Trưởng thôn nói biết có người buôn đầu đạn, tên lửa hơn 10 năm nay, song không thể kiểm soát; chủ tịch huyện nói không biết.
Sau vụ nổ kho phế liệu cũ chứa toàn đầu đạn rạng sáng 3/1, người dân Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) giật mình nhìn lại quá trình lột xác của làng bởi nghề đồng nát.
10 năm buôn cả tên lửa, xe tăng, máy bay cũ
13 năm làm trưởng thôn Quan Độ, ông Nguyễn Tiến Viễn (74 tuổi) kể trước kia làng chủ yếu làm ruộng, kinh tế không phát triển. Khoảng 20 năm trở lại đây, người dân đua nhau chuyển sang thu gom phế liệu vì lãi cao.
Họ thu mua phế liệu nylon, đồ nhôm, sắt... rồi về phân loại, bán cho các cơ sở tái chế. Hàng ngày, ôtô tải vào ra nườm nượp chở hàng đến và đi. Làng Quan Độ nghèo khó dần trở nên giàu có với rất nhiều nhà cao tầng, ôtô kín làng.
Theo ông Viễn, từ hơn 10 năm trước, người dân đã mua tên lửa, đầu đạn, thân máy bay, xe tăng và nhiều đồ quân dụng cũ về tái chế. Làng có ba nhà chuyên làm loại “phế liệu quân sự”, trong đó có ông Nguyễn Văn Tiến - người bị khởi tố sau khi một trong hai kho đầu đạn, đồ quân dụng cũ phát nổ sáng 3/1.
Hàng tạ đầu đạn được thu gom sau vụ nổ rạng sáng 3/1. Video: Huy Mạnh.
Nhà nằm sát kho đạn thứ hai của ông Nguyễn Văn Tiến, anh Nguyễn Anh Khoa (33 tuổi) cho biết kho hàng này tồn tại hơn 10 năm trước. Họ chuyên thu mua đầu đạn, tên lửa, xác máy bay hay một số vật dụng quân sự khác về tái chế. Hàng ngày có 5-10 công nhân chuyên tháo kíp và chế đầu đạn thành phế phẩm."Hồi đó tôi thấy toàn đầu đạn hết thuốc, không nguy hiểm cho người dân xung quanh nên kệ cho các gia đình làm giàu”, ông Viễn nói.
Nhà ông Tiến thường chở đạn về kho vào ban đêm “bằng xe tải giống xe của quân sự”. Anh Tiến thấy “họ làm việc rất thành thạo, không phát tiếng nổ và nguy hiểm cho xung quanh nên không ý kiến”.
Chính quyền huyện không biết
Trưởng thôn Quan Độ, ông Nguyễn Văn Lý nói biết gia đình ông Tiến buôn đầu đạn, tên lửa hơn 10 năm nay, song không phải lúc nào trong nhà cũng có đầu đạn nguy hiểm nên “không để ý”. Mỗi ngày xã có hàng trăm chuyến xe tải chở phế liệu ra vào nên không thể kiểm soát.
Ngoài ông Tiến, có một vài hộ buôn loại “phế liệu quân sự”. “Ngoài đầu đạn, có hộ còn đưa cả tên lửa SAM-2, xe tăng, máy bay cũ về tái chế. Nhưng chúng tôi không ngờ họ liều lĩnh cất hàng tấn đầu đạn còn thuốc trong nhà để rồi phát nổ”, ông Lý nói.
Chủ tịch UBND huyện Yên Phong, ông Nguyễn Văn Bang cho biết, xã Văn Môn có khoảng 500 hộ kinh doanh, mua và tái chế phế liệu. Việc một số hộ thu mua, tái chế vật liệu nổ thì chính quyền huyện không hay biết cho đến khi phát nổ vào sáng 3/1. “Chúng tôi sẽ rà soát công tác quản lý ở các cấp trong thời gian sớm nhất để truy cứu trách nhiệm nếu có”, ông Bang nói.
Nhà chức trách huyện Yên Phong đang rà soát các hộ thu gom phế liệu trên địa bàn để có biện pháp xử lý. Chính quyền cũng bố trí lực lượng ở các đường nhỏ để phát hiện xe chở phế liệu vi phạm; tổ chức ký cam kết với các hộ dân trong xã Văn Môn không thu mua, tàng trữ vật liệu, vũ khí nổ.
|
4h30 ngày 3/1, sau tiếng nổ đinh tai, một phần diện tích thôn Quan Độ, cách Hà Nội khoảng 30km, bị san phẳng. Hai người chết, bảy người bị thương, bảy nhà bị sập. Trong bán kính 1,5km tính từ tâm vụ nổ, hàng trăm nhà khác bị hư hại, hiện xã vẫn chưa thống kê hết.
Chủ kho phế liệu Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi) bị khởi tố ngay tối 3/1 về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, theo điều 304 Bộ luật Hình sự 2015. Ông này khai mua 7 tấn đầu đạn cũ từ một người thuộc Trung tâm xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh) về tài chế.
Bộ Quốc phòng đã cử lực lượng về thu gom, đến chiều 5/1 thu được 6,7 tấn đầu đạn cũ, mảnh kim loại; đồng thời điều tra dựa trên lời khai của ông Tiến.
Phía sau vụ nổ chấn động ngôi làng tỷ phú
Người dân làng buôn bán phế liệu Quan Độ (Bắc Ninh) nhiều năm nay phất lên với những ngôi nhà đẹp liên tục được xây ... |
Nỗi khiếp sợ của nạn nhân vụ nổ kho đạn cũ ở Bắc Ninh
Không dám trở lại ngôi nhà đã vùi chết con gái, anh Tiến bảo "nổi da gà khi thấy những đầu đạn nhỏ còn sót ... |