Tôn Quyền là ông vua duy nhất trong hơn 300 vị quân vương của lịch sử Trung Hoa được gọi là “Thiên cổ đại đế”. Ông nổi tiếng với biệt tài “dụng nhân” của mình, khiến một nhân vật cả đời tự phụ như Tào Tháo cũng phải kính cẩn nghiêng mình.
Thân thế
Tôn Quyền (182 – 252), tức Ngô Thái Tổ hay Ngô Đại Đế, tên tự là Trọng Mưu. Ông là người Phú Xuân, Ngô Quận (nay là Phú Dương, Chiết Giang). Ông là người xây dựng nước Ngô thời Tam Quốc. Cuối đời Đông Hán, sau khi cha Tôn Quyền là Tôn Kiên, anh trai ông là Tôn Sách đã chiếm cứ 6 quận Giang Đông làm căn cứ chống nhau giữa các phe phái quân phiệt. Tôn Kiên chết, không lâu sau Tôn Sách cũng bị kẻ có tư thù hành thích.
Tôn Quyền lên ngôi chúa khi còn trẻ. (Ảnh minh hoạ: Internet).
Tôn Quyền mới 18 tuổi đã nối nghiệp anh mình, trở thành người thống trị tối cao ở tỉnh Giang Đông. Do Tôn Quyền có tài, lại chú ý đoàn kết lực lượng các phe, nên nhanh chóng giành được uy vọng, khiến cục thế Đông Ngô ổn định trong thời loạn thế.
Tôn Quyền – anh hùng xuất thiếu niên
Tam Quốc Chí chép: Khi Tôn Sách dâng biểu lên triều đình xin phụng sự vua Hán, Hán Hiến đế cử sứ giả Lưu Uyển đến phong chức. Uyển giỏi xem tướng, khi gặp Quyền bèn nói với những người xung quanh rằng: “Ta thấy anh em họ Tôn đều có tài khác thường, nhưng vắn số yểu mệnh, chỉ có Tôn Quyền có quý tướng, hình dung kỳ vĩ, khí chất mạnh mẽ, tuổi thọ ắt sẽ cao. Các người hãy ghi nhớ lời ta nói hôm nay để sau này nghiệm xem".
Những giây phút cuối cùng của Tôn Sách, giao lại cơ nghiệp cho đứa em út của mình.
Lúc Tôn Sách sắp mất, gọi Tôn Quyền đến bảo rằng: “Gây dựng cơ nghiệp, quyết đoán được thua ở vài trận đánh, tranh giành thiên hạ, khanh không bằng ta. Chiêu hiền đãi sỹ, giữ gìn cơ nghiệp, ta không bằng khanh. Sau khi ta chết, khanh hãy khéo lo toan nhé.“
Tôn Quyền khi ấy cũng thấy thực lực của mình còn yếu, nội chính cũng chưa thực sự vững vàng nên đã lập tức đình chỉ tất cả các hoạt động khuếch trương quân sự, lấy ổn định chính trị làm điều cốt lõi, tích cực sửa sang nội chính và phát triển kinh tế xứ Giang Đông. Trong thời gian này, Quyền chiêu nạp được rất nhiều nhân tài, bao gồm cả những nhà chính trị lỗi lạc.
Từ năm Kiến An thứ 8 đến năm Kiến An thứ 12, Tôn Quyền chỉ có 2 lần dụng binh và lần sau đã đánh tan đội thuỷ binh nức tiếng Kinh Châu của Hoàng Tổ, báo cái thù giết cha, giải toả áp lực đáng kể từ phía Kinh Châu với Đông Ngô.
Có thể là một người không có nhiều nổi bật nhưng những phẩm chất mưu lược và tài năng của một quân vương thì không thiếu mặt nào. Với tố chất đặc biệt đó, Tôn Quyền đã gây dựng nên một Đông Ngô hùng mạnh. Tôn Quyền chiếm cứ Giang Đông đã qua 3 đời. Dân giàu nước mạnh, hiền tài vô số. Đông Ngô dưới trướng của Tôn Quyền rất hùng mạnh, xứng đáng là một chân đối xứng trong vạc 3 chân của thời Tam Quốc.
