Những ngày này, khi cả nước đang náo nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc thì ở nhiều xã bãi ngang của tỉnh Nghệ An, hàng trăm ngư dân lại kéo nhau nhổ neo chuẩn bị cho tàu vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.
Từ những chuyến biển cuối năm
Những ngày giáp Tết Mậu Tuất, không khí ở các bến cảng ở Nghệ An trở nên nhộn nhịp, háo hức hơn. Một phần vì nhiều tàu thuyền của ngư dân thuộc các xã bãi ngang tỉnh Nghệ An cập cảng đầy ắp tôm cá, phần vì họ đang tất bật chuẩn bị cho chuyến biển đặc biệt kế tiếp, đây cũng được xem là chuyến vươn khơi cuối cùng của năm cũ.
Đến Cảng cá Lạch Quèn thuộc xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu trong dịp này, không khí nhộn nhịp và háo hức biết bao. Ở đây, những tiếng động cơ ra vào liên tục của những chiếc xe tải chất đầy đá lạnh, lưới chài và thực phẩm vội vã nối đuôi nhau vận chuyển hàng đến các tàu thuyền sẵn sàng cho chuyến ra khơi ý nghĩa nhất trong năm này.
Ngư dân Nguyễn Văn Lân (42 tuổi), trú xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, chủ tàu cá NA90259TS công suất 900CV chia sẻ: “Cả năm đánh bắt, lênh đênh trên biển vui buồn đều thấm thía, nhưng cảm giác chờ đợi nhất vẫn là chuyến biến cuối năm. Thường thì những chuyến biển đặc biệt này, tàu thuyền nào cũng được thiên nhiên ưu ái đầy ắp tôm cá khi vào bến. Như tàu của tôi, năm trước vươn khơi dịp cận tết 10 ngày, đánh bắt được gần 900 triệu đồng, tôm cá, anh em trên tàu lúc ấy gồm 20 người khi về chia nhau ăn Tết trong niềm hân hoan”.
Được biết, để chuẩn bị cho chuyến biển này, gia đình anh Anh đã mua hơn 700 cây đá cùng hàng chục tấn nguyên liệu khác với chi phí lên đến cả trăm triệu đồng.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Đông - Cảng trưởng Cảng cá Lạch Quèn: “Chuyến này, ngư dân tập trung đánh lưới vây nên đã trang bị máy dò ngang, máy tầm ngư, định vị. Nếu thời tiết thuận lợi, đội tàu xa bờ, gần bờ của ngư dân Quỳnh Lưu sẽ đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị cao. Như năm ngoái dịp này, các ngư dân trúng đậm lắm, có người được chia hàng chục triệu sau chuyến biển cận Tết về”.
Tại Cảng cá Lạch Vạn thuộc huyện Diễn Châu, không khí tấp nập nhộn nhịp cũng không kém phần so với Cảng cá Lạch Quèn. Nhiều tàu thuyền cập bến đưa những thùng cá tươi của chuyến biển vừa rồi, chưa kịp nghỉ ngơi thì họ đã phải lau dọn sạch tàu, lấy thực phẩm để chuẩn bị ra khơi.
Chuyến biển cuối năm, thường thì các ngư dân huy động tổng lực để vươn khơi, vì nhu cầu của thị trường Tết và ngoài Tết tiêu thụ rất mạnh, cần nhiều hải sản để dự trữ.
… đến ăn Tết trên biển
Do nhu cầu tiêu thụ hải sản khi ra Tết, nhiều tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ phải ở lại ăn Tết trên biển để khai thác thêm. Đến tận ngày mồng 6 âm lịch trở đi nhiều tàu mới cập bến, mang đầy ắp tôm cá vào bờ. Trên những chuyến tàu đánh bắt xa bờ ấy, có cả những chàng trai trẻ đôi mươi, cũng có người không đếm được bao nhiêu lần đã từng ăn Tết trên biển.
Những lúc không kịp vào bờ để đón Tết, các thuyền viên cũng tự tổ chức với đầy đủ mâm quả, thịt gà, rượu và thuốc lá. Quan trọng nhất là việc bật radio nghe lời chúc Tết từ Chủ tịch Nước.
“Đến giờ giao thừa anh em nghỉ ngơi khoảng 1 tiếng rồi cũng mở đài nghe lời chúc Tết từ Chủ tịch nước. Đã xác định đi qua Tết rồi ra mồng 1, mồng 2, mồng 3 cũng vẫn phải làm việc bình thường. Nói cho cùng cuộc sống mình là cuộc sống trên biển, mình đã xác định đi biển là phải chấp nhận chuyện đó. Nhiều khi nhớ nhà, muốn bên vợ con trong thời khắc quan trọng ấy nhưng vì cuộc sống mình đành phải chịu” - Anh Nguyễn Ngọc Hưng (35 tuổi) chủ tàu NA 80032 TS trú xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu chia sẻ.
