PVN cần có được thực quyền như một doanh nghiệp

Luật Dầu khí đầu tiên được ban hành năm 1993 khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, tuy đã qua 2 lần sửa đổi và bổ sung vào năm 2000 và 2008 nhưng chưa được đánh giá tổng kết sau 25 năm thực hiện. Theo nhiều chuyên gia, hiện có những nội dung của Luật Dầu khí không còn phù hợp với thực tế, cản trở sự phát triển của ngành Dầu khí. Phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng - nguyên Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) xung quanh vấn đề này. 

PV: Thưa ông, ông có nhận xét gì về Luật Dầu khí hiện hành?

pvn can co duoc thuc quyen nhu mot doanh nghiep

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Luật Dầu khí hiện nay tuy đã qua 2 lần sửa đổi nhưng vẫn còn một số bất cập làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngành Dầu khí. Luật Dầu khí hiện hành chỉ điều chỉnh khâu thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí), chưa có các điều khoản điều chỉnh cho hoạt động khâu trung và hạ nguồn.

Hiện nay, các hoạt động trung và hạ nguồn của PVN đang được điều chỉnh bởi các luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mại và các văn bản pháp quy khác nhau. Việc PVN đầu tư vào các dự án khai thác và chế biến dầu khí hiện nay vẫn vướng nhiều bất cập về cơ chế, chính sách.

Trước đây, vốn đầu tư vào các khâu thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn như các dự án khai thác mỏ dầu khí, làm đường ống dẫn khí, xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đều được Chính phủ đứng ra bảo lãnh để PVN vay. Hiện nay, theo tôi được biết, Chính phủ không bảo lãnh cho PVN vay vốn trong khi PVN không được quyền dùng tài sản mà mình đang quản lý để thế chấp vay vốn, bởi theo quy định, tài sản của các công ty dầu khí là tài sản của Nhà nước, PVN chỉ là doanh nghiệp (DN) đại diện cho Nhà nước làm kinh tế chứ không có quyền sở hữu mỏ dầu. Vậy nên, nghịch cảnh là Chính phủ không đứng ra bảo lãnh cho PVN vay thì PVN không thể đi vay vốn để đầu tư phát triển được.

Trong khi đó, các tập đoàn dầu khí nước ngoài, kể cả các tập đoàn dầu khí nhà nước như Petronas (Malaysia) chẳng hạn, họ có quyền sở hữu tài sản đối với các mỏ dầu mà họ có cổ phần cũng như các tài sản hiện hữu để thế chấp vay vốn cho các dự án đầu tư tiếp theo.

Còn PVN lâu nay vẫn chỉ được giao quyền thay mặt Chính phủ ký các hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí với các công ty nước ngoài, xem ra trên danh nghĩa quyền rất to, nhưng trong khi các đối tác nước ngoài, kể cả các công ty dầu khí quốc gia như Petronas (Malaysia) hay Statoil (Na Uy) được coi trữ lượng dầu tương ứng với tỷ lệ cổ phần dưới mỏ là sở hữu của họ (có thể đem thế chấp vay vốn thực hiện dự án) thì PVN không được làm như vậy.

Luật Dầu khí hiện hành chỉ điều chỉnh khâu thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí), chưa có các điều khoản điều chỉnh cho hoạt động khâu trung và hạ nguồn.

Tôi nghĩ, trong các chính sách, cần trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để DN trở nên năng động hơn, hoạt động hiệu quả hơn, đây là điểm mà Quốc hội và Chính phủ rất cần xem xét kỹ khi sửa Luật Dầu khí trong thời gian sắp tới.

PV: Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang gặp khó trong khâu huy động vốn để nâng cấp và mở rộng nhà máy, có lẽ cũng do vướng cơ chế này, thưa ông?

