Sau 2 tháng đưa ra lấy ý kiến về việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu, dù bị dư luận phản ứng dữ dội nhưng Bộ Tài chính vẫn kiên quyết đề xuất Chính phủ tăng thuế kịch khung để đảm bảo nguồn thu. Nhiều ý kiến băn khoăn với loại thuế này như: chi thế nào cho hoạt động bảo vệ môi trường, đã đánh giá đúng mặt hàng gây ô nhiễm lớn cần tăng thuế hay có phương án tăng thu nào để thay thế…?
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất từ ngày 1-7 tới, thuế bảo vệ môi trường với xăng tăng từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít. Thuế dầu diesel tăng lên 2.000 đồng/lít thay vì 1.500 đồng/lít như hiện nay. Riêng thuế đối với dầu mazut tăng mạnh nhất, từ 900 đồng/kg lên 2.000 đồng/kg.
Như vậy, ước tính mỗi năm thu từ sắc thuế môi trường này với xăng dầu sẽ đạt trên 55.000 tỉ đồng, tăng khoảng 14.368 tỉ đồng so với hiện nay.
Bộ Tài chính lý giải trong 5 năm qua (2012-2017), tổng số thu từ thuế bảo môi trường đạt khoảng 150.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước, nhất thiết phải nghiên cứu điều chỉnh thuế môi trường lên mức phù hợp. Bởi giá bán lẻ xăng dầu ở VN cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á.
Mặt khác, Bộ Tài chính lập luận theo các nghiên cứu hàng hóa như xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, túi nilông... gây tác động xấu đến môi trường. Do đó, thuế đối với các mặt hàng kể trên phải được điều chỉnh cao hơn.
Hiện nay, ngoài thuế môi trường, mỗi lít xăng dầu còn "cõng" thêm thuế nhập khẩu 20%, thuế VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%,…
Cũng theo tính toán của Tổng cục thuế (Bộ Tài chính), việc tăng thuế môi trường với xăng dầu, nhóm dân cư có thu nhập thấp sẽ phải chi thêm 22.000 đồng/tháng, còn mức cao nhất là khoảng 130.000 đồng/tháng.
Chưa kể, việc giá xăng dầu tăng sẽ tác động dây chuyền đến giá của các mặt hàng khác, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất và nền kinh tế.
Cùng mối lo lắng với thu - chi thuế môi trường, nhiều Bộ ngành cũng đã lên tiếng yêu cầu Bộ Tài chính điều chỉnh một cách hợp lý và cần nghiên cứu kỹ đánh giá tác động về mặt kinh tế.
Chưa kể, đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu trong bối cảnh hiện nay bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, nhất là đối với mặt hàng xăng E5. Bởi theo giải trình của Bộ Tài chính, một trong những lí do của việc tăng thu thuế BVMT là nhằm khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, nghịch lí là ưu đãi thuế BVMT với xăng E5 chỉ được áp dụng với phần ít ỏi là 5% ethanol; còn 95% xăng RON 92 vẫn chịu thuế BVMT ở mức cao. Câu hỏi tại sao xăng sinh học có tác dụng bảo vệ môi trường mà vẫn chịu thuế BVMT vẫn gây rất nhiều bức xúc cho người dân.
Mỹ Uyên - Hải Lê
Mua lít xăng, người dân trả thêm bao nhiêu nếu tăng thuế môi trường?
Mỗi lít xăng gánh thuế nhập khẩu 20%, thuế TTĐB 10%, VAT 10%, thuế môi trường hiện tại 3.000 đồng/lít. Nếu thuế môi trường lên ... |
Lý do tăng thuế xăng dầu rất ngụy biện và thiếu thuyết phục
Các chuyên gia cho rằng, đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu của Bộ Tài chính trong bối ... |
Các Bộ đồng loạt cảnh báo Bộ Tài chính tăng thuế môi trường xăng dầu
Khi góp ý về dự thảo Nghị quyết biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, nhiều bộ cho rằng cần phải cẩn trọng ... |