Thách thức an ninh chờ Shangri-La 2018

Mỹ đang nghiên cứu chuyển giao cho Việt Nam máy bay huấn luyện và một số trang bị khác

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, còn được biết đến là Đối thoại Shangri-La (SLD), lần thứ 17, khai mạc tại Singapore hôm 1-6, thu hút sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng, quan chức và chuyên gia an ninh đến từ 40 nước.

"Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Triều Tiên trở thành chủ đề quan trọng nhất tại Đối thoại Shangri-La. Nhưng nó sẽ không làm lu mờ những cuộc khủng hoảng rất quan trọng khác tại khu vực" - ông Tim Huxley, Giám đốc điều hành châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS, trụ sở ở Anh) - đơn vị tổ chức SLD, nói về những chủ đề nóng tại sự kiện kéo dài đến ngày 3-6 này. Nổi bật trong số đó là sự leo thang khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông và Mỹ đóng vai trò gì tại châu Á.

thach thuc an ninh cho shangri la 2018

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 1-6. Ảnh: REUTERS

Là thủ tướng Ấn Độ đầu tiên phát biểu khai mạc SLD, ông Narendra Modi đã chuyển tải quan điểm về hòa bình, an ninh và vai trò của New Delhi tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cũng trong ngày đầu của SLD 2018, một loạt cuộc gặp song phương và đa phương đã diễn ra, nổi bật là cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và người đồng cấp Mỹ James Mattis. Tại cuộc gặp, theo TTXVN, hai bộ trưởng cho rằng kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực và trên thế giới. Ông Mattis cho biết Mỹ đang nghiên cứu chuyển giao cho Việt Nam máy bay huấn luyện và một số trang bị khác phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên. "Mối quan hệ quốc phòng của chúng ta được dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung" - ông Mattis khẳng định. Theo tờ The San Diego Union-Tribune, ông chủ Lầu Năm Góc có ý nói đến tình hình biển Đông và nỗ lực của Mỹ nhằm giúp Việt Nam cải thiện an ninh hàng hải.

Tại cuộc gặp với các bộ trưởng quốc phòng ASEAN diễn ra cùng ngày, ông Mattis đã thảo luận về sự hợp tác quân sự giữa hai bên, cũng như mối đe dọa khủng bố đến từ những tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ Iraq và Syria trở về khu vực. Theo hãng tin EFE, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Washington đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương giữa lúc Trung Quốc không ngừng lấn tới tại các vùng biển, nhất là hành động tăng cường quân sự hóa biển Đông.

Trong động thái leo thang đối đầu Trung Quốc, một quan chức hàng đầu Lầu Năm Góc hôm 31-5 khẳng định Mỹ có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh chiếm những hòn đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương khi được hỏi liệu Washington có khả năng "cho nổ tung" những đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh ở biển Đông hay không. Tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng nhắc lại những gì ông Mattis nói vài ngày trước, theo đó Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải tại khu vực.

Phát biểu của ông McKenzie là sự tiếp nối của một loạt tuyên bố, hành động cứng rắn của Mỹ liên quan đến Trung Quốc thời gian qua. Hôm 30-5, Đô đốc Harry Harris, người vừa rời khỏi vị trí chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng Trung Quốc là "thách thức lớn nhất" của Mỹ tại khu vực trong dài hạn. Chưa hết, Washington đã rút lại lời mời Bắc Kinh tham dự cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 dự kiến diễn ra trong tháng này "trong phản ứng đầu tiên" đối với những hành động gần đây của Trung Quốc ở biển Đông.

Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ trước lập trường ngày càng cứng rắn của Mỹ. Tại cuộc họp báo hôm 31-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Washington "thổi phồng" vấn đề biển Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh xác nhận đã triển khai tàu chiến cảnh báo 2 tàu hải quân Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) hôm 27-5.

Hoạt động của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch

Trong ngày 2-6, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch có bài phát biểu tại phiên toàn thể thứ 3 của Đối thoại Shangri-La lần thứ 17, với chủ đề "Định hình trật tự an ninh đang biến đổi tại châu Á".

thach thuc an ninh cho shangri la 2018

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (thứ tư từ trái sang) cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (thứ ba từ trái sang) và một số bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc ASEAN. Ảnh: FACEBOOK

Đối thoại Shangri-La lần này có 5 phiên toàn thể với nhiều chủ đề gồm: Vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương, hạ nhiệt khủng hoảng Triều Tiên, định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á, những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và hoạt động chống khủng bố, nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực...

Bên cạnh Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, cùng ngày, Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, có bài phát biểu trong phiên thảo luận đặc biệt thứ 2 về "Tăng cường an ninh hàng hải: Bộ quy tắc ứng xử và biện pháp xây dựng lòng tin".

Ngoài ra, bên lề Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng có các cuộc tiếp xúc song phương với bộ trưởng quốc phòng một số nước.

thach thuc an ninh cho shangri la 2018 Đối thoại Shangri-La 2018 chính thức khai mạc tại Singapore

Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 17 - diễn đàn an ninh quan trọng vào bậc nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương - ...

/ http://nld.com.vn