Vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ buộc phải từ chức khi đang tại nhiệm – cố Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon lúc sinh thời từng nêu nhận xét về các cơ quan mật vụ quốc tế, với câu nói nổi tiếng: “Đứng đầu là Cơ quan tình báo Mossad, kế đến là KGB (Ủy ban An ninh Nhà nước Xôviết), còn tình báo Mỹ CIA chỉ đáng xếp hạng 3”.
Mossad là từ viết tắt của Viện Tình báo và Hoạt động đặc biệt, cơ quan trung ương về an ninh và phản gián của nhà nước Israel, cũng là tổ chức tình báo chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Thủ tướng Chính phủ. Mossad được người Do Thái ví như một huyền thoại; còn các thế lực thù nghịch gọi đó là “những kẻ đểu cáng do Chúa sinh ra”.
Trong gần 7 thập niên tồn tại của mình, cơ quan phản gián Mossad kỳ cựu đã để lại các dấu ấn khiến cộng đồng tình báo toàn cầu phải “hết sức khâm phục”, luôn được đánh giá là một tổ chức tình báo siêu hạng với những kỳ tích phi thường. Tuy nhiên bên cạnh đó là những thất bại “để đời” của Cơ quan Tình báo Mossad “siêu đẳng”, từng được báo giới Israel chính thức ghi nhận:
Ngày 6.10.1967, Liên quân Ai Cập và Syria bất ngờ tấn công Israel, khiến quân đội Do Thái không kịp trở tay… Trước đó vài ngày, bản thân Giám đốc Mossad Meir Amit (1921-2009), người được mệnh danh là “nhân viên tình báo Israel thành công nhất mọi thời” còn huênh hoang trên truyền hình, khẳng định về sự “an toàn tuyệt đối” của Nhà nước Israel và các vùng đất mới chiếm đóng.
Phù hiệu của Mossad (trái); Toàn cảnh tòa nhà trụ sở Mossad ở Tel Aviv nhìn từ trên cao.
Một thất bại nữa của Mossad là không phát hiện được nơi trú ẩn chính xác của nhà lãnh đạo Yasser Arafat (1929-2004) và Bộ Tham mưu của PLO trên đất Lebanon, khiến những oanh tạc cơ nhập khẩu đắt tiền như “dội bom vào chỗ không người”…
Một vụ tai tiếng điển hình của Mossad là vụ “Xe buýt tuyến 300”. Vào ngày 13-4-1984, 4 người gốc Ảrập đã bắt cóc chiếc xe buýt chở đầy khách mang số hiệu 300, nối thủ đô Tel Aviv với thành phố Ashkelon bên trong lãnh thổ Israel. Đội đặc nhiệm của quân đội Do Thái đã giải thoát các con tin, hạ sát 2 người Ảrập và giao 2 người còn sống cho Mossad. Sau đó 2 người này bị các nhân viên thuộc Mossad tra tấn đến chết trong tù, khiến công luận hết sức bất bình đòi viên Giám đốc Mossad khi ấy là Nahum Admoni phải từ chức…
Ngoài lĩnh vực tình báo đối ngoại ra, Mossad cũng được giao nhiệm vụ phối hợp bảo đảm an ninh trong các vùng lãnh thổ chiếm đóng tại bờ Tây sông Jordan và Dải Gaza, nhưng không làm sao trấn áp được các cuộc nổi dậy chống đối luôn xảy ra, nhất là trong các trại tạm cư của người Palestin và người Lebanon.
Riêng một phòng đặc biệt trực thuộc Mossad chuyên về tình báo khoa học và công nghệ là Lacham, cũng “gặt hái” được các thất bại ê chề. Tỉ như trong tháng 11-1985, sĩ quan Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) Jonathan Pollard bị tình cờ phát hiện, khi đang trao cho viên Trưởng chi nhánh Lacham, trong vỏ bọc nhà ngoại giao tại sứ quán Israel ở Washington trên 1.000 trang hồ sơ mật, thuộc tài liệu nội bộ của các tổ chức trọng yếu hàng đầu như Cục Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA), Cục Điều tra Liên bang (FBI)… cũng như tài liệu về các công nghệ phòng thủ mới do Chính phủ Mỹ đặc trách quản lý.
Điệp viên “2 mang” J. Pollard bị bắt giữ bên ngoài Đại sứ quán Israel ở Washington.
Quốc hội Hoa Kỳ coi vụ này là “sự phản bội lớn nhất của một đồng minh chủ chốt”. J. Pollard không phải là điệp viên 2 mang nhà nghề, mà chỉ là một kẻ hám tiền nên đã dễ dàng đầu hàng và cung khai tất cả. “Vụ Pollard” khiến Tổng thống Mỹ đương nhiệm Ronald Reagan (1911-2004) thuở ấy đã “tức điên lên”.
Một vụ thất bại chung cho cả Mossad là “Vụ Iran-Contra”, hay “Vụ Irangate” diễn ra trong giai đoạn từ năm 1985-1987. Người Do Thái đứng ra làm trung gian môi giới cho việc bán vũ khí bí mật của Mỹ cho Iran, bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc.
Mossad đã cung cấp cho quân của Giáo chủ Ruhollah Khomeini (1902-1989) những loại vũ khí chất lượng kém, khiến các nhân viên Mossad vớ bẫm qua các “phi vụ” này. Kết cục là Tehran làm um lên cho cả thế giới biết, lại “thêm một cái tát nữa mà Mossad giáng vào người bạn Mỹ vốn là đồng minh khăng khít” như lời bình luận của giới quan sát chính trị quốc tế am hiểu. Rồi “Vụ Dimona” rò rỉ những thông tin về cơ sở hạt nhân tuyệt mật của người Do Thái, trở thành “một thất bại ngay trong lòng Mossad”.
Mordechai Vanunu, một nhân viên kỹ thuật lâu năm tại nhà máy sản xuất bom hạch tâm ở Dimona, đã cung cấp 60 bức ảnh cho tờ tuần báo The Sunday Times phát hành ở London (Anh). Những tấm hình mà M. Vanunu bí mật chụp được, đã tố cáo âm mưu trở thành siêu cường hạt nhân của chính thể Israel hòng làm “bá chủ” khu vực Trung Đông.
GRU là gì, có phải một tổ chức tình báo ngầm mới của Nga?
GRU không nổi tiếng bằng những cái tên KGB hay FSB. Nhưng cơ quan tình báo quân sự Nga này đang thu hút ngày càng ... |
Những địa điểm đối đầu giữa tình báo Liên Xô và phương Tây giữa lòng Moskva
Thủ đô Moskva của Liên Xô từng là nơi chứng kiến nhiều duyên nợ giữa KGB và các cơ quan tình báo của Anh, Mỹ. |