Nhiều BOT bán vé tháng không sòng phẳng: Lợi ích nhóm?

Việc thu vé như trên là có lợi ích nhóm, vi phạm pháp luật giúp chủ đầu tư hưởng lợi mấy lần trên lưng doanh nghiệp vận tải...

Có lợi ích nhóm

Ngày 13/11, phản ánh với Đất Việt, ông Đoàn Minh Thành - Giám đốc Công ty TNHH giao nhận vận tải Minh Thành bức xúc về thực trạng một số trạm thu phí BOT trên địa bàn TP.HCM không thực hiện đúng quy định, gây khó cho doanh nghiệp.

BOT Xa lộ Hà Nội được cho là gây bức xúc nhất. Ảnh minh họa

Cụ thể ông Thành cho biết, một số trạm thu phí Quốc lộ 1K, đoạn Bình Dương, Đồng Nai đã không thực hiện việc bán vé tháng mà chỉ bán vé lượt hoặc bán vé tháng không đúng theo quy định.

Theo ông Thành, bức xúc nhất là hai trạm thu phí Xa lộ Hà Nội, Phú Mỹ có phát hành vé tháng nhưng tính không đúng gây khó khăn, thiệt thòi cho doanh nghiệp.

"Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội là bức xúc nhất, trước đây chủ đầu tư đã đặt trạm sai vị trí, bây giờ, họ lại tiếp tục bán vé sai quy định, gây bức xúc, bất bình trong dư luận.

Tôi ví dụ, doanh nghiệp mua vé tháng từ ngày mùng 10 tháng này mà vẫn bị chủ đầu tư tính đủ 30 ngày thu tiền chứ không cấn trừ 10 ngày trước đó. Như vậy, đương nhiên doanh nghiệp đã bị thiệt 10 ngày đó", ông Thành bức xúc.

Chủ doanh nghiệp vận tải này chia sẻ, doanh nghiệp vận tải chạy ra đường đã phải chịu áp lực rất lớn từ đủ các loại thuế, phí, bây giờ còn phải chịu thua thiệt vì cách làm ăn không sòng phẳng của chủ đầu tư BOT nữa.

"Từ Quận 7, TP.HCM đi tới ngã 3 Vũng Tàu (khoảng 130km) nhưng có tới 3 trạm thu phí, giá phí mỗi lượt từ 120.000 -180.000 đồng/lượt. Như vậy, chưa tới 60km một trạm thu phí, cứ vậy làm sao doanh nghiệp sống cho được", ông Thành nói.

Theo đó, ông Thành cho rằng, nếu bán vé tháng thì ngày đi nhiều bù ngày đi ít, như vậy sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp rất nhiều.

Tương tự, ông Đỗ Xuân Phú - Giám đốc Công ty Cổ phần DVTM vận tải Minh Liên cũng chia sẻ, trạm thu phí Xa Lộ Hà Nội đang bán vé bất hợp lý, "ép khách" quá đáng.

Ông Phú nói thẳng, "có lợi ích nhóm" chi phối thì các chủ đầu tư mới dám ngang nhiên lộng hành như vậy.

"Tôi nói thẳng, việc thu vé như trên là có lợi ích nhóm, vi phạm pháp luật giúp chủ đầu tư hưởng lợi mấy lần trên lưng doanh nghiệp vận tải. Cần phải xử lý nghiêm", ông Phú nói.

Chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải Hành Khách LT - DL thành phố HCM, ông Lê Trung Tính cũng cho rằng các trạm thu phí phải tổ chức bán vé tháng cho các nhà xe để giảm bớt gánh nặng thuế, phí cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

"Việc ép buộc hoặc hạn chế các hình thức mua vé vận tải là cái dở của ngành dịch vụ vận tải đường bộ tại Việt Nam", ông Tính bức xúc.

Xử lý nghiêm

Bà Mai Châm - Văn phòng Hiệp hội vận tải TP.HCM cho biết, Hiệp hội đã có văn bản gửi tới Sở GTVT TP.HCM và yêu cầu đơn vị này vào cuộc xử lý.

Trao đổi thêm, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, Tổng Cục đường bộ (Bộ GTVT) là đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các đơn vị thu và báo cáo Bộ GTVT theo đúng quy định tại khoản 1 điều 1 thông tư 35/2016 TT-BGTVT ngày 25/11/2016.

Trên cơ sở đó, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu các chủ đầu tư gồm: Công ty cổ phần đầu tư cầu Mỹ Lợi, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1K, Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai phải thực hiện bán vé tháng theo quy định.

"Với vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn, Sở cũng đã mời những chủ đầu tư thuộc phạm vi quản lý của sở lên làm việc và yêu cầu các đơn vị này phải giải trình về cách thức hoạt động, thu vé gây bức xúc thời gian qua. Sau làm việc, đã có một số chủ đầu tư đã tự thay đổi cách làm.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một trạm thu phí trên đoạn QLl, đoạn tránh TP Biên Hòa, Đồng Nai vẫn chưa thực hiện theo chỉ đạo. Trạm thu phí này do Tổng cục đường bộ trực tiếp quản lý, không thuộc diện quản lý của Sở GTVT TP.HCM", ông Cường cho biết.

Trước câu hỏi: "Dư luận cho rằng có lợi ích nhóm chi phối, thao túng doanh nghiệp tự tung, tự tác? Trách nhiệm quản lý của Sở đối với những dự án trên thế nào?"

Ông Cường thừa nhận: "Đúng, nhưng còn phải xem xét các phương án thu phí chủ đầu tư trong phương án trình HĐND cụ thể như thế nào? Bao gồm cả hình thức thu phí, mức giá vé, thời gian thu phí... cần phải kiểm tra mới đánh giá được", ông Cường nói.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ cho biết đã cho rà soát toàn bộ các trạm BOT thuộc diện quản lý của đơn vị mình.

Theo đó, Tổng cục mới phát hiện có trạm BOT Quốc lộ 1K không thực hiện theo quy định, do đó, Tổng cục đã có chỉ đạo buộc chủ đầu tư phải bán vé tháng cho doanh nghiệp vận tải theo đúng quy định của pháp luật.

"Tôi khẳng định, chỉ có trạm BOT trên đường cao tốc mới được bán vé theo lượt, còn lại tất cả các trạm thu phí khác đều phải thực hiện bán vé tháng theo quy định", ông Huyện khẳng định.

Về trách nhiệm quản lý, ông Huyện cho rằng cần phải xem xét, đánh giá toàn diện, không thể động tí lại nói là có lợi ích nhóm, là buông lỏng quản lý được.

Vụ xe ùn ùn né trạm BOT: Quảng Trị phản đối giới hạn bán kính 5km

Quảng Trị không đồng ý yêu cầu giới hạn phạm vi đối tượng được giảm giá thu phí trong bán kính 5km quanh trạm.

Quốc hội yêu cầu rà soát toàn bộ các dự án BOT

Quốc hội yêu cầu thực hiện rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch ...

Những phương pháp thẩm mỹ khó phát hiện khi kiểm tra nhân trắc học

Theo bác sĩ Phương Ngọc, một số loại hình thẩm mỹ không thể phát hiện như tiêm botox, hút mỡ, nhấn mí bằng chỉ tự ...

(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nhieu-bot-ban-ve-thang-khong-song-phang-loi-ich-nhom-3347079/)

/ Theo Hoài An/Đất Việt