TS Nguyễn Đình Cung cho rằng để Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước hoạt động hiệu quả cần phải trao cho họ nhiệm vụ và thẩm quyền mạnh hơn. Nghĩa là, “siêu uỷ ban“ quản lý 5 triệu tỷ vừa phải có “củ cà rốt”, vừa có “cây gậy“ mạnh mới thực hiện được mục tiêu quản lý nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
“Siêu ủy ban” làm nhiệm vụ đủ cao mới loại bỏ tình trạng "con ông cháu cha"
Trong khuôn khổ hội thảo “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 5.9, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nói về sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Cung cho biết ông nhìn thấy tâm lý chần chừ, phân vân của anh em đang trong trạng thái chuyển đổi từ các Bộ chuyên ngành về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. "Vậy nên, nhiều dự án đang trong giai đoạn chờ chuyển đổi. Nó khiến đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước giảm sút”.
Theo ông Cung, dù về lý thuyết, sự chuyển giao nguyên trạng sẽ ít mang lại xáo trộn, nhưng tâm lý chờ đợi, không muốn thực hiện khi chưa biết chắc sẽ về đâu trong các DNNN là có.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
“Chúng tôi vẫn suy nghĩ là giao cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước những nhiệm vụ đủ cao để những người tài mới có thể hoàn thành chứ không giao những nhiệm vụ đủ thấp để bất cứ ai cũng có thể hoàn thành.
Nếu giao nhiệm vụ đủ thấp để bất cứ ai cũng có thể hoàn thành thì việc bổ nhiệm cán bộ sẽ trở nên lung tung vì bất cứ ai vài đó cũng có thể hoàn thành công việc, hưởng mức bổng lộc rất lớn. Đó cũng là cách để loại bỏ con ông cháu cha được bổ nhiệm vào vị trí quản lý doanh nghiệp Nhà nước”, TS Nguyễn Đình Cung đề xuất.
“Siêu ủy ban” vừa phải có “củ cà rốt” và cả “cây gậy” mạnh
Theo ông Nguyễn Đình Cung, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 doanh nghiệp giao "Siêu uỷ ban" làm đại diện chủ sở hữu là trên 820.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp gần 1,5 triệu tỷ đồng. Điều này tương đương Uỷ ban nắm giữ gần 50% giá trị vốn nhà nước và tài sản của khu vực DNNN.
Tuy nhiên, báo cáo của CIEM chỉ ra rằng dù dữ liệu thông tin đã trở thành nguồn lực quan trọng, hạ tầng công nghệ và hệ thống thông tin hiện đại là công cụ giúp quản lý đúng đắn, nhanh hơn nhưng ở Việt Nam, thông tin trong đầu tư, sử dụng vốn, hay về DNNN còn nhiều bất cập.
Theo đó, hiện tại vẫn chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ và cập nhật về vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và danh mục đầy đủ các doanh nghiệp có vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước trên bình diện quốc gia cũng như trong phạm vi quản lý của từng cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Đó là nguyên nhân khiến cơ quan đại diện chủ sở hữu không có đủ thông tin để giám sát, cảnh báo rủi ro và điều chỉnh chính sách kịp thời. Như vậy, hậu quả có thể bắt gặp là vốn nhà nước không đựợc tận dụng, thậm chí bị bỏ qua, gây lãng phí, đặc biệt tại doanh nghiệp đa sở hữu.
VNPT là một trong số các Tập đoàn sẽ được bàn giao về "Siêu ủy ban" (Ảnh minh họa)
Để quản lý tốt và phát triển số tài sản này, không đi vào những vết xe đổ thất thoát tiền của Nhà nước như từng diễn ra trong quá khứ, CIEM đề xuất "Siêu uỷ ban" cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và áp dụng kinh tế số để vận hành chức năng đại diện chủ sở hữu.
Ông Nguyễn Ðình Cung cho rằng, để kiểm soát tốt nguồn vốn Nhà nước tại các DNNN trực thuộc, các giải pháp công nghệ thông tin sẽ được áp dụng triệt để trong vận hành “Siêu ủy ban”.
Theo đó, “Siêu ủy ban” đang xây dựng hệ thống cổng thông tin và sẽ quản lý DN trên cơ sở các bộ chỉ số. Việc tiếp cận doanh nghiệp sẽ dựa trên 3 yếu tố gồm: Mô hình công nghệ thông tin; cơ sở dữ liệu trực tuyến và giám sát, quản lý DN thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu. Từ đó, Ủy ban sẽ có cơ sở tham mưu cho Chính phủ cách quản lý vốn hiệu quả nhất.
Dự kiến, số lượng DNNN chuyển giao về “Siêu ủy ban” có cùng bộ chỉ số chung và chia nhỏ thành 4 nhóm với từng bộ chỉ số riêng. Việc áp dụng bộ chỉ số nhằm kết nối, giám sát và theo dõi trực tiếp hoạt động của DN để nắm việc tăng giảm giá trị vốn nhà nước, tổng tài sản, tổng vốn chủ sở hữu, đóng góp ngân sách, năng suất lao động, tiền lương…
Ngoài ra, Uỷ ban còn cần xây dựng đội ngũ chuyên gia phân tích, đánh giá có chuyên môn và năng lực phù hợp để có thể đưa ra các quyết định kịp thời, hợp lý, trước hết là các phân tích cảnh báo, ngăn ngừa các nguy cơ gây thất thoát, mất vốn nhà nước, các dự án kém hiệu quả.
Theo ông Cung, thành lập “Siêu ủy ban”, xây dựng hệ thống thông tin giám sát hiện đại để quản lý vốn là bước tiến lớn, nhưng để làm được điều này phụ thuộc vào việc DN có nhập dữ liệu để đánh giá hay không.
Bên cạnh đó, để vận hành được hệ thống quản lý, giám sát thì phải có đổi mới thật sự. Nếu chỉ áp dụng quy tắc cứng nhắc như với công chức, coi cơ quan đại diện chủ sở hữu như là một cơ quan quản lý nhà nước thì có thể sẽ không đạt mục tiêu quản lý hiệu quả nguồn vốn Nhà nước.
“Thẩm quyền của ủy ban này phải mạnh hơn, vừa phải có "củ cà rốt" và cả "cây gậy" mạnh thì mới thực hiện được. Nếu không tạo những điều kiện, công cụ, quyền lực, nhân lực và động lực thì sẽ có những hạn chế và sẽ không đạt được kỳ vọng”, ông Cung nhấn mạnh.
"Siêu Uỷ ban" vốn sẽ hoạt động vào tháng 10
Tiền lương, phụ cấp của lãnh đạo Uỷ ban, các đơn vị trực thuộc được hưởng tương đương chế độ các chức danh lãnh đạo ... |
22 “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước chuyển về “siêu ủy ban” – họ là ai?
Theo nguồn tin của PV Lao Động, có 22 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là các tập đoàn, tổng công ty (TCty) có quy mô ... |
Những tập đoàn, công ty Nhà nước nào sẽ tập trung về ‘siêu ủy ban’?
Có 21 doanh nghiệp Nhà nước là các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, trong đó có cả SCIC, sẽ được chuyển về ... |
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập
Thủ tướng vừa ký Nghị quyết thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan này trực thuộc Chính phủ. |