Phải chết cô độc mà không ai tìm thấy là nỗi lo âu chung của rất nhiều người già Trung Quốc, trong đó có ông Han Zicheng.
Ông Han Zicheng hồi tháng một đạp xe đi mua đồ ăn tại khu chợ gần nhà ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Washington Post.
Ông Han Zicheng đã 85 tuổi nhưng tự nhận mình vẫn dẻo dai. Mô tả về bản thân, Han viết: "Ông lão cô độc ngoài 80 tuổi. Cơ thể khỏe mạnh. Có thể mua sắm, nấu nướng và tự chăm sóc bản thân. Không mắc bệnh mãn tính. Có lương hưu với mức 6.000 nhân dân tệ (950 USD)/tháng". Những thông tin trên được ông Han nêu trong một tờ rơi với tiêu đề: "Tìm người nhận nuôi" hồi tháng 12 năm ngoái.
Theo Washington Post, Han khao khát có người bên cạnh bởi vợ ông đã qua đời và các con trai thì không thể liên lạc. Điều ông trải qua cũng là tình cảnh chung của hàng chục triệu người Trung Quốc khác đang phải sống giữa những "tổ ấm" trống rỗng khi về già. Con cái họ đã rời đi và hệ thống an sinh xã hội có quá nhiều lỗ hổng.
Han vẫn miệt mài tìm người chăm sóc mình. Có lần, một phụ nữ chụp được cảnh ông dán thông báo và đăng lên mạng xã hội, kèm theo lời khẩn cầu: "Hy vọng những con người nhân hậu có thể giúp đỡ".
Một nhóm phóng viên đã tìm đến Han để làm phóng sự về "ông lão cô độc ở Thiên Tân". Suốt ba tháng sau đó, điện thoại của ông liên tục reo. Nhưng Han chưa tìm thấy gia đình cho mình.
Gia đình khó kiếm
Ông Han trong căn bếp chật hẹp tại căn hộ riêng khi còn sống. Ảnh: Washington Post
Ban đầu, Han tràn đầy hy vọng. Ông đã mất rất nhiều năm mới có thể khiến mọi người xung quanh lắng nghe rằng ông cảm thấy cô đơn, ông sợ chết và nhất là lại chết mà không ai hay biết.
Mọi người bắt đầu quan tâm tới ông hơn. Một nhà hàng địa phương cho ông thức ăn. Một nhà báo từ tỉnh Hà Bắc hứa sẽ đến thăm ông. Ông còn kết bạn qua điện thoại với một sinh viên luật 20 tuổi ở phía nam.
Nhưng dần dần, tâm trạng của Han trở nên tồi tệ. Ông nhận ra gia đình mà ông hằng mong ước thật sự khó tìm. Ông từ chối đề nghị giúp đỡ từ những người "dưới mình". Hồi đầu năm, một công nhân ngoại tỉnh gọi điện ngỏ ý chăm sóc ông nhưng Han thẳng thừng khước từ và cúp máy.
Cuộc đời Han đã trải qua nhiều biến cố. Sinh năm 1932, ông vẫn là một cậu bé khi quân Nhật xâm chiếm Trung Quốc. Thời niên thiếu, ông phải sống nghèo đói, vất vả. Sau đó, Han làm công nhân tại một nhà máy, nơi ông gặp vợ mình. Ông ghi danh vào các lớp học ban đêm rồi cuối cùng vào đại học. Các con trai ông lớn lên trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Chịu đựng nhiều khó khăn, thế hệ của ông kỳ vọng sau này về già có thể sống sum vầy giữa một đại gia đình và được các con cháu chăm sóc. Với Han cũng như hàng triệu người khác, mong muốn ấy đã không thành. Điều này khiến ông giận dữ.
Theo Han, vấn đề hiện nay là những người trẻ đã từ bỏ mô hình gia đình cũ nhưng chính phủ lại chưa thiết lập được một hệ thống mới để chăm sóc người già.
Jiang Quanbao, giáo sư về nhân khẩu học tại Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển thuộc Đại học Giao thông Tây An, cho rằng thách thức nằm ở việc Trung Quốc vừa là một xã hội già hóa vừa là một nước đang phát triển. Trung Quốc "già trước khi giàu", ông nhận xét.
Peng Xizhe, giáo sư về dân số và phát triển tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải, cho biết số lượng và chất lượng của các nhà dưỡng lão Trung Quốc hiện nay "thiếu thốn trầm trọng".
Những người như ông Han, dù đủ khả năng chi trả cho một phòng khang trang ở trại dưỡng lão, nhìn chung vẫn mang tâm lý e ngại. Người lớn tuổi đa phần không muốn đồng nghiệp, bạn bè xung quanh nghĩ rằng mình bị con cái bỏ rơi. Con cái trong khi đó lại sợ bị coi là bất hiếu, Peng nói.
Han kể ông có bất hòa với một người con trai và người còn lại đã chuyển tới Canada sinh sống từ năm 2003. Anh không thường xuyên gọi cho ông. Tuy nhiên, Han không muốn cung cấp số điện thoại của họ vì sợ "làm xấu mặt" các con.
