Khi internet phủ sóng toàn cầu, các kết nối không dây phát triển, mọi vật đều kết nối với nhau, internet trở thành “hạ tầng của hạ tầng” - kết nối trở thành điều hiển nhiên, trở thành nhu cầu thiết yếu và internet giống như không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống hay ánh sáng chúng ta nhìn. Khi đó, không gian mạng thật sự trở thành không gian sinh tồn mở rộng, với nguồn tài nguyên thông tin vô tận trở thành không gian kiến tạo và gia tăng sức mạnh quốc gia.
LTS: Do mắc bệnh hiểm nghèo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã từ trần lúc 10h05 ngày 21/9/2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tuần Việt Nam xin trích đăng Chương 5 trong cuốn sách ông viết về an ninh mạng. Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt.
"Nhiều tổ chức phản động đã đầu tư lớn về tài chính, có đội ngũ kỹ thuật, chuyên gia về bảo mật riêng và sử dụng máy chủ ở nước ngoài. Chúng kết hợp sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, như khai thác các tính năng cá nhân hóa và tính năng tương tác của mạng xã hội, tán phát đồng loạt qua hàng nghìn địa chỉ email, thiết lập đài phát thanh, các diễn đàn, phòng hội họp trên Internet, xây dựng các phần mềm chuyên dụng cho thiết bị di động thông minh, pha trộn thông tin thật giả lẫn lộn...."
CHƯƠNG V: LỢI ÍCH QUỐC GIA TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG VÀ CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG
Từ góc nhìn an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia trên không gian mạng là sự toàn vẹn lãnh thổ không gian mạng, sự bất khả xâm phạm về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và môi trường không gian mạng không gây phương hại đến chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, đối ngoại, độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Từ góc nhìn của sự phát triển, lợi ích quốc gia trên không gian mạng không chỉ là sự bảo đảm các giá trị hiện có mà đó còn là không gian để kiến tạo các giá trị mới, làm giàu thêm, phong phú thêm các giá trị hiện có. Đó là không gian chiến lược an toàn, phát triển quốc gia. Từ hai góc nhìn cho thấy, lợi ích quốc gia trên không gian mạng là sự kết hợp hài hòa, thống nhất giữa nhu cầu an ninh và nhu cầu phát triển, bảo vệ chủ quyền, thể chế và môi trường hòa bình đặt trong yêu cầu khai thác, phát huy sức mạnh và lợi ích từ không gian mạng.
Lợi ích quốc gia trên không gian mạng bị tác động bởi các yếu tố nội tại bên trong (yếu tố bên trong) và các yếu tố bên ngoài tác động tới các yếu tố nội tại đó (các yếu tố bên ngoài). Các yếu tố này tác động qua lại, đan xen, chuyển hóa lẫn nhau, trong đó yếu tố bên trong mang tính quyết định.
Sự phát triển công nghệ và lợi ích của các tập đoàn công nghệ
Sự tác động từ nhân tố này theo cả hai chiều. Một mặt, các quốc gia được hưởng lợi từ sự phát triển công nghệ và sự cạnh tranh, sáng tạo của các tập đoàn công nghệ. Thực tế, Internet luôn được thừa hưởng những thành tựu mới nhất của công nghệ với vai trò thúc đẩy, dẫn dắt của các tập đoàn công nghệ như Google, Facebook, Microsoft, Apple, Intel,… Các thành tựu này giúp không gian mạng chia sẻ nhanh hơn, kết nối và tương tác mạnh mẽ hợn, bảo mật hơn, thâm nhập sâu hơn, và giải quyết tốt hơn các mọi mặt của vấn đề của đời sống cũng như nhu cầu con người. Mặt khác, điều này lại khiến con người phụ thuộc nhiều hơn vào các ứng dụng và dịch vụ công nghệ mà đằng sau đó là lợi ích của các tập đoàn công nghệ, nhất là các dịch vụ mạng xã hội. OTT [1]…
Con người chia sẻ thông tin nhiều hơn nhưng sự tiện lợi của công nghệ khiến con người quên đi các nguy cơ cũng như các quy tắc bảo mật. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, Internet ngày càng cao của các cơ quan, tổ chức, các ngành nghề, lĩnh vực cung khiến cho mức độ dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công mạng và các tác nhân gây hại ngày càng lớn. Do đó, nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin đối với quốc gia, tổ chức và cá nhân ngày càng tăng. Mức độ nguy hiểm không chỉ dừng lại ở việc các thông tin cá nhân bị thu thập, các thông tin, tài liệu bí mật nhà nước bị lộ, lọt nhiều hơn mà còn ở việc các cuộc tấn công mạng có thể phá hủy các hạ tầng quan trọng quốc gia, gây đình trệ, rối loạn hoạt động của hệ thống tài chính, ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng khiến cho chính sách, pháp luật của quốc gia không kịp thích ứng dẫn đến các trở lực kìm hãm ứng dụng công nghệ thông tin hoặc tạo ra các kẽ hở về quản lí nhà nước, chính sách thuế, chính sách an ninh,… Sự phát triển của taxi Uber gần đây và sự lúng túng trong quản lý dịch vụ này của các quốc gia, hay việc các quốc gia, trong đó có Việt Nam không thu được thuế từ các dịch vụ xuyên biên giới, nhất là quảng cáo trực tuyến, trò chơi trực tuyến, mạng xã hội, OTT là những ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, sự phát triển không đồng bộ giữa hai lĩnh vực ứng dụng và bảo mật cũng khiến nguy cơ tấn công mạng gia tăng, hoạt động của tin tặc và các tác nhân gây hại cũng nguy hiểm hơn.
