Tại sao ông Hồ Ánh lại đi mượn, mượn có phải mục đích để ở hay không, hay là có mục đích khác?.
Điểm khó tin
Ngày 5/8, thông tin từ Đảng ủy Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đã có kết luận về việc ông Hồ Ánh (Phó trưởng Phòng Tổng hợp, đảng viên Chi bộ Tổng hợp, thuộc Đảng ủy Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng) mượn nhà của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) để sử dụng.
Sau khi xem xét báo cáo kết quả kiểm tra của Tổ Kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy thống nhất việc ông Hồ Ánh mượn căn nhà đã nêu “của ông Phan Văn Anh Vũ để sử dụng trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 8/2015 là không vi phạm pháp luật”.
Thông báo cũng khẳng định việc sử dụng, quản lý căn nhà này của ông Hồ Ánh “không thuộc diện phải kê khai tài sản theo Thông tư 08/2013 ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ và không vi phạm những điều đảng viên không được làm”.
Về sự việc trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 8/8, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết: "Việc Đà Nẵng kết luận việc mượn nhà của ông Vũ Nhôm không vi phạm pháp luật là đúng không sai, vì Luật không quy định cụ thể cán bộ, công chức không được hoặc được mượn nhà của doanh nghiệp, cá nhân bên ngoài.
Căn nhà ông Hồ Ánh mượn của Vũ Nhôm trên đường Nguyễn Thái Học. Ảnh Dân Trí
Nên đây đơn thuần chỉ là một giao dịch quan hệ dân sự bình thường, không có gì vi phạm.
Điểm quan trọng phải xem trong việc mượn đó có tình cảm riêng gì hay không, bản chất thực sự là gì?. Tại sao ông Hồ Ánh lại đi mượn, mượn có phải mục đích để ở hay không, hay là có mục đích khác. Về phía ông Vũ Nhôm có tự nhiên cho ông Ánh mượn nhà hay không, hay có động cơ gì khác?.
Cho nên cần phải điều tra thêm về các yếu tố dư luận đang quan tâm, chứ không đơn thuần là mượn nhà. Để làm rõ rất đơn giản là hỏi chính đối tượng đi mượn và đối tượng cho mượn, nhưng cần thời gian để điều tra mới làm rõ được".
Bên cạnh đó, theo ông Đạt, người làm doanh nghiệp, làm kinh tế họ tính toán lợi ích rất kỹ, họ bỏ ra một đồng thì phải thu về gấp hai, thậm chí gấp nhiều lần số đó.
Bản thân Cục trưởng Cục chống tham nhũng khó tin ông Vũ Nhôm cho ông Hồ Ánh mượn nhà ở vài năm mà không có chút tư lợi gì.
"Câu chuyện này được nhiều người quan tâm cũng chỉ vì liên quan đến tài sản của Vũ Nhôm, đến ông Hồ Ánh khi đó lại đảm nhận một chức vụ trong bộ máy tổ chức của Thành ủy.
Cái khó không xử lý được là vì Luật không có khoản nào quy định nghiêm cấm không cho mượn", ông Đạt nhấn mạnh.
Không cần bổ sung thêm quy định
Ở góc độ khác, theo ông Phạm Trọng Đạt, nhiều người hiện nay có nhà, thậm chí doanh nghiệp có nhiều nhà, muốn cho đối tượng nào mượn, thuê đó là quyền của họ, là hết sức bình thường nên khó có thể xử lý.
Vay - mượn vẫn là hình thức thỏa thuận dân sự được điều chỉnh bằng Luật dân sự thì rõ ràng nó không thuộc lĩnh vực hình sự. Vấn đề ở đây là nếu người đi mượn tài sản người khác biết rõ tài sản đó do phạm pháp mà bản thân có liên quan thì sẽ khác.
Khi đó, việc người cho mượn, cho thuê chỉ là hình thức, còn thực chất là người đi mượn nhận với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ người cho mình mượn bằng cách khác thay vì trả bằng tiền mặt.
"Không cần phải bổ sung thêm quy định trong Luật, bởi vì nếu muốn xử lý thì chỉ cần xác định được nội hàm bên trọng việc mượn - thuê đó là gì, nếu có dấu hiệu hối lộ hay nâng đỡ nhau bằng lợi ích, hay các quyết định vi phạm pháp luật thì đã có quy định khác để xử lý", ông Đạt nhấn mạnh.
Đà Nẵng kết luận vụ thư ký Nguyễn Xuân Anh mượn nhà của Vũ "nhôm"
Việc ông Hồ Ánh mượn nhà của Vũ "nhôm" để ở là không vi phạm pháp luật và không thuộc diện phải kê khai tài ... |
Để không còn những Vũ “nhôm”, Út “trọc” trong tương lai
Những Vũ “nhôm”, Út “trọc” hôm nay đã chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Nhưng mong muốn lớn hơn từ dư luận ... |