Đường về chật như nêm, giá tàu xe đắt đỏ. Cỗ Tết năm nào cũng dăm ba món ngán ngẩm, không hiểu tại sao người người, nhà nhà cứ đổ về quê?
Công ty tôi ở gần bến xe. 3 năm nay, ngồi ở công ty nhìn dòng người đổ về quê ăn Tết, tôi lại ngán ngẩm.
Đường sá xe cộ bây giờ thuận tiện, muốn về quê lúc nào thì mua vé xe về lúc đó, sao phải đổ xô 1 ngày? Ai cũng đi một ngày, gặp tắc đường lại kêu trời “người đâu lắm thế?”, “đường sá gì bé cỏn con?”, “bao giờ mới thoát cảnh tắc đường?”. Thế thì trời nào trả lời giúp.
Tắc đường không phải là chuyện hiếm gặp trong những ngày cận Tết. Ảnh: VietNamNet
Quê tôi cách Hà Nội chừng 100 km. Tuy nhiên, kể từ khi tốt nghiệp đại học ra trường, tôi gần như không về quê dịpTết.
Những ngày lễ Tết, tâm lý mọi người đều đổ về quê. Xe cộ chật như nêm. Một chiếc xe khách bình thường chở 25 người, ngày Tết, tôi cá có xe sẽ chở tới 50 - 60 người. Khách lên xe được đứng bằng 2 chân đã là may, nói gì đến ghế ngồi rộng rãi.
Đi chuyến xe ấy, nếu không say xe bạn cũng sẽ chịu đủ mệt mỏi. Chưa kể cảm giác lo lắng vì thiếu an toàn khi tham gia giao thông. Đấy là chưa tính đến chi phí đi lại.
Đi xe ngày Tết, bạn sẽ chẳng ngạc nhiên nếu có một nhà xe thu tiền cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 ngày thường. Việc này, các cơ quan chức năng đã nỗ lực chấn chỉnh nhưng đâu đó vẫn có những nhà xe tăng giá vụng trộm.
Nếu có điều kiện, bạn có thể thuê taxi, xe ô tô tự lái về quê. Như vậy, bạn sẽ không phải chen chân ở những chuyến xe nhồi người. Thế nhưng, hãy tính đến giá thuê và những con đường nhích từng cm.
Chưa kể, về quê ngày Tết thì có gì vui? Tôi nghĩ, chẳng có gì vui.
Ngày xưa đói kém, người ta mong Tết để được ăn - mặc tươm tất, được gặp gỡ người thân quen. Ngày nay, ăn uống đôi khi là cực hình. Hoặc khiến người ta ngán ngẩm vì ngày nào cũng phải ăn mấy món quen thuộc.
Họ hàng làng xóm thì đã có công nghệ, ngày nào cũng gặp nhau trên mạng xã hội, có thông tin gì không biết về nhau đâu.
Theo tôi, ngày Tết, thay vì mua bực vào người khi phải trải qua những chuyện như trên, tôi ở lại thành phố kiếm bộn tiền.
Các cơ quan công sở thường trả lương cao hơn bình thường nếu người lao động chịu ở lại làm Tết. Thậm chí có nơi, người lao động được hưởng tới 300% lương thường ngày. Như vậy, bạn chỉ làm 1 ngày mà bằng trong năm làm 3 ngày.
Chưa kể, ngày Tết, tất cả mọi người đều về quê nên thị trường lao động bị thiếu trầm trọng. Bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để kiếm tiền.
Sau khi kiếm bộn tiền dịp Tết, bạn có thể nghỉ phép về quê với bố mẹ, đưa bố mẹ đi du lịch. Như vậy, có phải là lợi trăm đường, sao cứ phải tự hành xác mình?
Ý nghĩa tâm linh của tục lệ cúng gà trống ngày Tết
Thịt gà, ngoài giá trị dinh dưỡng còn là món ăn có giá trị văn hóa tâm linh rất lớn. |
Tục tống cựu nghinh tân, hân hoan đón Tết của người Việt
Tống cựu nghinh (nghênh) tân vốn nghĩa là đưa cái cũ đi, đón cái mới đến, tống tiễn những khó khăn vất vả năm cũ ... |
Nỗi ám ảnh mỗi dịp Tết về
Vợ chồng lục đục về nội hay ngoại, các bà nội trợ giam mình trong gian bếp, thanh niên thì luôn phải trả lời bao ... |