Sự phát triển của không gian mạng, đặc biệt là sự bùng nổ về thông tin di động và dịch vụ điện toán đám mây, xét từ một góc độ khác, do các tập đoàn công nghệ dẫn dắt, chi phối, thậm chí áp đặt luật chơi. Các tập đoàn này nắm phần lớn thị phần cung cấp phần cứng, phần mềm, hệ điều hành, trung tâm cơ sở dữ liệu và các dịch vụ mạng, nên sự thay đổi về chính sách và công nghệ của họ đủ để tác động tới toàn bộ không gian mạng toàn cầu. Do đó, các quốc gia không thể không cân nhắc trước các quyết định về chính sách quản lí của mình. Bên cạnh đó, xuất phát từ lợi ích và tầm ảnh hưởng ngày một lớn mà các tập đoàn công nghệ có xu hướng can thiệp vào quá trình hoạch định chính sách của các quốc gia. Đằng sau lợi ích kinh doanh của các tập đoàn công nghệ luôn có lợi ích chiến lược của các quốc gia sở hữu. Do đó, khi Trung Quốc ngăn chặn Google tại Trung Quốc đã dẫn đến căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ.
Hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm
Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển công nghệ cũng như hoạt động của các công ty, tập đoàn công nghệ thì chính sách của không ít quốc gia đang tạo ra cuộc “chạy đua vũ trang” trong việc phát triển vũ khí mạng, chiến binh mạng hay thúc đẩy các khuynh hướng “tự do”, cực đoan trên không gian mạng nhằm phục vụ lợi ích chính trị của mình.
Theo đó, mối quan tâm đối với an ninh mạng đã đồng thời thúc đẩy các xu hướng phát triển các công cụ phục vụ hoạt động tình báo, gián điệp mạng, phát triển các vũ khí mạng và chiến binh mạng nhằm tấn công, đáp trả đối phương. Chính sách này cũng dung dưỡng cho một bộ phận tin tặc phát triển, những tin tặc ban đầu chỉ với những hành động đùa nghịch thì nay đã mang động cơ chính trị và thuộc về những tổ chức tình báo tinh vi; đồng thời, làm nảy sinh một bộ phận tin tặc khác hoạt động cực đoan, thoát ly và chống lại các chính phủ, có thể kể ra như Anonymous [2], Luzlsec…
Mặt khác, chính sách khai thác tính mở của không gian mạng để thúc đẩy khuynh hướng tự do vô chính phủ, ly khai của một số quốc gia, điển hình là Mỹ và một số nước Phương Tây đối với quốc gia khác vì lợi ích chính trị cũng tạo nên những tác động xấu từ không gian mạng. Đây là điều xảy ra tại Ai Cập, Syria và một loạt các quốc gia Trung Đông – Bắc Phi, Ukraina Venezuela… và nó cũng nằm trong hoạt động “diễn biến hòa bình” của Mỹ và một số nước phương Tây đối với Việt Nam trong nhiều năm qua.
