Những vấn đề \"nóng\" nào đợi Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tại chất vấn Quốc hội?

Các chuyên gia giao thông đánh giá, trong các vấn đề nổi cộm ngành giao thông vận tải, vấn đề xử lý triệt để những tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) được quan tâm hơn cả tại phiên chất vấn Quốc hội của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vào tuần tới.

nhung van de nong nao doi bo truong gtvt nguyen van the tai chat van quoc hoi

Chia sẻ

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Mong Bộ trưởng thẳng thắn, không né tránh

Bộ trưởng các Bộ Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội vào tuần tới. Dự kiến các nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5 vừa được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong các ngày 4, 5 và 6.6.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, trong 5 nhóm vấn đề được đưa ra xin ý kiến, phần lớn đại biểu chọn 4 nhóm vấn đề để chất vấn, tương ứng với 4 bộ trưởng. Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Với nhóm vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và một số bộ trưởng các bộ như Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ... cùng tham gia trả lời và giải trình những nội dung có liên quan.

Trao đổi với Lao Động, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông vận tải tại TPHCM mong muốn các Đại biểu Quốc hội mạnh dạn nói lên các vấn đề nóng mà người dân đang quan tâm với tinh thần không né tránh.

TS Phạm Sanh cho hay, thời điểm ông Nguyễn Văn Thể nhậm chức Bộ trưởng GTVT, ông kỳ vọng vào những chiến lược, quyết sách trong chỉ đạo, điều hành của “tư lệnh ngành” này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tân Bộ trưởng chưa có những giải pháp đột phá, gỡ khó cho ngành giao thông, nhất là những vấn đề nóng như kẹt xe ở khu vực lõi đô thị, BOT, xe hợp đồng...

Theo ông Sanh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khi trả lời chất vấn cần trả lời trực tiếp vào những câu hỏi mà đại biểu mong muốn nhất. Đó là đưa ra những giải pháp, chương trình hành động để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong từng lĩnh vực với một tinh thần trách nhiệm.

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia có hơn 30 năm nghiên cứu về lĩnh vực giao thông cho hay, phiên chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng GTVT phải trình bày những vấn đề mang tính tầm nhìn, không phải những vấn đề nhỏ nhặt, nhất là việc định hướng phát triển loại hình giao thông đường sông, đường biển.

Theo TS, hệ thống giao thông Việt Nam hiện có 5 loại hình đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường hàng không. Hiện nay, chúng ta chưa tận dụng được lợi thế của đường sông, đường biển. Hai loại hình này có chi phí vận chuyển rất thấp. Trong khi đó, Nhà nước lại xây dựng quá nhiều đường bộ, "ngốn" tiền lớn, chi phí vận chuyển cao. Ví dụ, một tấn hàng hóa vận chuyển từ Cà Mau ra Hà Nội, đi bằng đường bộ đắt gấp 3 - 4 lần đường biển.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT phải có phương án nâng cấp đường sắt, càng nhanh càng tốt, và không nên đợi, rồi phụ thuộc đường sắt cao tốc. Việc nâng cấp đường sắt để giảm bớt tai nạn, tăng lượng hàng hóa vận chuyển, giảm giá thành, giảm bớt container chạy từ Bắc vào Nam.

Ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, hệ thống đường sắt của Việt Nam hiện nay quá lạc hậu. Khi so sánh với hệ thống đường sắt thế giới thì thấy hệ thống đường sắt của Việt Nam thua cả thế kỷ. Chúng ta đã duy trì đường sắt đơn quá lâu, phải nhanh chóng tiến hành làm đường sắt đôi, khổ đường 1,435m thay cho khổ 1m như hiện nay. Cần làm nhiều tuyến đường sắt trên cao, tránh tình trạng hệ thống đường sắt cắt qua khoảng 5.000 - 6.000 đường ngang dân sinh, xác suất xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Đồng thời phải nâng cấp hệ thống cầu đường, thông tin tín hiệu, tăng cường chất lượng ga, đường sắt, tàu máy. Nâng cấp kiểu cuốn chiếu. Đây là vấn đề hàng đầu cần thiết phải tiến hành nghiên cứu, khắc phục ngay.

Ngoài ra, vấn đề nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông (nhất là ở khu vực đô thị) để giảm ùn tắc, tai nạn cũng rất quan trọng. "Đừng đổ tội cho người tham gia giao thông ý thức kém. Ý thức của người dân không tệ chút nào, chỉ là hạ tầng hạn chế, đường quá chật, dẫn đến những bức xúc của người dân phải chen lấn để di chuyển", TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.

nhung van de nong nao doi bo truong gtvt nguyen van the tai chat van quoc hoi
Từ sự kiện 4 vụ tai nạn đường sắt trong vòng chưa đầy 1 tuần, nhiều chuyên gia mong muốn Bộ trưởng có những giải pháp nâng cấp đường sắt.

