Sau khi sáp nhập Uber Đông Nam Á vào đầu tháng 4.2018, Grab trở thành ứng dụng đặt xe gần như độc chiếm thị trường khu vực. Tại Việt Nam vào thời điểm trên, Grab gần như không đối thủ khi VATO cuối cùng “èo uột vẫn hoàn èo uột”.
|
Sau khi sáp nhập Uber Đông Nam Á vào đầu tháng 4.2018, Grab trở thành ứng dụng đặt xe gần như độc chiếm thị trường khu vực. Tại Việt Nam vào thời điểm trên, Grab gần như không đối thủ khi VATO cuối cùng “èo uột vẫn hoàn èo uột”.
Một hệ lụy sau cuộc sáp nhập mà chính Grab cũng không lường trước được: Không ít tài xế GrabCar và GrabBike cậy vào thực tế gần như độc chiếm thị trường nên đã “đổ đốn”.
Phần về phía doanh nghiệp Grab, ứng dụng nhiều khi bị treo mà được lí giải do quá tải, cùng với đó vấn đề giá cước cũng bị dư luận than phiền là sau khi gần như độc chiếm thị trường thì bắt đầu tăng cước… Trong khi đó, sự “đổ đốn” của một bộ phận không nhỏ tài xế Grab còn rõ ràng hơn: Thái độ phục vụ bắt đầu có dấu hiệu thiếu chu đáo và không nhiệt tình; nhiều trường hợp khách đặt xe, tài xế nhận xong thì “biệt tăm” không đến đón, thậm chí không phản hồi và tắt máy; tài xế khi nhìn thấy khách hàng dùng mã khuyến mãi cũng không mặn mà nhận cuốc xe…
Tất nhiên, trong khoảng thời gian tháng 4, 5 và 6.2018, khi thị trường dịch vụ ứng dụng đặt xe chưa có thêm đối thủ mới thì người tiêu dùng phải đành chịu. Tuy nhiên từ tháng 7, khi GoViet bắt đầu thử nghiệm dịch vụ xe ôm GoBike và tiếp theo là chuyển hàng GoSend, cùng với đó là sự tham gia của ứng dụng FastGo cũng được triển khai ở Hà Nội và TPHCM, đã lấy đi phần nào thị phần GrabBike đang nắm giữ. Trong khi đó, tài xế GrabBike đã tăng lên đáng kể sau khi sáp nhập Uber, dẫn đến tình trạng nhiều tài xế GrabBike thu nhập bị giảm sút rõ rệt vì số cuốc xe thực hiện hàng ngày không còn nhiều như trước, bởi phải chia sẻ cho số lượng tài xế đông đảo hơn.
Đã từng có làn sóng tài xế UberMOTO chạy sang VATO. Đến khi GoViet và FastGo ra mắt thì cả tài xế GrabBike cũng chuyển sang vì GoViet và FastGo tung ra chính sách thưởng hấp dẫn hơn. Có không ít tài xế GoBike và FastBike trong khoảng gần một tháng qua có thể kiếm được từ 1-2 triệu đồng/ngày chạy xe ôm.
Hệ lụy của sự độc chiếm thị trường là sự “đổ đốn” trong đó một phần lỗi không nhỏ là đến từ ý thức tài xế Grab trong vài tháng qua khiến làm giảm sút thiện cảm đối với người tiêu dùng. Cho đến lúc có những đối thủ mới xuất hiện, tài xế Grab bắt đầu than phiền vì thu nhập giảm. Nhưng đó là sự than phìền để đòi thêm ưu đãi và đổ lỗi hơn là sự biết nhìn nhận đúng bản chất vấn đề: Nhiều tài xế Grab đã góp phần gây ra tình trạng giảm thu nhập của mình vì thái độ phục vụ bất cần khách hàng trong ít nhất khoảng 3 tháng qua.
Do sự gần như độc chiếm thị trường của Grab hay do sự “đổ đốn” của các tài xế Grab? Không “tại anh” thì “tại “ả”, hoặc do cả hai. Nhưng người tiêu dùng không hề có lỗi trong câu chuyện này. Mà ngược lại, trong nhiều trường hợp nhất định, họ còn là nạn nhân.