Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và là đơn vị kinh tế chủ lực của quốc gia. Trong lịch sử gần 60 năm xây dựng và phát triển, PVN đã vượt qua rất nhiều khó khăn, trở thành tập đoàn dầu khí lớn trong khu vực.
Đến nay, PVN đã làm chủ được tất cả công nghệ về tìm kiếm thăm dò, khai thác, chế biến sâu. Trong nhiều năm qua, PVN đóng góp 11-19% GDP, thậm chí có giai đoạn đóng góp tới 25% GDP. Gần đây, do quy mô của nền kinh tế Việt Nam lớn mạnh, sản lượng dầu khai thác giảm và giá dầu xuống thấp, nên đóng góp của PVN cho GDP quốc gia đã giảm, nhưng vẫn là DNNN đóng góp lớn nhất.
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị “Về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” đã khẳng định những thành tựu to lớn của PVN trong xây dựng và phát triển kinh tế và đặc biệt là đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng (ANNL), an ninh lương thực (ANLT) quốc gia; bảo toàn được vốn của chủ sở hữu là Nhà nước. Đặc biệt, Nghị quyết số 41-NQ/TW đánh giá PVN đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Đối với PVN, việc sản xuất, kinh doanh gắn rất chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng và an ninh (QPAN) quốc gia.
Ở trên Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vùng biển quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, những giàn khoan của PVN đã trở thành những “vọng gác tiền tiêu” khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển; những con tàu vận tải mang cờ Tổ quốc chạy trên biển cũng góp phần quan trọng vào việc thể hiện vị thế quốc gia trên biển, đồng thời cũng là một điểm tựa tinh thần cho ngư dân.
Giàn khai thác tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: HÙNG SƠN
Được sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Quốc phòng, đặc biệt là lực lượng hải quân, cảnh sát biển, những năm qua, PVN luôn giữ vững an ninh trên các giàn khoan và các công trình biển quan trọng khác. Cán bộ, công nhân viên của PVN làm việc tại các giàn khoan thực sự trở thành “những chiến sĩ trên biển”. Họ trang bị cho mình một thứ vũ khí, đó là lòng yêu nước, trách nhiệm với Tổ quốc và trách nhiệm với ngành dầu khí.
Các giàn khoan của PVN còn là địa chỉ tin cậy, là nơi nương tựa cho ngư dân Việt Nam. Không thể thống kê hết có bao nhiêu lần cán bộ, công nhân viên ở các giàn khoan cứu giúp ngư dân bị nạn. Chỉ tính trong 9 tháng của năm 2018, các đơn vị của PVN ở trên biển đã cứu giúp gần 100 lượt ngư dân bị bệnh phải cấp cứu, bị hỏng tàu, hỏng thuyền hoặc bị bão gió dạt vào giàn khoan. Có những trường hợp để cấp cứu người bệnh, đơn vị đã phải thuê cả chuyến máy bay trực thăng đưa người bệnh vào bờ.
Một đặc điểm nữa của PVN là có rất nhiều công trình dầu khí quan trọng, đòi hỏi sự bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Đó là những công trình đường ống dẫn khí, nhà máy lọc dầu, các nhà máy chế biến, xử lý khí và các nhà máy điện khí...
Trong nhiều năm qua, tại các công trình trọng điểm quốc gia, như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án Biển Đông 01 ở cụm mỏ Hải Thạch-Mộc Tinh; cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau, hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, Trung tâm xử lý Khí Cà Mau... đã không xảy ra một vụ phá hoại, hoặc mất an toàn do cháy nổ nào. Trên một số giàn khai thác ở những nơi có cấu tạo địa chất đặc biệt nguy hiểm và phức tạp như ở cụm mỏ Hải Thạch-Mộc Tinh, công tác bảo vệ an toàn, chống cháy nổ được đặt lên hàng đầu và coi đó là nhiệm vụ sống còn của doanh nghiệp. Tại các công trình trọng điểm trên đất liền, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quân đội làm tốt công tác bảo vệ từ xa, làm trong sạch địa bàn, đồng thời giúp nhân dân ở những vùng phụ cận xóa đói giảm nghèo và coi sự phát triển kinh tế ở địa phương là nền tảng vững chắc cho việc củng cố thế trận quốc phòng toàn dân.
