Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y Quảng Ninh, ông Thiều Văn Thành cho biết, hiện tượng ngao chết ở huyện Hải Hà chủ yếu là do người dân nuôi ngao với mật độ quá dày, không theo khuyến cáo.
Hiện tượng ngao chết xuất hiện từ những năm trước đây, đặc biệt là năm 2015, 2016 và thường vào dịp khoảng tháng 5, tháng 11 hằng năm. Năm 2018, hiện tượng ngao chết bắt đầu từ khoảng 16-20 tháng 10 ở địa bàn xã Quảng Điền, sau đó lan sang các xã Phú Hải và Quảng Minh.
Ngao chết trắng tại khu bãi nuôi của hộ gia đình bà Trần Thị Hiền (thôn 5, xã Quảng Điền, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) hồi tháng 10.2018.
Hiện nay, hiện tượng ngao chết vẫn đang tiếp tục xảy ra. Thậm chí, nhiều hộ có tỷ lệ chết đến 70-80%, thiệt hại 300-500 triệu đồng. Từ cuối tháng 12.2018 đến nay, tại khu vực bãi triều xã Quảng Minh (huyện Hải Hà), ước tính khoảng 70 ha bãi triều của 35 hộ có hiện tượng ngao chết.
Ngạo chết tại bãi nuôi của gia đình ông Bùi Văn Thế (xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh).
Qua xác minh thực tế xác định, ngao chết do mật độ thả nuôi quá dày, cao gấp 4-5 lần so với khuyến cáo của địa phương (khuyến cáo nên thả 100 - 200 con/m2 với ngao Bến Tre và khuyến cáo nên thả 20 con/m2 đối với ngao dầu). Việc chăm sóc, cải tạo bãi nuôi ngao từ khi đưa vào nuôi thả đến nay (khoảng 20 năm) vẫn chưa được cải tạo, chỉ làm sạch tự nhiên.
Ngao đã đạt cỡ thương phẩm nhưng chưa thu hoạch (do phía Trung Quốc thắt chặt kiểm soát và yêu cầu giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc); nước thiếu ô xy, nguồn thức ăn của ngao giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, ngao gầy yếu, sức đề kháng kém; Vào những ngày con nước kém, nguồn nước ít lưu thông, nước ngập đáy không được phơi, các khí độc trong đáy bị tích tụ gây ngộ độc cho ngao.
Theo ông Vương Văn Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh: Qua kiểm tra thực tế, điều tra dịch tễ, báo cáo của địa phương, kết quả xét nghiệm và kết quả của các chuyên gia từ Tổng cục Thủy sản, Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I, Cục thú y nhận định nguyên nhân gây ngao chết không phải do dịch bệnh.
“Nguyên nhân là do mật độ nuôi quá dày dù chúng tôi đã khuyến cáo, tập huấn cho bà con nhiều lần, quy trình nuôi ngao cũng ở trên cổng thông tin của sở. Chúng tôi chỉ khuyến cáo bà con nuôi ngao với mật độ 150-200 con/m2, nhưng có nhiều nơi bà con nuôi với mật độ 500 - 600 con/m2. Nguyên nhân khác là do ngao thương phẩm đến thời kỳ bán nhưng chưa bán được, các bãi nuôi ngao sau nhiều năm không được cải tạo khiến ngao chết,” ông Oanh cho biết.
Nguyên nhân khiến ngao chết là do mật độ nuôi quá dày.
Trao đổi với Dân Việt, ông Thiều Văn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh cho biết: Hiện tượng ngao chết trên khoảng 70ha bãi triều của 35 hộ dân tại xã Quảng Minh (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) là tình trạng ngao chết rải rác bắt đầu từ tháng 10.2018.
“Khi chúng tôi đi khảo sát thì gần như các bãi nuôi đều có hiện tượng ngao chết rải rác. Chúng tôi cũng có mời Tổng cục Thủy sản, Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I, Cục thú y xuống làm các mẫu môi trường và mầm bệnh, và họ kết luận là do mật độ nuôi thả quá dày. Thứ hai là do bãi nuôi lưu cữu mấy chục năm nay nhưng bà con không cải tạo. Thứ ba là mùa này mật độ thức ăn thấp, nên con ngao mới chết dần dần,” ông Thành nói.
Cũng theo ông Thiều Văn Thành, để giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi ngao trong thời gian tới, người nuôi ngao cần thường xuyên vệ sinh và định kỳ cải tạo nền đáy nuôi ngao. Tổ chức thu gom ngao chết đưa ra khỏi khu vực nuôi để chôn hoặc tiêu hủy theo quy định… Quan trọng nhất là về mật độ nuôi thả ngao nên theo đúng khuyến cáo.
Tôm hùm ở Khánh Hòa chết hàng loạt, thiệt hại hơn 300 tỷ đồng
Nguyên nhân khiến hơn 6.500 lồng tôm hùm nuôi trên vịnh Cam Ranh chết suốt tuần qua được xác định do ô nhiễm môi trường. |
Nước bãi rác rò rỉ khiến nước kênh đổi màu, cá chết hàng loạt
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh xác định nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt ở kênh Truồng Mối chảy một số ... |