Trong 13 năm rong rủi mọi nẻo đường, nữ tài xế Nguyễn Thị Hà qua biết bao hành trình đáng nhớ, từ hẻm nhỏ Sài Gòn đến cung đèo đầy thử thách, từ những buổi sớm mai nhàn tênh đến những đêm băng rừng Bù Gia Mập....
Bà Nguyễn Thị Hà (53 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có thâm niên hơn 13 năm trong nghề lái xe tải - Phạm Hữu
13 năm cầm vô lăng xe tải
Bà Nguyễn Thị Hà (53 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lái xe tải chở hàng thuê hơn 13 năm qua. Người bạn đồng hành trong nghiệp lái xe tải sớm hôm cũng chính là chồng bà, ông Huỳnh Công Thành (59 tuổi).
Hai vợ chồng bà Hà quê gốc Quãng Ngãi, lấy nhau và sống ở quê được vài năm. Đến đầu thập niên 90, hai vợ chồng bàn tính vào Nam lập nghiệp và chọn TP.HCM để mưu sinh.
Trong những ngày tháng cơ cực ấy, ông bà làm đủ thứ nghề để kiếm sống nuôi con. Thời gian sau, bà xin việc ở một công ty tư nhân của người nhà. Cơ duyên đến với nghề lái xe của bà bắt nguồn từ khi người chị kêu bà học lái ô tô để đưa đón người thân.
|
Tuy vậy, việc chuyên chở gia đình không nhiều bằng việc bà Hà chạy xe tải. Ông bà mua được 2 chiếc xe tải dành để chở hàng thuê kiếm thêm thu nhập. Để tập trung hơn với nghề mới, ông bà nghỉ hẳn các công việc khác. Cứ thế, mỗi người ôm một vô lăng rồi lái từ đó cho đến nay.
“Ngày đầu tôi lái xe tải cũng cảm thấy bình thường, nhưng nhờ được chồng chỉ dạy từ từ tôi chạy cũng rành. Tôi ngồi trên xe để người khác chở tôi sợ lắm, phải để tôi chạy tôi mới yên tâm”, bà Hà chia sẻ.
Hiện tại, bà Hà chở hàng ở khắp thành phố, hễ ai gọi điện báo dọn nhà, chở hàng cho công ty doanh nghiệp bà nhận. Tuy nhiên, thời gian gần đây lượng hàng hoá ít lại, người chạy xe tải chở hàng cũng tăng lên. Ông bà phải bán một xe để giảm bớt gánh nặng tài chính.
|
Bù lại, mỗi ngày bà Hà có người bạn đồng hành trên đường là chồng mình. Do tuổi già, ông Thành thường hay bị bệnh nên việc lái xe đa phần giao hẳn lại cho vợ. Ông Thành ngồi cạnh bên để chỉ đường.
Bà Hà tâm niệm phải chạy cẩn thận, tuân thủ đúng luật giao thông. Người lái xe tải phải có chữ tín, đạo đức trong nghề. “Nghề xe tải cực lắm, đối với phụ nữ còn cực hơn nữa. Mỗi sáng tôi dậy sớm đi chợ nấu nướng cho cả tuần. Nếu hôm nào bận chạy xe thì để tủ lạnh dành cho con ăn. Nếu đi cả ngày thì ăn ngoài đường. Con cái ngày xưa phải gửi nhà trẻ hết, cũng may con gái tôi cũng ngoan, tự học nên ít phải lo hơn. Cuộc sống khó khăn phải lo kiếm tiền chứ giờ ở nhà suốt thì sao được”, bà Hà chia sẻ về cảnh vừa làm việc vừa lo chuyện chồng con.
Từ những cuốc xe nội thành TP.HCM...
Mỗi ngày trước khi đi làm bà Hà đội chiếc nón vành rộng, mặc áo khoác dài tay rồi lên xe đi chở hàng cho khách. Trong lần theo bà Hà dọn nhà cho khách, tôi chứng kiến người phụ nữ đứng tuổi phụ chồng chuyển hàng lên xe xong thì cầm lái.
Khi bắt đầu xuất phát, bà Hà lên xe đề máy nhẹ nhàng. Bà bật đèn tín hiệu, quan sát gương chiếu hậu lùi xe ra khỏi con hẻm nhỏ trong tích tắc. Ông Thành bắt đầu lựa chọn đường đi rồi kêu vợ chạy theo hướng đã định. Do con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh khá đông đúc, khiến bà chậm rãi cho xe lăn bánh. Đến đường Phạm Văn Đồng, bà Hà kéo cần số, đạp ga tăng tốc. Một số tài xế tải đồng nghiệp chạy song song tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy nữ tài xế già cầm lái.