Thời khắc giao thừa, các thuyền viên sẽ sum vầy lại ôn lại chuyện đón Tết năm trước ở biển thế nào, kể nhau nghe chuyện vợ con gia đình, rồi uống đôi chén rượu và tưởng tượng pháo hoa đang nổ trên biển.
“Lúc ấy nhớ vợ con như muốn khóc, vì đã không biết bao năm ăn Tết trên biển, vợ con ở nhà phải tự lo mọi thứ, tội lắm. Những khi yếu mềm đó, tôi càng phải kìm nén lại và cần cố gắng nhiều hơn nữa” - thuyền viên Hoàng Văn Bông (60 tuổi) trú xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu thổ lộ.
Mặc dù vậy, ăn Tết trên biển được xem là niềm tự hào và sự phấn khởi của các thuyền viên vì trong lúc đó họ như những cột mốc sống góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa như là nhà của các ngư dân, cuộc sống và cuộc đời của họ gắn liền trên biển. Đã là nhà thì ăn Tết ở đâu cũng vậy họ luôn kiên trì bám biển. làm giàu cho gia đình và đất nước. Có biển là có cuộc sống ấm no, nhà cửa khang trang và con cái được học hành đến nơi đến chốn dù gặp nhiều khó khăn thậm chí là tính mạng họ không bỏ được biển.
“Cơn bão số 10 vừa rồi, khiến tàu của tôi khi vào Cảng Lạch Vạn đã bị sóng đánh chìm, hư hỏng toàn bộ. Nhiều lúc muốn bỏ cuộc vì không còn tiền để sửa chữa tàu, rất may nhà nước luôn có những chính sách quan tâm đến ngư dân, nên tôi quyết định vay gần 1 tỉ để sửa tàu, tiếp tục vươn khơi” - anh Trương Tam Thành chủ tàu cá ở xã Diễn Bích kể lại.
Nhiều năm nay ngư dân ở Nghệ An như các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu… đã đóng nhiều tàu có công suất lớn, trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại hơn, phù hợp đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt, sự xuất hiện của tàu được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ đã giúp người dân nâng cao năng suất, làm giàu cho gia đình và quê hương. Những con tàu này, hàng năm vẫn ăn Tết trên biển đều đặn.
Bà Phạm Thị Tâm (55 tuổi) vợ thuyền viên Hoàng Văn Bông nhớ lại: “Tôi không nhớ anh ấy ăn Tết trên biển bao nhiều lần, nhưng tôi nhớ anh ấy đã rất lâu rồi không ăn Tết ở đất liền nữa. Ngày Tết, họ có chồng chở đi chợ Tết, sửa sang nhà cửa, đi chơi họ hàng, cúng bái. Nhưng tôi, một mình lo cho 3 đứa con, họ hàng bên nội, bên ngoại nhiều lúc tủi thân lắm, nhưng nghĩ lại đã là dân biển phải như vậy, phải mạnh mẽ lên nên miết tôi cũng quen cảm giác ấy rồi. Tôi ở nhà nhớ 1 nhưng anh ấy lênh đênh trên biển thì nhớ 10, biết vậy nên vợ chồng cứ động viên nhau vượt qua khó khăn để có cuộc sống tươi sáng hơn”.
Đến nay, trong số hơn 3.900 tàu thuyền đánh cá của Nghệ An, đã có 1.347 tàu đánh bắt xa bờ có công suất máy từ 90 lên hơn 1.000 CV/chiếc, đội tàu xa bờ này có công suất máy bình quân 374,2 CV/tàu. Đối với ngư dân chuyện ăn Tết trên biển Hoàng Sa, Trường Sa không còn xa lạ.
Tết Mậu Tuất cận kề đến, trên biển sẽ có nhiều tàu công suất lớn với hàng nghìn ngư dân của tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung đón Tết trên biển, họ vẫn chăm chỉ đánh bắt đem về đất liền những con tôm con cá tươi ngon. Vừa nâng cao thu nhập cải thiện đời sống và vừa tự hào vì đã góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên từng ngọn sóng và như thế cứ đến Tết là họ kéo nhau từng đoàn ra Trường Sa, Hoàng Sa… ăn Tết.
Những chú chó ở Trường Sa
Chó theo chân người đi tuần tra, canh gác, xuống tận cầu cảng tiễn chân chiến sĩ về đất liền. |
Những hình ảnh mới nhất về Gạc Ma, tháng 1.2018
Trung Quốc lắp đặt hệ thống ra đa đối hải chống ngầm trên bãi Gạc Ma và tập trung vật liệu xây dựng, chuẩn bị ... |