việc tư vấn cho giới trẻ khởi nghiệp, chị còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện, như một cách tiếp tục ước nguyện của cha…

- Tôi chỉ đơn giản là tiếp tục thay ba hỗ trợ các em ở trường tiểu học Thi Văn Tám - ngôi trường mang tên ba. Vì hồi còn sống, ba tôi thường kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp trường và các em học sinh, và sau khi ba mất, mọi người mong muốn lấy tên ba đặt cho trường. Hằng năm gia đình đều trích quỹ tiết kiệm để tặng học bổng, mua quà, sách vở dành cho tặng cho những học sinh khó khăn của trường để các em có thể tiếp tục con đường học vấn.

- Xin cảm ơn chị.

(https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/thanh-cong-lon-nhat-la-song-dung-voi-ly-tuong-cua-minh-568472.ldo)

Những doanh nhân tên tuổi ở Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vừa được thành lập có sự góp mặt của nhiều doanh nhân nổi tiếng, trong đó ...

Đặng Thu Thảo viết cho chồng trước ngày cưới: \'Em muốn làm cô dâu\'

Trước ngày trở thành vợ doanh nhân Trung Tín, Hoa hậu Đặng Thu Thảo đã chia sẻ niềm hạnh phúc xen lẫn tâm trạng hồi ...

TGĐ CDC Home Design Center: “Chinh phục giấc mơ cùng cái đầu lạnh và trái tim nóng”

Luôn kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật cho phép, lấy sự minh bạch, rõ ràng làm tôn chỉ hành động, doanh nhân trẻ Phạm ...

Võ Trường Thành mất nghiệp, ngày tàn lụi một \'ông lớn\'

Các đại gia trong và ngoài nước đổ tiền ồ ạt vào các thương hiệu Việt hàng đầu. Tuy nhiên, có những doanh nhân liên ...

​​​​​​​

/ Theo Minh Thi/Báo Lao động