Đây là nhân tố bên ngoài tác động trực tiếp và nguy hiểm nhất đối với lợi ích quốc gia Việt Nam thể hiện trên các mặt hoạt động sau:
Một là, hoạt động phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ. Trong đó, tuyên truyền phá hoại tư tưởng là hoạt động phổ biến nhất. Với đặc tính lan tỏa nhanh, không gian mạng là phương tiện nguy hiểm nhất, có khả năng mở rộng phạm vi tác động nhanh nhất, vượt qua các rào cản ngôn ngữ, khoảng cách địa lý và các nỗ lực ngăn chặn để phổ biến nhanh, gây tác hại trên diện rộng hơn bất cứ hình thức tuyên truyền nào khác.
Các thế lực thù địch, phản động đã triệt để lợi dụng đặc tính này và thiết lập hệ thống hàng nghìn trang web, blog và mạng xã hội cho mục đích tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ. Nhiều tổ chức phản động đã đầu tư lớn về tài chính, có đội ngũ kỹ thuật, chuyên gia về bảo mật riêng và sử dụng máy chủ ở nước ngoài. Chúng kết hợp sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, như khai thác các tính năng cá nhân hóa và tính năng tương tác của mạng xã hội, tán phát đồng loạt qua hàng nghìn địa chỉ email, thiết lập đài phát thanh, các diễn đàn, phòng hội họp trên Internet, xây dựng các phần mềm chuyên dụng cho thiết bị di động thông minh, pha trộn thông tin thật giả lẫn lộn, phối hợp đăng và đăng lại thông tin, một trang liên kết đến nhiều trang khác, núp dưới các kiến nghị mạng tính xây dựng, ôn hòa “tác động cùng chiều” hay phản biện xã hội để ngụy tạo dư luận, gây áp lực đối với chính quyền, tổ chức các cuộc thi có thưởng mang nội dung phá hoại tư tưởng…
Các đối tượng cũng lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước, nhất là đối với các trang mạng tên miền quốc gia, các trang mạng trong nước có lượng truy cập lớn và thuê bao di động trả trước để phát tán nội dung phản động. Các thủ đoạn này cũng được đối tượng sử dụng trong việc lợi dụng các sự kiện chính trị - xã hội nhạy cảm, phức tạp để kích động biểu tình, phá rối an ninh, gây bạo loạn, điển hình là hoạt động kích động biểu tình chống phá Đảng, Nhà nước dưới danh nghĩa “phản đối Trung Quốc” xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Trong đó, chúng sử dụng các thủ đoạn tuyên truyền tinh vi, lừa mị, kết hợp các bài viết có nội dung thách thức hoặc hướng dẫn biểu tình, hướng dẫn cách thức đối phó với cơ quan an ninh và tường thuật trực tiếp âm thanh, hình ảnh về biểu tình lên mạng để lôi kéo, kích động, tập hợp lực lượng, xây dựng “ngọn cờ”.
Hoạt động phát triển tổ chức phản động người Việt lưu vong vào trong nước và hình thành, công khai hóa tổ chức chính trị đối lập trên không gian mạng và qua không gian mạng cũng diễn biến nguy hiểm. Các tổ chức phản động lưu vong kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền trên mạng về tổ chức và các luận điệu chiến tranh tâm lý, tác động tư tưởng để thu hút, lôi kéo người vào tổ chức; xây dựng, thâm nhập vào các diễn đàn, mạng xã hội, nhất là mạng xã hội dành cho giới trẻ để phát hiện, chấm chọn đầu mối hoặc chấm chọn ngay trong số những người chủ động liên lạc với tổ chức phản động lưu vong qua mạng; đồng thời, triệt để sử dụng các hình thức qua mạng để móc nối, huấn luyện và chỉ đạo cơ sở nội địa.
Các đối tượng cơ hội chính trị trong nước, cùng với sự móc nối bên ngoài, cũng triệt để sử dụng không gian mạng để tập hợp lực lượng, công khai hóa tổ chức và triển khai các mặt hoạt động, núp dưới danh nghĩa các tổ chức “xã hội dân sự” hay hoạt động phản biện xã hội. Bên cạnh các nhen nhóm tuyên bố thành lập và công khai hoạt động qua mạng, đã xuất hiện một số tổ chức, hội nhóm phản động hình thành và hoạt động trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội.
Hai là, hoạt động gián điệp mạng. Hoạt động này đang diễn biến phức tạp và đặc biệt nguy hiểm, đến từ nhiều nước có tiềm lực mạnh về công nghệ, diễn ra trên tất cả các mặt của hoạt động gián điệp, trong đó chủ yếu là thu thập thông tin tình báo thông qua tấn công mã độc để chiếm đoạt thông tin và kiểm soát thiết bị công nghệ thông tin cho mục đích gián điệp xảy ra ở hầu hết các cơ quan, bộ, ngành quan trọng, các địa bàn chiến lược và tập đoàn kinh tế lớn.
