Trong các dự án không hiệu quả của PVN, có những việc cơ quan bảo vệ pháp luật đang phải điều tra làm rõ, có những việc thanh tra đã làm và đã có kết luận...
Thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và cả trên các mạng thông tin xã hội có đưa một số thông tin về các dự án không hiệu quả của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) như:
Dự án Junin-2 ở Venezuela, Dự án lô 67 ở Peru; Nhà máy đóng tàu Dung Quất; các nhà máy sản xuất xăng sinh học ethanol ở Dung Quất, Bình Phước, Phú Thọ…
Hoặc những việc nhỏ hơn như cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, việc luân chuyển cán bộ…!
Trong số các dự án không hiệu quả này, có những việc cơ quan bảo vệ pháp luật đang phải điều tra làm rõ; có những việc thanh tra đã làm và đã có kết luận; và dĩ nhiên, cũng đã có cá nhân làm sai phải xử lý… Tuy nhiên, cũng có không ít việc do thiên hạ đồn thổi và suy diễn.
PVN đang tích cực triển khai các biện pháp xử lý tồn tại ở các dự án, đưa vào vận hành khai thác có hiệu quả.
Những thông tin “trái chiều” đó đã phần nào ảnh hưởng tới tâm tư tình cảm của người làm dầu khí. Bởi họ là người biết rõ nhất trong số các dự án “thua lỗ” này cái gì thuộc về nguyên nhân khách quan, cái gì thuộc về nguyên nhân chủ quan, cái gì là “dựng chuyện”, “suy diễn”.
Mấy ai biết rằng nghề thăm dò khai thác dầu khí là một nghề siêu lợi nhuận nhưng cũng siêu rủi ro. Một mũi khoan không thấy dầu là mất không hàng chục triệu đô la Mỹ, thậm chí cả trăm triệu nếu như khoan ngoài biển ở vùng nước sâu.
Ngành dầu khí không những phải chịu rủi ro trong khâu tìm kiếm, thăm dò mà còn phải chịu rủi ro về những biến động của chính trị, thời tiết hay thiên tai, chiến tranh rồi cả những rủi ro về giá cả và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tập đoàn khai thác dầu mỏ trên thế giới.
Một ví dụ điển hình là dự án Junin- 2 ở Venezuela.
Từ những năm đầu của thế kỷ 21, các chuyên gia của PVN đã tính toán và thấy rằng trữ lượng dầu của chúng ta không nhiều, chỉ đủ khai thác với một tốc độ vừa phải thì đến khoảng năm 2030 là hết.
Nghề thăm dò khai thác dầu khí là một nghề siêu lợi nhuận nhưng cũng siêu rủi ro.
Chính vì vậy, một chủ trương có tính chiến lược của PVN đã được Chính phủ, Bộ Chính trị đồng ý đó là đầu tư ra nước ngoài. Đầu tư ra nước ngoài nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất là cực kỳ khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực dầu khí. Bởi lẽ việc tìm kiếm thăm dò thì những chỗ nào “ngon ăn” là các tập đoàn danh tiếng trên thế giới đã chiếm hết, nên chúng ta phải tìm về những nơi khó khăn.
Một địa bàn trọng tâm, được chú ý vào lúc đó là Venezuela và Irac.
Ở Venezuela, do Chính phủ của Tổng thống Hugo Chávez có tình cảm đặc biệt với nhân dân Việt Nam nên việc đàm phàn tương đối thuận lợi. Có được sự thuận lợi này cũng là phải có các hoạt động ngoại giao ở cấp cao thì đến năm 2009 Tổng thống Hugo Chávez mới quyết định dành cho chúng ta lô Junin-2.
Lô Junin-2 nằm trong thung lũng dầu mỏ Colorado và có trữ lượng hơn 2 tỷ thùng. Dầu ở đây là loại dầu siêu nặng, để khai thác được đòi hỏi những công nghệ hiện đại và giá thành khai thác khá cao. Tính vào thời điểm đó thì khoảng trên 60USD/thùng trong khi giá dầu trên thế giới lúc đó đều ngất ngưởng trên 100USD/thùng. Thậm chí, một số quốc gia như Canada đã phải khởi động lại một số dự án khai thác dầu siêu nặng. PVN đã phải bỏ hàng trăm triệu USD vào lô Junin-2, vào việc tìm kiếm thăm dò và tiền cho nước chủ nhà.