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: BSR được đầu tư trên 3 tỉ USD và đã nộp ngân sách Nhà nước trên 7 tỉ USD. Đối với một DN như vậy là kết quả tốt đẹp lắm rồi. Mới chưa đầy 10 năm mà chủ sở hữu là Nhà nước đã thu về khoản tiền gấp 2 lần số vốn bỏ ra trong khi tài sản hiện hữu vẫn còn đó và tiếp tục hoạt động bình thường. Nếu Nhà nước cho phép BSR có quyền tài sản đối với nhà máy thì BSR có thể dùng để thế chấp vay vốn cho dự án nâng cấp mở rộng đã được các cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo khả thi.

pvn can co duoc thuc quyen nhu mot doanh nghiep

Giàn khai thác mỏ Bạch Hổ

Đáng ra, Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho BSR vay vốn, hoặc Chính phủ cho phép BSR dùng tài sản đang quản lý là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để tự bảo lãnh cho việc vay vốn nhằm thực hiện dự án. Nhưng theo tôi biết, Nhà nước yêu cầu thực hiện dự án nhưng không bảo lãnh cho BSR vay vốn. Do đó, BSR sẽ rất khó khăn trong huy động vốn. Không có tài sản thế chấp thì làm thế nào vay được vốn đây?

Tôi nghĩ, để bảo đảm các yêu cầu về kinh tế (tăng lợi nhuận) và bảo vệ môi trường (nâng cấp tiêu chuẩn sản phẩm), đây là dự án cần thiết, cho nên Chính phủ nên tạo cơ chế để PVN là DNNN hoàn toàn và BSR là DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối có được vốn thực hiện dự án.

PV: Một vấn đề khác, hiện các quy định liên quan đến đầu tư ra nước ngoài vẫn còn nhiều bất cập, gây cản ngại cho PVN?

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Thời tôi còn làm việc thì Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam chưa có đầu tư ra nước ngoài, hoặc mới tham gia vào một vài dự án rất nhỏ cùng với các đối tác có làm ăn với chúng tôi ở Việt Nam. Sau này, PVN có đầu tư ở một số nước như Algeria, Venezuela, Nga…

Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN và Nghị định Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí thì mọi dự án đầu tư ra nước ngoài của PVN đều phải được Bộ Công Thương (cơ quan đại diện chủ sở hữu) hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với dự án từ 800 tỉ đồng trở lên, hoặc trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án từ 20.000 tỉ đồng trở lên.

Chính phủ không bảo lãnh cho PVN vay vốn trong khi PVN không được quyền dùng tài sản mà mình đang quản lý để thế chấp vay vốn, bởi tài sản của các công ty dầu khí là tài sản của Nhà nước, PVN không có quyền sở hữu mỏ dầu. Vậy nên, PVN không thể vay vốn để đầu tư phát triển được.

Thực tế, trong bối cảnh môi trường cạnh tranh quốc tế rất khắc nghiệt hiện nay, khó có thể tranh thủ các cơ hội đầu tư tốt nếu chậm chạp trong các quyết định đầu tư. Chậm chạp sẽ làm mất tính chủ động của DN, cơ hội tốt sẽ dễ bị bỏ qua và khó đáp ứng tiến độ đầu tư. Ngay như đối với dự án trong nước là Tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, với cổ phần 25% mà mỗi khi có quyết định thay đổi đầu tư (góp thêm vốn) thì các đối tác quyết định rất nhanh còn PVN phải xin phép Nhà nước mất khá nhiều thời gian. Do đó, cần có những đổi mới để làm sao Luật Đầu tư và Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN phù hợp với thông lệ quốc tế để PVN có cơ hội lựa chọn dự án đầu tư tốt ở nước ngoài.

PV: Theo ông, vì sao đến nay Luật Đầu tư, Luật Dầu khí… của Việt Nam vẫn chậm thay đổi?

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Nguyên nhân khách quan là do Việt Nam sống trong thời bao cấp quá lâu, Nhà nước sở hữu hầu hết tài sản. Ngày nay, với sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nhà nước phải năng động để các DNNN như PVN hoạt động theo cơ chế thị trường. PVN phải có thực quyền như một DN theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Còn hiện nay, PVN thực chất chỉ là một tổ chức làm kinh tế của Nhà nước chứ không phải là một DN thực thụ.