Không chỉ thông tin, bí mật nhà nước bị chiếm đoạt một cách có hệ thống và trong thời gian dài mà hoạt động kiểm soát của đối phương còn dẫn đến những kịch bản rất nguy hiểm, liên quan trực tiếp tới hạ tầng, thậm chí cả hạ tầng lõi phục vụ ngân hàng, chứng khoán, thông tin liên lạc…
Hoạt động tấn công của đối phương diễn ra rất tinh vi, tập trung khai thác sự yếu kém, thiếu đồng bộ trong hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và đặc biệt là ý thức bảo mật của người sử dụng, cũng như khai thác các lỗ hổng bảo mật về lập trình hoặc cài đặt sẵn trên các thiết bị phần cứng ngay từ khi sản xuất. Hoạt động tấn công của đối phương thường được tổ chức một cách chặt chẽ, bài bản thành các chiến dịch và sử dụng phương thức tấn công thường trực nâng cao (Advanced Pesistent Threat – APT) như LURID, Shady RAT, Byzantine Hades… Việt Nam cũng nằm trong mục tiêu của hàng loạt chương trình giám sát quy mô toàn cầu, đặc biệt là của Mỹ và đồng minh, theo tiết lộ của một số cựu nhân viên tình báo, mật vụ nước này và báo chí quốc tế.
Cơ quan chức năng cũng phát hiện hoạt động móc nối, cài cắm cơ sở gián điệp, nội gián của cơ quan đặc biệt nước ngoài thông qua phát hiện, chấm chọn và trao đổi qua mạng, đặc biệt là tử các diễn đàn và mạng xã hội. Bên cạnh đó, cũng phát hiện cơ sở nội gián thực hiện nhiệm vụ tấn công mã độc theo chỉ đạo của cơ quan đặc biệt nước ngoài.
Ba là, hoạt động tấn công phá hoại các hệ thống mạng quan trọng. Chủ yếu trong số này là hệ thống các cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các cơ quan trung ương, bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế và các báo điện tử trong nước. Những năm gần đây Việt Nam luôn có một số lượng lớn, có thời điểm lên tới vài nghìn trang web và cổng thông tin điện tử bị tấn công, chiếm quyền quản trị và thay đổi giao diện, trong đó, có trang của các cơ quan, bộ, ngành quan trọng và một số báo điện tử như VietnamNet, Dân trí… Hoạt động tấn công này không chỉ gây đình trệ, rối loạn hệ thống, gây thiệt hại lớn về uy tín và về kinh tế mà còn gây nguy cơ mất an ninh nếu các trang thông tin điện tử bị kiểm soát, trong đó nhiều trang có lượng truy cập rất lớn bị biến thành nguồn tán phát thông tin xấu hoặc mã độc.
Bốn là, hoạt động xâm hại trật tự, an toàn xã hội. Hoạt động này diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, chủ yếu là các hành vi xâm phạm sở hữu, trật tự quản lý kinh tế và trật tự, an toàn công cộng, như đánh bạc, trộm cắp, mại dâm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái pháp và trốn thuế, phát tán phần mềm độc hại, thông tin trái phép và xâm phạm trái phép máy tính, mạng máy tính.
Các hành vi này diễn ra trên nhiều lĩnh vực với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm và quy mô lớn, phức tạp hơn cả là trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, trò chơi và giải trí trực tuyến.
Nổi lên là hoạt động đánh cắp thông tin thẻ tín dụng với sự hình thành các đường dây gồm nhiều đối tượng cả ở trong và ngoài nước, tổ chức chặt chẽ, phân công thực hiện theo từng giai đoạn phạm tội, hoạt động kinh doanh và sử dụng tiền điện tử hay tiền ảo (RL, Bitcoin…), hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức huy động tài chính, kinh doanh đa cấp qua mạng, lừa đảo sử dụng các đầu số dịch vụ giá trị gia tăng và các độ, đánh bạc quy mô lớn xuyên quốc gia, trộm cắp cước viễn thông. Trong số này, nhiều hành vi được thực hiện quy mô lớn, xuyên quốc gia không chỉ xâm phạm trật tự, an toàn xã hội mà còn liên quan trực tiếp tới an ninh tài chính, tiền tệ, an ninh thông tin, nhất là hoạt động tấn công vào hệ thống ngân hàng, huy động tài chính qua mạng hay đánh bạc xuyên biên giới khiến một lượng lớn ngoại tệ “chảy” ra nước ngoài.