Đề nghị Bộ trưởng xử lý các tồn tại của BOT

Ông Bùi Danh Liên (Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội) mong muốn tại phiên chất vấn "tư lệnh ngành" giao thông sẽ trình bày những giải pháp điều chỉnh lại việc đầu tư hệ thống BOT. Bởi, việc đầu tư hạ tầng ồ ạt trong phát triển BOT đã gây bức xúc trong dư luận. Bộ GTVT từng có quan điểm từ hai đường trở lên mới được đặt trạm BOT. Đặt trạm phải phù hợp, đúng điểm, phí trả để qua trạm không được "trên trời"... Quan điểm này rất tốt nhưng thực tiễn triển khai không được bao nhiêu.

“Người dân mong muốn BOT phải phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế, dàn đều ra, không phải cùng lúc phát triển tất cả các trạm BOT, "móc túi tiền" của nhân dân. Chiến lược lâu dài là đầu tư hạ tầng để phát triển nhưng có lộ trình, không thể lấy lý do bảo vệ nhà đầu tư mà cùng một lúc tăng phí BOT. Cho nên mong rằng Bộ trưởng đi gần dân hơn để có được những giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư để phát triển, tạo nên sự đồng thuận xã hội”.

PGS.TS Bùi Công Minh, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị (trường ĐH Bách Khoa TPHCM) cho rằng, Bộ GTVT phải xử lý dứt điểm liên quan lùm xùm khái niệm “thu giá” hay “thu phí” của BOT. Ông Minh cho rằng vẫn nên gọi là trạm thu phí. Bởi việc đổi tên từ trạm thu phí sang thu giá không phù hợp, lạ lẫm và không thuận trong ngôn ngữ.

Với việc chuyển từ trạm thu phí sang trạm thu giá, Bộ GTVT đang “chơi chữ” với người dân, đây là điều khiến dư luận phản ứng. Cụm từ BOT đang rất nóng và nhạy cảm, vì thế Bộ GTVT đổi tên trạm thu phí khiến dư luận hoài nghi có lợi ích nào đó trong việc đổi tên này.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT, TS Bùi Công Minh mong Bộ trưởng có những giải trình về lĩnh vực giao thông thông minh. TS Minh bày tỏ, để tạo nên một đô thị đáng sống cần phải có hệ thống giao thông đô thị được quy hoạch và phát triển bền vững. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển giao thông thông minh như các phương thức vận tải hành khách công cộng nhanh, khối lượng lớn như xe buýt nhanh, đường sắt đô thị...

Theo ông Minh, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giao thông ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM khá rời rạc, chưa hỗ trợ được lẫn nhau trong việc giải quyết các vấn đề về trật tự an toàn giao thông. Bởi nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, kiến thức trong công tác quản lý và vận hành hệ thống giao thông thông minh hiện còn hạn chế, không thể đảm bảo cho việc phát triển bền vững của hệ thống giao thông thông minh ITS trong tương lai. Phải xây dựng hành lang pháp lý cho loại hình giao thông thông minh.

Vì vậy, Bộ GTVT cần có chiến lược xác định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý và điều hành giao thông, từng bước phát triển hệ thống giao thông thông minh, nhằm cải thiện tình hình giao thông trong thời gian tới là cấp thiết. Việc xây dựng phát triển hệ thống giao thông thông minh trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ GTVT đã đặt ra trong thời gian tới.

Chuyên gia Bùi Công Minh nói thêm: "Bộ trưởng cũng nên báo cáo về tình trạng xe dù bến cóc lộng hành. Tôi cho rằng, vấn đề này, các bộ, ngành, địa phương cùng Bộ GTVT vào cuộc ngăn chặn. Bộ GTVT nên thành lập tổ kiểm tra liên ngành để xử lý nghiêm tình trạng trên".

nhung van de nong nao doi bo truong gtvt nguyen van the tai chat van quoc hoi Đề xuất mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản ngoài Nhà nước

Mở rộng phạm vi đối tượng kê khai tài sản ngoài khu vực Nhà nước và xử lý tài sản không trung thực là những ...

nhung van de nong nao doi bo truong gtvt nguyen van the tai chat van quoc hoi Cần nghiêm cấm cán bộ dùng cụm từ \'rút kinh nghiệm\'

Liên tiếp các ngày 24, 26, 27/5 vừa qua ngành đường sắt đã lập nên một "kỳ tích" thảm họa cho xã hội là 4 ...

nhung van de nong nao doi bo truong gtvt nguyen van the tai chat van quoc hoi Trưởng ga Núi Thành và 3 nhân viên bị đình chỉ công tác

Để xảy ra vụ 2 tàu hỏa đối đầu nhau tại khu vực ga Núi Thành, trưởng ga và 3 nhân viên bị đình chỉ ...

nhung van de nong nao doi bo truong gtvt nguyen van the tai chat van quoc hoi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trực gác chắn lương thấp thì trách nhiệm sao cao được?

Trong cuộc họp bất thường tối qua, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo phải có chế độ chính sách đảm bảo cho ...

/ https://laodong.vn