Liệu Bình Thuận có bảo đảm rằng lao động nước ngoài được tuyển là các chuyên gia Việt Nam không thể đào tạo được hay đó chỉ là lao động phổ thông?
Việt Nam thừa sức làm được
UBND tỉnh Bình Thuận vừa đồng ý cho Công ty TNHH Vận hành Kinh doanh Vĩnh Tân Điện lực Trung Quốc được tuyển 196 lao động nước ngoài để đáp ứng nhu cầu sử dụng của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.
Trước đó, công ty này đã đăng tuyển 196 lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển lao động nước ngoài để làm việc tại dự án nói trên.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Thuận, thông tin tuyển dụng này được giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong phạm vi cả nước để người dân biết và đăng ký.
Tuy nhiên, sau thời hạn quy định, công ty không tuyển được lao động Việt Nam vào các vị trí trên nên chuyển sang tuyển lao động nước ngoài.
Cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Tuổi trẻ |
Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia không tin rằng lao động Việt Nam lại không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
GS.TS Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho hay, Việt Nam hoàn toàn có khả năng cung cấp lao động cho nhà máy điện. Nếu cần, Việt Nam có thể chọn các cử nhân, đào tạo thêm và họ có thể làm việc rất tốt.
"Ngành điện không phải là một ngành mới cũng không phải là ngành khó, không phải là nghề đặc thù mà Việt Nam không đào tạo được.
Chẳng hạn, như trường Cao đằng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn hoàn toàn có thể cung cấp nhân lực cho các nhà máy nhiệt điện. Chỉ cần biết đơn vị sử dụng lao động yêu cầu thế nào, trường có thể đào tạo được, có nhiều giáo viên về chuyên môn này, không có gì khó khăn.
Mặt khác, ngoại ngữ cũng không phải là điều kiện khó khăn gì. Khi lao động có trình độ đai học rồi, chỉ cần đào tạo khóa ngoại ngữ từ 3-6 tháng là có thể nói được. Tiếng Anh, tiếng Trung hiện nay đào tạo rất dễ", GS.TS Phạm Phố nói.
Bởi thế, ông cho rằng, việc Công ty TNHH Vận hành Kinh doanh Vĩnh Tân Điện lực Trung Quốc lấy cớ không tuyển được lao động Việt Nam để đưa lao động nước ngoài vào là một chủ trương của họ.
Ông đặt câu hỏi: Những lao động nước ngoài họ tuyển liệu có phải là những chuyên gia thành thạo hay lao động kỹ thuật?
"Việt Nam đã có nhiều bài học về lao động Trung Quốc, mà hai nhà máy alumin ở Tây Nguyên là một ví dụ. Nhà thầu nói rằng đó là lao động kỹ thuật nhưng thực chất họ lại làm những công việc giản đơn của lao động phổ thông.
Đã có nhiều cảnh báo về việc lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam, lập nên các "phố Tàu", lấy vợ Việt Nam, sinh con đẻ cái rồi sống ở Việt Nam. Bởi thế, Việt Nam phải hết sức cảnh giác, không thể để họ đưa lao động Trung Quốc vào Việt Nam rồi sau đó coi như là việc đã rồi", GS.TS Phạm Phố chỉ rõ.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng khẳng định, lao động Việt Nam hoàn toàn đảm đương được các vị trí trong nhà máy nhiệt điện.
Ông phân tích: "Về trình độ ngoại ngữ, một dự án nhiệt điện trong quá trình xây dựng một vài năm nếu có chủ trương từ trước thì có thể đào tạo được.
Đối với trường hợp của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 lần này, nếu do điều kiện đặc biệt không đào tạo kịp thì nên rút kinh nghiệm để sau này đối với những dự án khác, việc đào tạo nguồn nhân lực cho dự án phải được tính đến ngay từ khi tiến hành khởi công xây dựng dự án.
Mặt khác, về công nghệ, lao động Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương được tất cả các trọng trách trong các nhà máy nhiệt điện".
Vị chuyên gia ngành điện cũng thẳng thắn bày tỏ, việc tuyển lao động nước ngoài nên hạn chế vì Việt Nam có thừa lao động kỹ thuật, nhiều nơi kỹ sư ra trường chưa tìm được việc làm.
"Nếu Bình Thuận không đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho nhà máy điện có thể thông báo rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng để người ở các tỉnh lân cận, thậm chí ở những miền rất xa cũng có thể đến, nếu lương bổng hợp lý.
Còn trường hợp đã đăng tuyển dụng rộng rãi trên cả nước mà nói là không tuyển được lao động Việt Nam, phải tuyển lao động nước ngoài thì tôi e rằng đó là lý do mà họ viện ra.
Về phía các bộ phận quản lý lao động của Việt Nam cần nghiên cứu kỹ xem gốc gác vấn đề ở chỗ nào? Có phải Nhiệt điện Vĩnh Tân đã thực sự thông báo rộng rãi nhưng người Việt Nam không muốn đến đó làm, hoặc do người Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn... Tất cả phải được làm rõ", GS.TSKH Trần Đình Long nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý, Việt Nam cần phải cảnh giác với việc nhiều nhà thầu, doanh nghiệp muốn đưa lao động Trung Quốc, thậm chí là lao động thô sơ vào Việt Nam làm việc rồi định cư. Đó và vấn đề xã hội phức tạp và Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm.
Địa phương được gì?
Theo GS.TS Phạm Phố, không loại trừ khả năng địa phương vì muốn tăng trưởng GDP khi nhà máy đi vào hoạt động nên có thể nương nhẹ đối với việc tuyển dụng lao động nước ngoài.
"Địa phương được lợi một phần nhưng quan trọng là họ có được "lại quả" từ việc này không? Đó là câu hỏi cần phải trả lời.
Tại sao có công ăn việc làm như thế lại không đào tạo người Việt Nam để đưa vào làm việc, mà lại tuyển lao động nước ngoài?
Phải kiểm tra những lao động nước ngoài đó có thực sự giỏi chuyên môn về điện hay những ngành khác mà Việt Nam có thể làm được hay không. Bao nhiêu người học kế toán, quản trị kinh doanh ra, bao nhiêu trường đào tạo về ngành điện, tại sao lại không tuyển để họ đưa lao động nước ngoài vào?
Liệu Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Thuận có đứng ra bảo đảm được rằng những lao động nước ngoài đưa vào Việt Nam là các chuyên gia, lao động kỹ thuật mà Việt Nam không thể đào tạo được hay đó chỉ là những lao động rất bình thường và VN hoàn toàn có thể cung cấp?
Tôi cho rằng, các cấp có thẩm quyền liên quan đến việc naỳ chưa nhìn thấy rõ nguy cơ. Đưa lao động Trung Quốc vào là một nguy cơ lớn, đưa nhiệt điện Trung Quốc về cũng là một nguy cơ ô nhiễm lớn", GS.TS Phạm Phố bày tỏ.