Chủ trương, chính sách, pháp luật
Các yếu tố bên trong cấu thành không gian mạng, phản ánh trình độ phát triển, năng lực làm chủ và bảo vệ không gian mạng quốc gia, bao gồm chủ trương, chính sách, pháp luật; năng lương công nghệ; nội dung thông tin; tổ chức bộ máy và ý thức người sử dụng. Các yếu tố này tác động qua lại và chuyển hóa lẫn nhau, trong đó, chủ trương, chính sách, pháp luật là yếu tố quyết định.
Trước hết, chủ trương, chính sách, pháp luật về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, về điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh có liên quan và cuộc đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm có chủ quyền, lợi ích quốc gia từ không gian mạng. Nếu chủ trương, chính sách, pháp luật đề ra kịp thời, đúng hướng thì quốc gia sẽ nắm bắt được sự phát triển chung như mở rộng ứng dụng và khai thác sức mạnh của công nghệ thông tin, Internet phục vụ đắc lực cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng.
Ngược lại sẽ sa vào chủ quan, duy ý chí, kìm hãm sự phát triển và ứng dụng công nghệ, không tận dụng được sức mạnh của số hóa hoặc bị động, tạo kẽ hở trong luật pháp và quản lý dẫn đến mất kiểm soát, thiệt hại về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tại Việt Nam, như đã trình bày ở trên, Đảng, Nhà nước ta đã kịp thời đề ra chủ trương, chính sách pháp luật mở đường và thúc đẩy công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, đưa Việt Nam từ nước đi sau về triển khai Internet trở thành nước đứng trong tốp đầu về tốc độ phát triển Internet.
Tuy vậy, vẫn có những khía cạnh Việt Nam bị động, lúng túng trước sự phát triển, thay đổi nhanh chóng của công nghệ, dẫn đến chậm ban hành pháp luật, lúng túng trong quản lý nhà nước, rõ nhất là đối với dịch vụ 3G, mạng xã hội, ứng dụng OTT và dịch vụ xuyên biên giới. Trong khi đó, các quy phạm pháp luật về an ninh, an toàn thông tin còn chưa đầy đủ, đồng bộ. Tại thời điểm hiện nay, chúng ta mới có dự thảo Luật An toàn thông tin trình Quốc hội, còn nghị định hay luật về an ninh thông tin, an ninh mạng thì mới ở giai đoạn đề xuất xây dựng.
Năng lực công nghệ
Đây là năng lực sáng tạo và phát triển ứng dụng công nghệ của một quốc gia dựa trên trình độ phát triển của công nghệ mạng, công nghệ điện tử, bán dẫn, vi xử lý, công nghệ phần mềm và quy trình, quy chuẩn về công nghệ. Năng lực công nghệ phát triển đồng bộ sẽ giúp quốc gia tự chủ, khai thác tốt sức mạnh của công nghệ, gia tăng các lợi ích từ không gian mạng và được bảo vệ các lợi ích khác.
Ngược lại sẽ phụ thuộc vào bên ngoài, dẫn đến nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin, an toàn mạng hoặc phát triển đồng bộ giữa hai hướng ứng dụng và bảo mật cũng dẫn đến nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng ở mức độ cao hơn.
Trong trường hợp Việt Nam, chúng ta còn phụ thuộc vào nước ngoài từ công nghệ mạng, công nghệ tìm kiếm, công nghệ điện tử, bán dẫn, vi xử lí đến công nghệ phần mềm. Trong khi quy trình, quy chuẩn còn thiếu đồng bộ, bị xem nhẹ, phát triển lệch theo hướng coi trọng mở rộng ứng dụng mà xem nhẹ bảo mật. Đây là các vấn đề làm gia tăng nguy cơ mất kiểm soát về an ninh, an toàn thông tin tại nước ta, trong khi phạm vi ứng dụng công nghệ ngày càng mở rộng làm cho nguy cơ ngày càng trở nên gay gắt.
