Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam đòi hỏi lượng vốn rất lớn nên theo các chuyên gia, cần phân tích rủi ro và cách kiểm soát để tránh rủi ro.
Bộ GTVT đang nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, toàn tuyến dài hơn 1.545 km, tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 58 tỷ USD.
Trong đó hai đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM được đầu tư trước, phân kỳ trong 10 năm (2020-2030) với tổng vốn hơn 24 tỷ USD.
Một vấn đề lớn được các chuyên gia quan tâm, đó là nguồn vốn đầu tư cho đường sắt tốc độ cao rất lớn nên huy động từ đâu, như thế nào và làm thế nào để tránh rủi ro...
TS Trần Đình Thiên (thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng) cho rằng, trước đây Quốc hội bác đề xuất đường sắt cao tốc vì vốn quá lớn, tuy nhiên, với tốc độ phát triển hiện nay thì số vốn huy động theo phân kỳ đầu tư là chấp nhận được.
"Hiện tuyến Hà Nội - Vinh có lưu lượng khách lớn, ngành giao thông làm trước đoạn đường sắt tốc độ cao ở đây với thời gian lưu thông 1,5 giờ thì hoàn toàn có thể cạnh tranh được với đường bộ và hàng không. Lúc đó các ngành khác có thể tăng trưởng chậm lại nhưng tổng thể thì xã hội được lợi. Hơn nữa, chúng ta không nên ưu ái một ngành nào", báo VnExpress dẫn lời ông Trần Đình Thiên nói.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Ảnh minh họa
Ông Trần Đình Thiên cũng cho rằng, thời gian qua nhiều dự án đầu tư không hợp lý, gây lãng phí và đội vốn như các cảng biển, đường sắt đô thị... do đó, Chính phủ cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, siết chặt các dự án không hiệu quả để dành vốn cho đầu tư mới tuyến đường sắt tốc độ cao.
"Với dự án vốn lớn, chúng ta cần có các chính sách kêu gọi nhiều thành phần đầu tư từ trong và ngoài nước", ông nói.
TS Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường nhận định, đường sắt cao tốc là một "siêu dự án" trong khi Việt Nam có nhiều dự án hạ tầng lớn khác còn chưa biết huy động vốn như thế nào, "do đó cần có dự báo vận tải để đưa ra đề xuất phù hợp".
Về phương án huy động vốn, ông Long cho rằng dự án đường sắt tốc độ cao dù phân kỳ và phân từng đoạn tuyến đầu tư, nhưng ngay từ đầu cần thống nhất nguyên tắc bảo đảm tính đồng bộ cả về nguồn vốn cũng như công nghệ, mua sắm thiết bị để thực hiện, tránh tình trạng chắp vá về sau.
Ông Vũ Hoài Nam, Trưởng bộ môn đường sắt đô thị giao thông, Đại học Xây dựng nêu ý kiến, do dự án đòi hỏi lượng vốn rất lớn nên cần phân tích rủi ro và cách kiểm soát.
"Nếu không phân tích kỹ khả năng hoàn vốn, giải phóng mặt bằng, tỷ giá thì rủi ro rất lớn. Hiện chưa có báo cáo, đánh giá cụ thể việc này", ông Nam nói.
Một vấn đề quan trọng khác là lựa chọn công nghệ nào cho đường sắt tốc độ cao Bắc Nam? Hôm 11/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo phương án lựa chọn công nghệ đường sắt tốc độ cao.
Tại cuộc họp, đại diện Liên danh tư vấn (Tedi-Tricc-Tedisouth) đã tập trung báo cáo tổng quan về hệ thống đường sắt tốc độ cao; phân tích, so sánh ưu, nhược điểm của các loại hình và công nghệ đường sắt tốc độ cao trên thế giới; phân tích lựa chọn công nghệ đoàn tàu, công nghệ thông tin tín hiệu điều khiển tàu phù hợp cho đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Trên cơ sở nghiên cứu, Tư vấn đánh giá, hiện nay có 2 xu hướng công nghệ đối với đoàn tàu tốc độ cao là sử dụng động lực phân tán và động lực tập trung. Cụ thể, công nghệ tập trung chỉ có 2 toa động lực nằm ở hai đầu đoàn tàu (kéo - đầy). Công nghệ phân tán là trong một đoàn tàu có nhiều toa động lực, được đánh giá có nhiều ưu điểm hơn như do các thiết bị phân tán nên tải trọng trục của đoàn tàu nhẹ làm giảm quy mô đầu tư công trình, hệ số an toàn, sức chuyên chở lớn, tiêu thụ ít điện năng hơn...
Do những ưu việt của hệ thống động lực phân tán nên ngoài các nước tự nghiên cứu công nghệ hoặc lựa chọn để phát triển công nghệ đoàn tàu tốc độ cao như Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… thì các nước sử dụng động lực tập trung như Đức, Pháp đang có xu hướng chuyển sang công nghệ phân tán.
Trên nguyên tắc lựa chọn đảm bảo tính đồng bộ, tiếp cận các công nghệ tiên tiến, thuận lợi cho việc tiếp nhận, chuyển giao, Tư vấn kiến nghị áp dụng mô hình công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực phân tán và công nghệ thông tin tín hiệu điều khiển qua sóng vô tuyến cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tư vấn tiếp thu, làm rõ các nội dung góp ý của đại biểu dự họp, hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và báo cáo Bộ GTVT tại cuộc họp cuối kỳ vào tháng 10 tới.
Bộ trưởng cho rằng, dự án sau khi được thông qua phải 20-30 năm mới xong toàn tuyến Bắc - Nam nên nghiên cứu kỹ, đưa ra cơ sở lý luận sâu sắc để lựa chọn kỹ công nghệ, tốc độ tàu hợp lý, đảm bảo được yếu tố hiện đại, tiên tiến theo xu hướng chung của thế giới, cũng như các tiêu chí an toàn, hiệu quả, tối ưu với điều kiện địa lý, khai thác, giá cả và phải thuyết phục được toàn dân và Quốc hội.
Tương lai nào cho tàu Thống Nhất sau khi có đường sắt cao tốc? Theo kiến nghị của liên danh tư vấn, đường sắt Thống Nhất sẽ được nâng cấp để chở hàng hóa và hành khách, tiếp tục ... |
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Ai cũng muốn, nhưng tiền đâu? Đại diện Bộ GTVT bày tỏ kỳ vọng Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được Quốc hội thông qua vào ... |