Lục quân Mỹ muốn có một loại xe tăng hạng nhẹ trang bị hỏa lực mạnh có thể triển khai bằng máy bay để hỗ trợ bộ binh.
Một thiết kế đề xuất cho dự án MPF. Ảnh: Lục quân Mỹ. |
Lo ngại trước sự phát triển và hiện đại hóa nhanh chóng của quân đội Nga và Trung Quốc, lục quân Mỹ đang thúc đẩy việc phát triển mẫu xe tăng hoàn toàn mới đầu tiên trong 40 năm qua. Loại xe mới này cần có khối lượng nhẹ và vũ khí hạng nặng, bảo đảm khả năng triển khai từ máy bay vận tải cùng các đơn vị lính dù, theo Daily Beast.
Mẫu xe tăng hạng nhẹ mới mang tên "Xe thiết giáp hỏa lực cơ động" (MPF) mới sẽ đòi hỏi nhà sản xuất phải đáp ứng hài hòa các yêu cầu của lục quân Mỹ. Nếu lớp giáp quá dày hoặc vũ khí quá nặng, khối lượng xe sẽ vượt quá khả năng vận chuyển bằng máy bay. Ngược lại, nếu giáp quá mỏng hoặc hỏa lực quá yếu, nó không thể sống sót trên chiến trường trước các vũ khí chống tăng hiện đại.
Quân đội Trung Quốc đang bắt đầu triển khai xe tăng hạng nhẹ công nghệ cao, trong khi Nga đã biên chế các biến thể thiết giáp BMD cho lực lượng đổ bộ đường không từ hàng chục năm qua. Lục quân Mỹ từng nhiều lần thử mua xe chiến đấu bọc thép mới, nhưng hầu hết đều không đạt yêu cầu kỹ thuật hoặc vượt quá ngân sách và bị hủy bỏ.
Mỹ đã loại biên toàn bộ số xe tăng hạng nhẹ cũ kỹ vào thập niên 1990 mà không đưa ra giải pháp thay thế. Ngày nay, lính dù và trinh sát Mỹ phải dựa vào tên lửa chống tăng vác vai để đối phó với xe bọc thép đối phương.
Tuy nhiên, khi xe tăng, xe thiết giáp ngày càng được bảo vệ tốt hơn, bộ binh Mỹ sẽ càng gặp nhiều khó khăn trong tác chiến khi không có xe tăng hạng nhẹ yểm trợ. MPF được cho là câu trả lời, với khả năng triển khai từ vận tải cơ trên đường băng dã chiến, giúp cung cấp hỏa lực chi viện cho lính dù đổ bộ.
Trong khi đó, bộ binh trinh sát có thể sử dụng xe tăng hạng nhẹ để xuyên thủng lớp phòng thủ từ xa của đối thủ. "Việc bổ sung MPF cho lữ đoàn bộ binh sẽ tăng cường khả năng thu thập thông tin của họ", thiếu tá lục quân Scott Pence cho biết.
"Loại xe tăng hạng nhẹ mới này không đủ khả năng đối đầu với các xe tăng chiến đấu chủ lực của đối thủ, nhưng sẽ được triển khai cùng bộ binh để loại bỏ lô cốt trong các chiến dịch tiến công", ông David Dopp, giám đốc dự án MPF, nhận định.
Thiếu tướng David Bassett, phó giám đốc Dự án Vũ khí Lục quân Mỹ (GCS), cho biết dự án MPF sẽ tận dụng các linh kiện và dây chuyền sản xuất hiện có, thay vì phát triển hoàn toàn mới. MPF có thể trang bị pháo nòng trơn cỡ 120 mm giống xe tăng M1 Abrams hoặc pháo 105 mm như xe bánh lốp Stryker, cho phép rút ngắn thời gian phát triển tới ba năm.
Theo dự kiến, dự án MPF sẽ bắt đầu đi vào sản xuất hàng loạt trong năm 2021. Tuy nhiên, Washington cần tránh đi vào vết xe đổ như trước đó, khi hai dự án phát triển xe chiến đấu lục quân đều bị hủy vì đội giá quá mức, chuyên gia quân sự David Axe cảnh báo.
Mỹ phát triển thiết giáp có thể \'đánh hơi\' mối đe dọa
Hệ thống cảm biến hiện đại trên tăng, thiết giáp tương lai của Mỹ có thể giúp kíp lái đánh giá chiến trường nhưng vẫn ... |
IS lợi dụng bão cát chiếm xe tăng chủ lực T-90A của Syria
Phiến quân IS lợi dụng bão cát tấn công và thu được một xe tăng chủ lực T-90A bị quân đội chính phủ Syria bỏ ... |
Hàng nghìn xe tăng Triều Tiên làm được gì nếu có chiến tranh?
Tình hình Triều Tiên: Washington đang gia tăng sức ép lên Triều Tiên, không loại trừ khả năng dùng đến vũ lực. Trong trường hợp ... |
Đầu đạn EFP - nỗi kinh hoàng của thiết giáp Mỹ ở Trung Đông
Đầu xuyên nổ tự định hình được các nhóm phiến quân dùng rộng rãi để diệt xe thiết giáp hạng nhẹ của Mỹ và đồng ... |
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/quan-su/tham-vong-so-huu-xe-tang-nhet-vua-van-tai-co-cua-luc-quan-my-3665220.html