Nhiều năm nay, dinh thự vua Mèo trở thành điểm tham quan có thu phí và đây luôn là điểm đến yêu thích của khách du lịch.
Điểm tham quan có thu phí
Tòa dinh thự họ Vương (còn được gọi là dinh thự vua Mèo) được Bộ Văn hóa Thông tin triển khai tu tạo với ngân sách hơn 6 tỷ đồng vào năm 2005 và biến nơi này thành điểm tham quan có thu phí.
Năm 2012, sổ đỏ tòa dinh thự được Sở TN-MT tỉnh Hà Giang cấp cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn để sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự này từ năm 2012.
Nhiều công ty du lịch đều cho biết, dinh thự họ Vương là điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch đến Hà Giang và luôn được du khách yêu thích.
Anh Trường - đại diện Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Thương Mại Điện tử Hà Nội (Hanoi Etoco) tại Hà Giang thông tin, hiện phí vào cửa dinh thự vua Mèo là 25.000 đồng/người và được niêm yết rõ.
Theo ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn (Hà Giang), di tích dinh thự họ Vương do Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Du lịch quản lý từ trước đến nay theo đề án của huyện. Việc thu phí tham quan dinh thự vua Mèo cũng do Trung tâm này thực hiện. Còn mức phí tham quan cụ thể đã được Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang thông qua.
Dinh thự họ Vương là điểm đến yêu thích của khách du lịch
"Mức phí tham quan dinh thự họ Vương là 25.000 đồng/người lớn, đối với người già và trẻ em là 10.000 đồng/người/lượt.
Việc quản lý và sử dụng tiền thu phí tuân thủ theo đúng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Theo đó, đơn vị thu phí được trích lại 40% tổng số tiền thu được, còn nộp ngân sách nhà nước 60%.
Vừa rồi, tỉnh thu về 70% tổng số tiền thu được, còn lại 30% để trả lương cho cán bộ công nhân viên, vệ sinh môi trường... ở di tích. Việc bảo tồn di tích cũng đang được thực hiện tốt", ông Ngọc nói.
Chưa thể thông tin con số chính xác nhưng Phó Chủ tịch huyện Đồng Văn cũng ước tính, năm trước, tổng số tiền nộp ngân sách từ phí tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn huyện khoảng trên 3 tỷ đồng, trong đó riêng di tích dinh thự họ Vương là hơn 1 tỷ đồng. Khách tham quan di tích rất đông, ngày càng tăng và huyện có con số thống kê cụ thể.
Trở lại với vấn đề sổ đỏ của dinh thự họ Vương, ông Nguyễn Trung Ngọc cho hay, UBND tỉnh đang chỉ đạo rà soát, kiểm tra lại quy trình cấp sổ đỏ dinh thự họ Vương, xem sơ suất ở đâu, đúng sai thế nào phải chờ kết luận.
Để đòi quyền lợi
Bàn về những tranh cãi xung quanh việc cấp sổ đỏ dinh thự họ Vương, LS Trương Xuân Tám, Uỷ viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng cần phải xác định ai là chủ sở hữu tòa dinh thự họ Vương, từ đó có căn cứ để cấp sổ đỏ.
"Trong trường hợp di tích lịch sử - văn hóa chưa thuộc quyền sở hữu của cá nhân hay tổ chức nào thì cơ quan chức năng sẽ cấp quyền sở hữu cho tổ chức đang quản lý di tích đó. Tổ chức quản lý di tích sở hữu nó nhưng không được quyền tự do mua bán.
Dinh thự họ Vương là thuộc sở hữu tư nhân, dù di tích ấy có mang tính giá trị lịch sử-văn hóa thì Sở TN-MT Hà Giang cũng không thể cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn được. Cấp như vậy là sai", ông Tám bày tỏ quan điểm.
LS Trương Xuân Tám cũng chỉ ra rằng, trường hợp những công trình cổ thuộc sở hữu cá nhân nhưng mang nhiều giá trị văn hóa - lịch sử cần được bảo tồn một cách nghiêm ngặt thì Nhà nước sẽ bỏ tiền ra mua để làm di tích lịch sử - văn hóa, như vậy mới thành sở hữu của Nhà nước. Không thể đương nhiên coi việc tự tiện công nhận di tích cho ngôi nhà gia đình đang sinh sống để đồng nhất với việc đã xác lập quyền sở hữu nhà nước, hay sở hữu tập thể đối với tài sản vốn là sở hữu tư nhân theo kiểu đã quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người được thừa kế hợp pháp.
"Bộ Luật Dân sự đã quy định rõ các căn cứ để xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với đất, công trình. Ngoài ra, luật còn quy định rõ đối với các hình thức mua, bán hoặc hiến tặng.
Không phải cứ công trình nào có giá trị lịch sử - văn hóa thì chủ nhân của nó bị hạn chế quyền sở hữu, họ có quyền thừa kế, có quyền được hưởng lợi ích vật chất từ công trình đó. Về nguyên tắc, nếu cơ quan chức năng cấp sổ đỏ cho một đối tượng khác mà không nhận được sự đồng ý của dòng họ, những người thừa kế hợp pháp của chủ sở hữu thì sẽ là trái pháp luật\'\', LS Trương Xuân Tám phân tích.
Hiện dinh thự họ Vương đang là điểm tham quan có thu phí, trong trường hợp việc cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn được kết luận là sai quy định pháp luật, LS Trương Xuân Tám cho rằng việc gia tộc họ Vương có được hoàn lại một phần số tiền thu phí hay không phụ thuộc vào chủ sở hữu.
"Gia tộc họ Vương phải có yêu cầu thì mới được, chứ không ai tự nhiên trả lại. Nếu yêu cầu không được thì khởi kiện ra tòa.
Tốt nhất là hai bên nên thương lượng, thỏa thuận với nhau làm sao cho quyền lợi của chủ sở hữu dinh thự là con cháu họ Vương phải được đảm bảo, sau khi đã trừ đi chi phí về tiếp thị, quảng cáo, duy tu...
Trường hợp không thượng lượng được thì chủ sở hữu tư nhân có quyền khởi kiện ra tòa và yêu cầu tòa buộc bên kia phải thanh toán lại một khoản tiền lợi nhuận thu được từ phí tham quan.
Bộ Văn hoá lên tiếng về tranh chấp sổ đỏ dinh thự vua Mèo ở Hà Giang
Bộ VHTTDL đã cử Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên lên Hà Giang để nắm rõ tình hình và sớm công bố kết kết quả ... |
Choáng ngợp biệt phủ 150 tỷ rộng hàng ngàn m2 của Vua Mèo
Dinh thự rộng hơn 1.000m2, tọa lạc trên thế đất hình mai rùa và được định giá lên tới 150 tỷ đồng. |
Cuộc đời Vua Mèo và dinh thự xây hết 15.000 đồng bạc hoa xòe
Tòa dinh thự vua Mèo được xây dựng trên quả đồi hình con rùa, xung quanh có núi bao bọc, được xem là mảnh đất ... |