Hiện nay, tình hình cũng đã có nhiều thay đổi so với trước. Khái niệm về bảo vệ QPAN đang có những thay đổi lớn, đó là giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Hoạt động của PVN, đặc biệt là trên biển, gắn liền với khái niệm an ninh truyền thống, đó là phải đối phó với những âm mưu phá hoại, gây rối từ các thế lực bên ngoài. Để giữ gìn QPAN trên biển thì PVN cần phải phối hợp rất chặt chẽ với lực lượng hải quân, cảnh sát biển; đồng thời xây dựng cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin để có thể ngăn chặn, phát hiện từ xa các hoạt động có tính chất phá hoại.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN cũng gắn liền với các khái niệm an ninh phi truyền thống khác như ANNL, ANLT. Ví dụ, hai nhà máy sản xuất phân đạm của PVN là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau hằng năm đã sản xuất gần hai triệu tấn phân đạm, góp phần vào việc bảo đảm ANLT quốc gia, cung cấp phân bón cho nông dân với giá thành rẻ hơn nhập khẩu và hoàn toàn chủ động được nguồn phân đạm. Hoặc như sản lượng dầu, khí mà PVN khai thác được đã bảo đảm ANNL quốc gia.
Để làm tốt hơn nữa việc gắn liền sản xuất kinh doanh với bảo đảm QPAN, lãnh đạo PVN nhận thấy cần phải làm tốt những nhiệm vụ có tính chiến lược sau đây:
Thứ nhất: Phải làm cho mỗi người lao động của PVN hiểu sâu sắc về vai trò của tập đoàn trong việc bảo đảm ANNL, ANLT và giữ gìn chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông. Bên cạnh việc chăm lo bảo đảm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động thì phải nâng cao giáo dục chính trị tư tưởng để mỗi người lao động trên các giàn khoan, trên các công trình trọng điểm ý thức được trách nhiệm của mình.
Thứ hai: Với các công trình trên biển, cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng mà chủ lực là lực lượng hải quân, cảnh sát biển để có những phương án ngăn chặn những hành động gây rối, phá hoại từ xa. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời cụ thể hóa những yêu cầu đối với ngành dầu khí của nghị quyết trên.
Thứ ba: Với các công trình trên đất liền mà có khả năng dễ gây ra các nguy cơ mất an toàn thì phải tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng để đảm bảo độ an toàn của các thiết bị; tổ chức tập huấn và tập luyện thường xuyên công tác phòng cháy, chữa cháy và phối hợp với lực lượng công an, quân đội để nắm bắt tốt tình hình trật tự trị an ở khu vực, đặc biệt là tăng cường công tác bảo vệ nội bộ, kiên quyết không để những người có lý lịch, phẩm chất không tin cậy vào các vị trí quan trọng.
Đối với PVN, gắn sản xuất kinh doanh với bảo đảm quốc phòng và giữ gìn an ninh được coi là yếu tố sống còn; khi tham gia với ý thức trách nhiệm cao nhất bảo đảm QPAN chủ quyền biển đảo thì PVN mới có thể hoàn thành được các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trong nhiều năm qua, PVN đã hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ này. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới thì tình hình nhiệm vụ QPAN cũng đã có những thay đổi… Chính vì thế, đòi hỏi mỗi cán bộ công nhân viên của PVN vẫn phải là những người lính trên lĩnh vực bảo đảm ANNL quốc gia.
Như Phong
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp đoàn đại biểu khu tự trị Nhenhexky và TGĐ Công ty Zarubezhneft
Chiều ngày 19/11/2018, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Vũ Trường Sơn đã có buổi ... |
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hoà Angola
Sáng 14/11/2018 tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Phó Tổng giám đốc Đỗ Chí Thanh đã có buổi tiếp và làm ... |
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với "sứ mệnh" đặt nền móng cho kinh tế vùng
Gánh trên vai “sứ mệnh” của một doanh nghiệp Nhà nước trụ cột là phải làm hạt nhân phát triển kinh tế các vùng, địa ... |
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp và làm việc với Phó Chủ tịch Đảng Quốc đại Xu-đăng (NCP) - Trợ lý Tổng thống Cộng hoà Xu-đăng
Sáng 8/11/2018 tại Hà Nội, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đinh Văn Sơn đã tiếp và làm việc với Đoàn đại ... |