Theo quy định, lợi nhuận làm ra thì Nhà nước thu và có quyền điều chỉnh mức thu theo từng giai đoạn, từng thời kỳ, tùy vào tình hình của đất nước. Tuy nhiên, nếu Nhà nước thu hết phần lợi nhuận thì PVN không còn tiền để tái đầu tư. Do đó Nhà nước cần tính toán, chỉ thu một phần lợi nhuận, phần còn lại phải để cho PVN tái đầu tư sản xuất, đầu tư cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí và các dự án khác. Hoạt động dầu khí có chi phí rất cao, rủi ro rất lớn (thăm dò 10 cấu tạo địa chất mà chỉ tìm được vài mỏ đã là may) và cần nguồn vốn rất lớn.

pvn can co duoc thuc quyen nhu mot doanh nghiep

Công nhân Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 đang kiểm tra áp suất lò hơi

Theo tôi được biết, Petronas trong những năm đầu hoạt động, Chính phủ Malaysia không thu một đồng nào, càng về sau lợi nhuận ngày càng tăng, làm ăn khá lên thì Petronas nộp cho nhà nước theo tỷ lệ thích hợp.

Trong bối cảnh hiện nay, DNNN cần tự chủ, PVN cũng cần tự chủ và phải có tài sản để thế chấp vay vốn tái đầu tư. Nhưng cơ chế tự chủ của DNNN như thế nào hình như vẫn đang gây các tranh luận trái chiều?

PV: Ông quan niệm như thế nào về quyền tự chủ của DNNN?

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Quyền tự chủ của DNNN nếu có cơ chế quản lý tốt, minh bạch thì hiệu quả sẽ tốt. Còn nếu Nhà nước cho DNNN có quyền tự chủ rồi mà cơ chế quản lý, kiểm soát không tốt, sẽ dễ dẫn đến thất thoát, tham nhũng, lãng phí, thua lỗ thì rất nguy. Một số sự việc thời gian qua cũng làm cho Nhà nước thận trọng trong xây dựng cơ chế tự chủ cho DNNN. Do đó, vấn đề chính là cơ chế quản lý. Cơ chế tốt cộng với nhân sự tốt thì kết quả tốt, còn không thì ngược lại. Con người sinh ra cơ chế nhưng đồng thời cơ chế cũng tác động ngược lại con người.

pvn can co duoc thuc quyen nhu mot doanh nghiep

Toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Tôi lại lấy ví dụ về trường hợp Petronas, bởi đây cũng là tập đoàn dầu khí nhà nước giống như PVN. Petronas thành lập chỉ trước PVN 1 năm, nhưng hiện nay đã phát triển mạnh, có khoảng cách rất xa so với PVN. Tổng giám đốc điều hành Petronas Hasan Marican về hưu từ năm 2010, nhưng khi Thủ tướng Mahathir nhậm chức, tháng 8 vừa qua đã tái bổ nhiệm vị này làm “thuyền trưởng”, giữ chức Chủ tịch Petronas. Qua đây có thể thấy rằng, năng lực và phẩm chất con người cực kỳ quan trọng. Còn ở nước ta hiện nay không có cơ chế bảo đảm cho nên nhiều chuyên gia cho rằng, những người lãnh đạo tử tế trong các DNNN sẽ không dám làm gì. Họ chỉ làm cho tròn vai, tròn trách nhiệm. Nếu chỉ làm tròn vai, tròn trách nhiệm thì DN không thể phát triển mạnh được. Người ta thường ví von, DN tư nhân làm 10 thương vụ, lỗ 2 thương vụ không sao. Ngược lại, DNNN có làm hàng chục thương vụ lãi đi nữa, nhưng chỉ cần 1 thương vụ lỗ là bị quy trách nhiệm làm trái, làm thất thoát tài sản Nhà nước và có thể đi tù…