“Bây giờ có cua vào đường này không ông”, bà Hà hỏi chồng rồi nhìn ngó đường phía bên hong. “Đường cấm sao chạy vào được, bà chạy lên trên kia rồi cua vào thì được”, ông Thành đáp lời vợ khi xe sắp tới địa điểm giao hàng. Đoạn đường từ Q.Bình Thạnh đến khu vực Suối Tiên (Q.Thủ Đức) dài khoảng 20 km nhưng thời gian bà chạy xe đến điểm hẹn mất hơn 30 phút. Bà cho rằng hàng này không cần gấp, chạy từ từ, chạy đúng luật rồi sẽ tới nơi.
“Làm nghề tài xế chạy trong thành phố này áp lực lớn nhất là thời gian, bởi những cuốc xe phải chạy đua với giờ cấm. Có khi mình ở xa mà gần tới giờ cấm xe tải thì mình phải tìm cách chạy nhanh hơn để về nhà. Những lúc như vậy, vợ tôi để tôi chạy thay cho kịp về nhà”, ông Thành chia sẻ.
... Đến những đêm băng rừng
Không những chở hàng ở nội đô thành phố, đôi bàn tay nhăn nheo vì thời gian của bà còn ôm vô lăng ngược xuôi khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đến các tỉnh miền Tây Nam bộ. Những chuyến đi xa có khi kéo dài đến vài ngày hay có khi đến cả tháng. Mỗi chuyến đi của hai vợ chồng luôn gắn liền với cảnh “cơm đường cháo chợ”. Có những lúc chạy xe xuyên đêm, mệt mỏi quá ông Thành bắt võng ngủ trong thùng xe, bà Hà nằm chợp mắt ở cabin chờ trời sáng rồi đi tiếp.
Đối với bà, đoạn đường cảm thấy “ngán” nhất là con đèo từ Gia Nghĩa qua Quảng Khê (Đắk Nông) vì có nhiều vực sâu cực kỳ nguy hiểm. Hay có lần chạy xe băng băng qua rừng ở vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) lúc nửa đêm mưa gió không một bóng người, bà vẫn căng mắt chạy xe đi cho bằng được.
“Bữa tôi đổ dốc đèo Cả (Phú Yên), một xe khách tốc hành đi ngược lên. Khi xe khách chạy sát bên xe tôi \'đá\' đèn muốn kêu nhường đường nhưng tôi không nhường. Vì nếu nhường có thể xe tôi sẽ bị rơi xuống vực rồi, đường hẹp quá mà tôi chỉ đi đúng đường của mình. Lập tức tài xế xuống xe chỉ vào mặt tôi hâm doạ nhưng tôi cứ chạy thôi”, bà Hà kể.
|
|
Bà Hà kể thêm về những lần bị lừa trong nghề: “Nhiều khi nửa đêm tôi bị người lạ gọi lừa chở hàng. Bữa điện thoại tôi xuống tận Nhơn Trạch để chở bò. Khi chạy đến nơi vừa mở cửa xe ra thì bọn nó lùa bò đi chổ khác rồi chạy mất. Có lúc ở Đồng Xoài người lạ giả đò đi mua hàng nói thiếu mấy triệu kêu tôi cho mượn tiền, nhưng may tôi cũng không cho chứ cho mượn chắc nó trốn mất rồi”.
Tính đến nay, bà cũng ngót nghét hơn 13 năm trong nghề lái xe tải. Bà rạng rỡ cho biết đến khi nào không còn đủ sức khoẻ nữa bà mới ngưng làm công việc này.
Tài xế xe đường dài hãi hùng mỗi khi qua Quảng Nam
"Vụ tai nạn hôm 30/7 khiến tôi rùng mình. Cánh tài xế chúng tôi rất sợ khi đi qua Quảng Nam vì địa phương này ... |
Quy định thời gian lái xe của các tài xế quốc tế như thế nào?
Tài xế vụ tai nạn khiến 13 người chết ở Quảng Nam đã làm việc liên tục 12 tiếng. Trong khi đó, ở nhiều nước ... |
Tài xế GrabBike gọi điện cầu cứu ‘hiệp sĩ" trước khi bị sát hại
Trước khi tử vong, tài xế GrabBike gọi điện cầu cứu “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải ở Bình Dương để nhờ chặn bắt nghi can. ... |