Để bịt lỗ hổng, không tạo cơ hội cho các nhà thầu "tự tung, tự tác" phải có được hợp đồng ký kết chặt chẽ, khoa học, cam kết rõ ràng
Qua quan sát thái độ của Liên danh nhà thầu chính GS Engineering & Construction và Hanshin Engineering & Contrustion Co., Ltd (Hàn Quốc) trong việc khắc phục sự cố nứt dầm thép cầu Vàm Cống (Đồng Tháp), đặc biệt là thái độ phớt lờ, thậm chí không tôn trọng chủ đầu tư (là Bộ GTVT), nhiều chuyên gia cho rằng có lỗi từ phía nhà thầu nhưng cũng phải xem lại trách nhiệm của Bộ GTVT.
Kẽ hở vay vốn ODA khiến chủ đầu tư bị lệ thuộc. Ảnh: YouTube
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao nhà thầu lại có thái độ chây ì, thiếu tôn trọng, thậm chí không có sự tự giác thực hiện trách nhiệm của mình tại dự án cầu Vàm Cống thì phải trả lời được những vấn đề sau.
Yêu cầu trước hết là phải xem xét lại hợp đồng ký kết vay vốn giữa các bên. Theo ông Thủy, sự việc trên cũng giống câu chuyện từng xảy ra tại dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông và nhiều dự án khác.
Khi vay vốn thì thuận lợi nhưng khi thực hiện dự án mới nảy sinh nhiều vấn đề, thậm chí, đã xảy ra tranh cãi quyết liệt về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên khi dự án có xảy ra sự cố, sai phạm.
Cụ thể là những sai phạm nghiêm trọng trong thi công, khiến dự án bị kéo dài nhiều năm không thể đưa vào hoạt động, bện cạnh đó, tình trạng đội vốn cũng khiến dư luận rất bức xúc. Trong quá trình thi công, dự án còn là điểm nóng với nhiều sai phạm, vi phạm về luật an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường và gây mất an toàn cho dự án. Tuy nhiên, hiện tượng thường thấy trong các dự án sử dụng vốn vay ODA là không xử lý được trách nhiệm của nhà thầu, thậm chí còn bị nhà thầu làm khó ngược, buộc chủ đầu tư phải nhượng bộ, xuống nước.
TS Thủy cho biết, có tình trạng trên có khả năng do chủ đầu tư đang bị phụ thuộc quá lớn vào các bên cung cấp vốn ODA. Bên cạhh đó, phía chủ đầu tư khi thực hiện ký kết hợp đồng lại chưa đưa ra được những điều khoản giàng buộc chặt chẽ về trách nhiệm đối với nhà thầu. Cũng ít có những điều khoản giàng buộc mang tính răn đe có thể khiến nhà thầu phải e dè, tôn trọng.
Vì lý do trên, mỗi lần dự án xảy ra sự cố, chủ đầu tư đều luống cuống, hoặc không tìm được cơ sở buộc nhà thầu phải chịu trách nhiệm. Đây là khả năng thứ nhất cần phải xem xét thận trọng.
Thứ hai, nếu hợp đồng ký kết vay vốn đã được thỏa thuận chặt chẽ, có các điều khoản ràng buộc rõ ràng thì chủ đầu tư - Bộ GTVT phải kiên quyết thực hiện theo hợp đồng.
TS Nguyễn Xuân Thủy lấy ví dụ với sự cố tại cầu Vàm Cống, đây là dự án có tổng nguồn vốn 5.700 tỷ, dự án sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc và cũng do nhà thầu chính của Hàn Quốc thi công. Sự cố xảy ra khi dự án đang trong quá trình hoàn thiện, như vậy, nếu xảy ra sai sót nhà thầu phải chịu trách nhiệm và chi trả hoàn toàn chi phí sửa chữa, khắc phục. Nếu dự án bị chậm tiến độ thì phải xử phạt. Nếu không sử dụng đúng công nghệ, không bảo đảm chất lượng công trình, cũng phải phạt, thậm chí thay ngay nhà thầu. Một hợp đồng vay vốn chặt chẽ phải thể hiện được những điều khoản cụ thể, chi tiết như vậy.
"Dù là nhà thầu của quốc gia cho vay vốn ODA nhưng nếu để xảy ra sự cố, sai phạm thì phải thay thế nhà thầu, không nhượng bộ. Về nguyên tắc, bất cứ nhà thầu nào khi thi công, thực hiện dự án trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ theo đúng pháp luật của Việt Nam", TS Thủy nói.
Thứ ba, về thái độ chây ì, thiếu trách nhiệm, thiếu văn hóa, thiếu tính kỷ luật trong lao động, thậm chí, còn có ý trốn tránh, không muốn khắc phục sự cố... của phía nhà thầu chính, trong trường hợp này, Bộ GTVT phải thể hiện thái độ cương quyết thực hiện theo các quy định về luật lao động, luật đầu tư... của Việt Nam.
"Để làm được như vậy, phía bên A - là Bộ GTVT, đơn vị chủ đầu tư cần khẳng định tính công khai, minh bạch tại dự án. Đặc biệt, phải cụ thể hóa chi tiết nguồn vốn, về yêu cầu thiết kế, yêu cầu kỹ thuật, thời hạn bàn giao dự án, quyết toán dự án... phải chắc chắn không có tiêu cực, lợi ích trong quá trình thực hiện ký kết hợp đồng dự án giữa các bên.
Nếu làm được như vậy, không có lý do gì để nhà thầu có thể vin vào, gây khó cho chủ đầu tư. Bộ GTVT cũng hoàn toàn có thể tự tin buộc nhà thầu phải bỏ chi phí khắc phục sự cố đồng thời có thể chấm dứt ngay hợp đồng với nhà thầu sau khi sự cố được khắc phục do vi phạm các nguyên tắc, điều khoản đã cam kết. Bộ GTVT phải thể hiện được thái độ kiên quyết, bản lĩnh, dứt khoát, không để nhà thầu tự ý, muốn làm gì thì làm", TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
Nứt cầu Vàm Cống hi hữu thế giới: Ai đền thiệt hại?
Nhùng nhằng, kéo dài thời gian khắc phục sự cố cầu Vàm Cống là do nhà thầu muốn tìm lý do, giảm thiệt hại, chia ... |
Nứt cầu Vàm Cống hi hữu thế giới: Hệ lụy vốn vay?
Không loại trừ, có khả năng nhà thầu đang sử dụng hợp đồng vay vốn để ràng buộc, hỗ trợ, giảm chi phí cho chính ... |