Năm 2011, dầu được lấy lên, mọi việc tiến triển rất thuận lợi, không ai có thể ngờ được rằng khi Tổng thống Hugo Chávez qua đời thì tình hình chính trị, kinh tế của Venezuela lâm vào hỗn loạn, lạm phát tăng phi mã, chính trị bất ổn. Bên cạnh đó, yếu tố không thể không nhắc đến là giá dầu bắt đầu suy giảm một cách tiêu cực kể từ cuối năm 2014. Chính vì vậy mà dự án Junin-2 đã phải dừng lại. Bây giờ, người ta bảo rằng PVN đã “ném tiền qua cửa sổ”, rồi đã không lường trước được những biến động ở Venezuela, rồi quá tin vào ông Hugo Chávez. Đó thật là những suy nghĩ hồ đồ và thiếu hiểu biết! Thử hỏi giá dầu cứ khoảng 100 USD/thùng như trước, nền chính trị của Venezuela vẫn ổn định thì chắc chắn dòng dầu ở lô Junin-2 sẽ có hiệu quả vô cùng lớn. Và khi đó người ta sẽ lại tung hô rằng lãnh đạo PVN trước đây cũng như lãnh đạo Đảng, Nhà nước có “tầm nhìn xa trông rộng, quyết sách chính xác”.
Trong khai thác dầu khí, cái rủi ro của kẻ này đôi khi lại là cái may mắn của kẻ khác. Trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhiều tập đoàn đã mất hàng trăm triệu USD mà không kiếm được lít dầu nào như Total của Pháp, BP của Anh…
Hãng BP của Anh đã bỏ ra mất 9 năm và hơn 500 triệu USD để thăm dò ở mỏ Hải Thạch & Mộc Tinh nhưng cuối cùng họ đã phải “bỏ của chạy lấy người” và giao lại toàn bộ tài liệu cho PVN. Trên cơ sở tài liệu có được, PVN đã có những thăm dò chính xác và quyết tâm khai thác ở vùng mỏ này. Đến nay, dự án Biển Đông-01 khai thác khí và dầu ở mỏ Hải Thạch & Mộc Tinh đang là con gà đẻ trứng vàng cho PVN.
Hầu như chưa có một tập đoàn nào trên thế giới dám khai thác dầu khí ở một nơi có địa chất phức tạp như ở Hải Thạch & Mộc Tinh, việc chúng ta khai thác thành công ở đây đã đánh dấu bước tiến vượt bậc về trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản lý của người Việt. Hoặc một số mỏ khác như ở Đại Hùng, nhà đầu tư nước ngoài khai thác không có hiệu quả đã bán lại cho PVN với giá 1 USD, nhưng sau đó các chuyên gia tài giỏi của PVN đã tính toán lại và quyết định mở rộng mỏ, khoan thêm các giếng mới. Bây giờ, mỗi ngày dàn Đại Hùng - 01 cho hơn chục ngàn thùng dầu. Hay như ở lô Cá Voi Xanh, một số tập đoàn đã bỏ vào đây rất nhiều tiền của nhưng cũng không có hiệu quả, đến khi PVN thăm dò lại thì hóa ra nơi đây có một mỏ khí cực lớn.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ thì trong khoảng 30 năm qua, một số tập đoàn, công ty khai thác dầu khi nước ngoài đã tốn khoảng trên 4 tỷ USD để tìm kiếm thăm dò trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng đã mất trắng.
Khai thác dầu khí là vậy đó, may rủi luôn luôn liền kề nhau; trong đó yếu tố khoa học kỹ thuật, khả năng xử lý thông tin lại chiếm đến 70% thành công, 30% nữa là sự may mắn. Không có yếu tố may mắn thì trình độ khoa học công nghệ cao đến mấy cũng vứt.
Về ba dự án sản xuất xăng sinh học cũng vậy.
Với vị trí, vai trò là người mang “sứ mệnh tiên phong” về sản xuất xăng sinh học, được sự chỉ đạo của Chính phủ từ năm 2008, Tập đoàn đã dốc sức vào làm một loạt các nhà máy xăng sinh học nhằm góp phần bảo vệ môi trường, giảm tải khí thải và giúp người dân ở một số vùng sâu vùng xa xóa đói giảm nghèo.
Thời điểm này, sở dĩ Tập đoàn quyết liệt xây dựng các nhà máy sản xuất xăng sinh học cũng là vì Chính phủ đã có lộ trình đến năm 2012 bắt buộc sử dụng xăng sinh học ở 7 tỉnh thành phố lớn. Nhưng trong quá trình thực hiện cũng đã có những sự nóng vội, duy ý chí, sự tính toán chưa hợp lý dẫn đến tiến độ thi công kéo dài. Đặc biệt khi giá dầu suy giảm và khi có chủ trương thay đổi không bắt buộc mà khuyến khích sử dụng xăng sinh học vào năm 2012… thì các dự án ấy “chết luôn”.