Nội dung thông tin
Đây là yếu tố nền tảng quyết định chất lượng của sự phát triển không gian mạng đối với mỗi quốc gia, tác động trực tiếp đến sự ổn định, vững mạnh và phát triển của mọi mặt đời sống xã hội. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ mọi mặt đời sống không nằm ở việc đầu tư hạ tầng, thiết bị phần cứng, phần mềm mà được quyết định bởi sự phát triển của các nghiệp vụ chuyên ngành, hay chính là nội dung thông tin.
Hệ thống kiến thức, nghiệp vụ cho từng lĩnh vực sẽ quyết định mức độ ứng dụng công nghệ trên lĩnh vực đó và đây là điều Việt Nam đã làm tốt trên một số lĩnh vực.
Tuy nhiên, sự yếu kém trong quản lý nội dung thông tin trên mạng cũng đưa đến những tác động xấu đối với đời sống xã hội nước ta, nhất là về văn hóa, chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Rõ nhất là sự thiếu kiểm soát, thiếu định hướng trong việc đưa thông tin trên các mạng xã hội hay việc đưa thông tin chạy theo thị hiếu tầm thường, giật gân, câu khách của một số báo điện tử, trang thông tin điện tử. Có lẽ vì thế mà có người cho rằng hiện nay chúng ta đang ngập trong thông tin nhưng khô hạn về kiến thức. Đây là vấn đề an ninh chính trị, an ninh văn hóa, tư tưởng mà Việt Nam phải giải quyết.
Nguồn nhân lực
Một lực lượng kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin được đào tạo bài bản, hoạt động chuyên nghiệp, hiểu biết pháp luật và nghiệp vụ chuyên ngành là cơ sở quan trọng bảo đảo cho sự phát triển không gian mạng của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, đội ngũ này đang có xu hướng phát triển theo chiều rộng hơn là chiều sâu, rõ nhất là trên lĩnh vực bảo mật mạng. Chúng ta có đội ngũ đông đảo nhưng thiếu những người có chuyên môn sâu, một phần do chảy máu chất xám. Nhưng dù do bất cứ lý do gì thì sự thiếu hụt nhân lực có chất lượng cao cũng góp phần gia tăng sự phụ thuộc của Việt Nam vào nước ngoài.
Tổ chức bộ máy
Bộ máy quản lý nhà nước là nhân tố quyết định sự kết nối có hiệu quả các nhân tố còn lại của không gian mạng, trước hết và trực tiếp là bộ máy quản lý về công nghệ thông tin – truyền thông, viễn thông. Với vai trò tham mưu và bảo đảm việc thực thi các chính sách, pháp luật, bộ máy này quyết định hướng phát triển của không gian mạng đối với một quốc gia. Tại Việt Nam, bộ máy quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thông tin mạng còn bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ chuyên ngành.
Ý thức con người
Tôn trọng chính sách, pháp luật, chuẩn công nghệ hay quy tắc nghiệp vụ của con người là yếu tố quyết định tốc độ và xu hướng phát triển của không gian mạng. Việc thiếu ý thức của người sử dụng tạo ra và thúc đẩy các yếu tố tiêu cực mà ta hay gọi là mặt trái của Internet. Sự không tuân thủ các quy phạm, quy chuẩn về an ninh, an toàn thông tin đang là vấn đề nhức nhối và là nguy cơ làm mất an ninh, an toàn thông tin tại nước ta.
Mặc dù vấn đề này đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, công tác tuyên truyền được coi trọng hơn, bước đầu làm thay đổi nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về an ninh, an toàn thông tin, nhưng tình hình còn diễn biến phức tạp, sự mơ hồ trong nhận thức về an toàn, an ninh thông tin, thậm chí còn diễn ra ở một số cấp quản lý…, là thách thức gay gắt đối với việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và thể chế chính trị ở nước ta.
Trần Đại Quang
Muốn không gian mạng an toàn, cần quản lý từng hành vi người dùng
Có những cô gái mất cả tuổi thanh xuân vì những lời đàm tiếu của cộng đồng. Muốn ngăn chặn hành vi “ném đá” trên ... |
Cử tri lo lắng kẻ xấu lợi dụng không gian mạng lôi kéo người dân tụ tập, gây rối
Cử tri TP.HCM lo lắng trước việc kẻ xấu lợi dụng không gian mạng để lôi kéo người dân tụ tập đông người, gây mất ... |
Luật An ninh mạng: Chi tiết các hành vi bị cấm trên không gian mạng Việt Nam
Các hành vi chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội... sẽ ... |