Khi mọi người xem được câu chuyện của Han và gọi cho ông để kiểm tra, ông thường thuyết giáo một tràng dài về những bất cập trong chính sách chính phủ ban hành hay sự tồi tệ của đồ ăn ở nhà chăm sóc người già địa phương.
Giận dữ
Khung cửa sổ nhìn ra bên ngoài tại căn hộ của ông Han. Ảnh: New York Times.
Mùa đông tới cũng là lúc các cuộc gọi cho Han ít dần. Nỗi lo sợ phải chết trên giường cô độc lại sống dậy trong ông. Những tuần cuối cuộc đời Han bao trùm bởi sự im lặng và những cuộc gọi nhỡ. Sau khi Han qua đời, hàng xóm và con trai ông không thể hoặc không muốn chia sẻ về cái chết của ông.
Mức sống ngày càng tăng cùng chính sách một con đã khiến dân số Trung Quốc suy giảm nhanh chóng. Hiện 15% dân số trên 60 tuổi. Đến năm 2040, tỷ lệ này sẽ là 25%, theo các cuộc thăm dò mới đây. Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang đe dọa tới kinh tế cũng như kết cấu gia đình Trung Quốc.
Han đã dành những ngày cuối cố gắng kết nối với thế giới bên ngoài. Hồi tháng hai, ông bắt đầu liên lạc với một đường dây hỗ trợ người già mang tên Đường dây nóng Lan tỏa Yêu thương Bắc Kinh. Bà Xu Kun, người sáng lập ra đường dây trên, muốn cung cấp dịch vụ nhằm ngăn chặn những người già neo đơn tự tử.
Xu cho hay người già thường trở nên giận dữ ở độ tuổi của họ. Vấn đề là họ có xu hướng đẩy những người xung quanh ra xa dù rất cần đến sự quan tâm, chăm sóc. "Gia đình và xã hội không thể hiểu sự gắt gỏng hay buồn chán ở người già khi tuổi của họ ngày một cao", bà Xu nói.
Han gọi tới đường dây nóng vài lần mỗi tuần, kể cho các nhân viên ở đây về sự cô đơn của ông và than thở về những trại dưỡng lão do nhà nước vận hành. Ông ngừng gọi vào đầu tháng ba.
Han cũng giữ liên lạc với người bạn qua điện thoại là sinh viên luật Jiang Jing. Ông kể với Jiang về một người trẻ tuổi khác, một quân nhân tên Cui thường hay liên lạc và muốn nhận nuôi ông.
Lần cuối Jiang trò chuyện với ông Han là vào ngày 13/3. Ngày 14/3, cô lỡ một cuộc gọi từ ông. Lần kế tiếp Jiang gọi, vào đầu tháng 4, cô gặp một giọng nói lạ ở đầu dây bên kia. Con trai ông bắt máy và thông báo rằng ông Han đã qua đời vào ngày 17/3.
Hai tuần sau khi Han qua đời, hàng xóm thú nhận rằng họ vô cùng ngạc nhiên trước cái chết của ông. Vài người nói họ để ý thấy ông không còn đi lại ở hành lang nữa nhưng cũng không tới để kiểm tra tình hình.
Han Chang, con trai ông, bay từ Canada về để lo hậu sự cho cha. Anh giận dữ vì cha mình đã đăng thông báo tìm người nhận nuôi và báo chí đưa tin về nó. Anh khẳng định cha mình đã nói dối, ông có ba con trai, không phải hai, và họ đều chăm sóc ông tốt.
Anh cho rằng cha mình hoàn toàn không cô đơn mà chỉ già yếu. "Điều này có thể xảy ra ở bất cứ đâu", anh nói.
Năm 2013, chính phủ Trung Quốc ban hành luật bắt buộc con cái phải viếng thăm cha mẹ thường xuyên. Song thực tế, còn rất nhiều người già Trung Quốc hiện vẫn phải sống trong cảnh cô đơn, không con cái ở bên và không được bảo vệ.
Người con trai không muốn kể về cuộc sống cá nhân của cha mình nhưng xác nhận vào ngày 17/3, ông Han thấy không khỏe và đã gọi tới một số lạ trên điện thoại. Nỗi lo sợ lớn nhất của ông là phải chết mà không ai hay biết. Cuối cùng, ông cũng được chuyển tới bệnh viện và qua đời trên giường bệnh, giữa rất nhiều người xung quanh.
Những người già đi học ở Thái Lan
Với tình trạng già hóa dân số ngày một nhanh, nhiều người già Thái Lan đang đối mặt với cảnh sống cô đơn. Một trong ... |
Nghị sĩ Nhật: Phụ nữ độc thân là \'gánh nặng quốc gia\'
Vừa qua, nghị sĩ Kanji Kato đã bị chỉ trích vì khuyến khích phụ nữ nên đẻ nhiều con trong bối cảnh tỷ lệ sinh ... |
Người già Trung Quốc học cách dùng smartphone
Nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc đang phải theo học các lớp dạy sử dụng điện thoại thông minh để không bị lạc hậu ... |
Vũ Hoàng