Cho nên, Nhà nước phải tạo một cơ chế phù hợp cho DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, trong kinh doanh phải có thắng, có thua, miễn là về tổng thể có lãi, bảo trì và phát triển được vốn; phải bổ nhiệm cán bộ có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt vào những vị trí trọng yếu và tạo điều kiện để lãnh đạo DNNN dám phát huy tối đa năng lực. Để làm được như vậy thì phải tăng quyền tự chủ cho DNNN đi kèm với đó là cơ chế giám sát minh bạch, hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Mới đây trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri PVN tại Hội nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, PVN đã đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn giúp đỡ xem xét, điều chỉnh Luật Dầu khí theo hướng:

Điều chỉnh các hoạt động liên quan đến dầu khí gồm 2 phần, một phần điều chỉnh các hoạt động dầu khí trong khâu thượng nguồn, một phần điều chỉnh các hoạt động trong các khâu trung và hạ nguồn, để loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho PVN và nhà đầu tư vào ngành Dầu khí, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Bổ sung các đối tượng dầu khí phi truyền thống (khí than, khí sét, băng cháy…) vào phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí.

Có điều khoản ưu đãi hợp lý để thu hút vốn đầu tư cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác các đối tượng dầu khí phi truyền thống, vì tiềm năng của các đối tượng này ở Việt Nam chưa được đánh giá tổng thể.

Có điều khoản quy định liên quan đến vấn đề chuyển nhượng quyền lợi tham gia (trực tiếp và gián tiếp) trong hợp đồng dầu khí về thuế chuyển nhượng vốn trong mỗi trường hợp để nhà đầu tư biết và tuân thủ ngay từ khi đàm phán hợp đồng chuyển nhượng.

Có quy định nguyên tắc ổn định và nguyên tắc không hồi tố trong luật và các văn bản dưới luật nhằm tránh các tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí theo quy định của các hợp đồng dầu khí.

Có điều khoản quy định về mức thu hồi chi phí đối với các dự án khuyến khích đầu tư dầu khí lên mức trên 70%, hoặc quy định mức thu hồi chi phí trong tương quan với các yếu tố khác như mức đầu tư hoặc chi phí chưa được thu hồi.

Bổ sung điều khoản quy định về các điều kiện tài chính cũng như hình thức triển khai hoạt động dầu khí đối với hoạt động tận khai thác dầu khí khi nhà thầu đã từ bỏ vì lý do kinh tế. Bởi vì các điều kiện khuyến khích được quy định trong luật hoặc mẫu hợp đồng dầu khí hiện nay cho đối tượng này được đánh giá là chưa phù hợp, không đủ khuyến khích các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư.

Có điều khoản quy định cụ thể trong Luật Dầu khí sửa đổi về ưu đãi trong đấu thầu sử dụng dịch vụ, hàng hóa trong nước.

Thiên Thanh (thực hiện)

pvn can co duoc thuc quyen nhu mot doanh nghiep PVN đứng đầu, PV GAS đứng thứ 5 trong Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2018

Vietnam Report vừa công bố Bảng xếp hạng Profit500 – Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2018 và Bảng xếp hạng Top ...

pvn can co duoc thuc quyen nhu mot doanh nghiep Bị Mỹ cấm vận, nhà thầu dự án nhiệt điện tỷ USD muốn ‘đẩy’ công việc và trách nhiệm sang PVN

Do bị Chính phủ Mỹ cấm vận nên tập đoàn Power Machines của Liên bang Nga - nhà thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện ...

pvn can co duoc thuc quyen nhu mot doanh nghiep PVN tiếp tục là một trong những trụ cột vững chắc của nền kinh tế

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang tích cực sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Nếu thực hiện đúng tiến độ và ...

pvn can co duoc thuc quyen nhu mot doanh nghiep Dấu ấn cổ phần hóa tại PVN

Việc cổ phần hóa thành công 3 đơn vị thành viên trong cùng một thời điểm đã khẳng định quyết tâm, tính hiệu quả trong ...

/ Cổng thông tin điện tử BSR