Cụm mỏ Đại Hùng.
Báo chí nói nhiều về việc Nhà máy đóng tàu Dung Quất làm ăn thua lỗ và trút cái tội này cho PVN, thế nhưng không phải mấy người hiểu rằng đây là nhà máy mà PVN buộc phải nhận về từ Vinashin.
Trong những năm qua, Tập đoàn cũng đã cố gắng dồn công việc về cho nhà máy nhưng do lỗ lũy kế từ trước để lại quá nặng, giá dầu suy giảm khiến ngành dịch vụ dầu khí cũng giảm theo. Vì thế, công việc của Nhà máy đóng tàu Dung Quất cũng không hiệu quả.
Mấy ngày gần đây, lại có một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc mua bán than cung cấp cho Nhà máy Điện Vũng Áng là có nhiều khuất tất. Thậm chí, nhiều thông tin cho rằng PVN đã không báo cáo trung thực việc mua bán than của Công ty Hoành Sơn, như vậy là không đúng tinh thần của Chỉ thị 21.
Hình như các phóng viên viết các loại bài như vậy cũng không tìm hiểu kỹ càng về việc việc cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Thực chất thì sau khi nhà máy đi vào vận hành thương mại tháng 2/2015, để thống nhất quản lý các nhà máy điện, Tập đoàn đã giao cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành và khai thác nhà máy.
Đồng thời trước và sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ Công thương về việc thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 8/2015, PVN đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn cung ứng than cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 hoạt động an toàn, liên tục và hiệu quả như:
Ký hợp đồng nguyên tắc về mua than dài hạn với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam; chỉ đạo PV Power và Ban Quản lý Nhiệt điện Vũng Áng 1 đàm phán hợp đồng mua than từ Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam.
Tất cả những kế hoạch về việc mua bán than, Tập đoàn đều xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công thương và Chính phủ. Còn việc mua than của Công ty Hoành Sơn thì PVN cũng đã báo cáo cụ thể lên lãnh đạo Bộ Công Thương. Việc mua than của Công ty Hoành Sơn chỉ nhằm nâng cao tính dự phòng, đảm bảo nguồn cung cấp than ổn định cho hoạt động của nhà máy. Giá mua than của Công ty Hoành Sơn còn thấp hơn từ 3-5% so với mua của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam.
Cũng phải hiểu kỹ về Chỉ thị 21 của Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than ban hành ngày 26/8/2015 có một nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động của Tập đoàn. Đó là: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo PV Power, PVN mua than cho sản xuất điện từ nguồn than trong nước do Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc sản xuất.
Lại nữa, đã có những tờ báo trút sạch 12 dự án kém hiệu quả của Bộ Công Thương cho dầu khí mà họ không hiểu rằng trong 12 dự án này, PVN chỉ có 5 dự án.
Và hiện nay thì những dự án như dự án xơ sợi Đình Vũ, dự án sản xuất xăng sinh học ở Dung Quất, Nhiệt điện Thái Bình 2 đang được xử lý một cách rốt ráo và hoàn toàn đúng với tiến độ đã đề ra.
Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị tháng 7/2015 đã khẳng định những đóng góp to lớn của PVN và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt là Tập đoàn đã bảo vệ và phát triển được vốn của chủ sở hữu. Tiềm lực về cơ sở vật chất của PVN tăng gấp 7 lần so với thời điểm thành lập Tập đoàn năm 2006.
PVN cũng đã làm được một việc rất lớn là khép kín được toàn bộ chu trình tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí - tàng trữ - vận chuyển và chế biến dầu khí. Đây là một bước tiến vượt bậc của PVN. Tuy nhiên, Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đã nêu lên những nguyên nhân khách quan và chủ quan cũng như chỉ ra được những yếu kém và thiếu sót trong việc đầu tư của Tập đoàn dẫn đến việc một số dự án không có hiệu quả, thậm chí thua lỗ kéo dài.
Mới đây nhất, ngày 12/10/2017 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí đã nhấn mạnh ngành dầu khí có đóng góp vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và khẳng định sự tin tưởng của Chính phủ với Tập đoàn. Việc phản ánh các hoạt động cả mặt tích cực, và những gì chưa được của Tập đoàn dầu khí là cần thiết nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo tính khách quan, trung thực và chính xác.
Chúng ta cứ nói nhiều về đạo đức của người làm báo… và với nghề báo, quan trọng nhất là phải trung thực.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Khó nhưng không lùi bước!
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hơn 42 năm xây dựng và phát ... |
Ngành dầu khí đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu đánh giá tại buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào chiều 12/10. |