Thời kỳ Tam Quốc, một thời đại huy hoàng của các bậc anh hùng, trong đó Lưu Bị – Tào Tháo và Tồn Quyền là 3 cột trụ ‘chống trời’ thời đó!
Tính quả quyết của Tôn Quyền
Khi Tào Tháo khởi đại binh xuống chinh phạt Đông Ngô, các mưu sĩ Giang Đông họp bàn sôi nổi. Có người sợ uy lực Tào Tháo, đề nghị hàng Tào nhưng bị Lỗ Túc, Chu Du kiên quyết phản đối. Bản thân chính Tôn Quyền cũng vô cùng quyết đoán với ý định kết đồng minh với Lưu Bị và kháng Tào đến cùng. Ông rút gươm báu chém sạt một góc án thư, lớn tiếng nói: “Ai còn bàn đầu hàng Tào Tháo thì kết cục như cái án này!”. Kết quả trong trận Xích Bích, liên minh Tôn-Lưu đại thắng quân Tào, củng cố nền thống trị của Tôn Quyền ở Giang Đông.
Mùa hạ năm 219, Tôn Quyền thừa lúc Quan Vũ dốc quân Kinh Châu đánh Tào Nguỵ ở phía Bắc giành được thắng lợi nhỏ nhặt, phái Lã Mông dẫn 2 vạn quân kéo đến đánh lấy Kinh Châu.
Lã Mông là một danh tướng cuối đời Đông Hán, dưới trướng họ Tôn. (Ảnh: Internet).
Năm 230, Tôn Quyền phái đội thuyền người, do tướng quân Vệ Ôn và Gia Cát Trực suất lĩnh ra biển, đến Di Châu (nay là Đài Loan). Đó là sự ghi chép sớm nhất, minh xác nhất trong văn hiến hiện có liên quan đến việc qua lại giữa Trung Hoa đại lục và Đài Loan ngày nay.
Nói về ngoại giao, Tôn Quyền quả thực là một nhà chính trị xuất sắc. Ông kết hợp nhuần nhuyễn các quyết sách với ý tướng, lòng dân. Ông xử lý nhuần nguyễn cái riêng lồng trong cái chung. Ví như trong việc gả em gái mình cho Lưu Bị, ý của ông rất rõ.
Lưu Bị làm rể nhà Đông Ngô, thắt chặt mối quan hệ giữa 2 bên.
Thời gian đó, vợ cả của Lưu Bị là Cam phu nhân mới mất, để thắt chặt thêm quan hệ hai bên nhằm củng cố liên minh Tôn-Lưu, nâng thêm một tầm cao nữa, chủ trương của Túc là cuộc hôn nhân giữa Lưu Bị và em gái Tôn Quyền. Quyền đem ý này của Túc trao đổi với Thái phu nhân (mẹ kế Quyền) và hảo sự này được Thái phu nhân chấp thuận. Cuộc hôn nhân chính trị này thành công mỹ mãn.
Bí mật “vũ khí tất thắng” của Tôn Quyền
Tôn Quyền biết phát hiện nhân tài chỉ bằng một lần tiếp xúc hoặc nhìn họ điều binh như Lữ Mông, biết dung hòa giữa những tướng tài với nhau để họ đồng lòng cùng làm việc, biết lắng nghe thuộc hạ và quyết định đúng đắn trong những giây phút dầu sôi lửa bỏng. Biệt tài dùng người chính là vũ khí “tất thắng” của Tôn Quyền. Điều này thể hiện ở việc ông đề bạt Lữ Mông hay Lục Tốn; phái Gia Cát Cẩn sang Thục cầu hòa…
Về sau, Lữ Mông trở thành đại tướng anh dũng thiện chiến, vang danh thiên hạ với chiến dịch tập kích “Bạch y độ giang” đánh bại Quan Vũ, đoạt lại Kinh Châu về cho Đông Ngô. Chuyện kể rằng, danh tướng Lữ Mông vốn dĩ chỉ là một “sĩ quan quèn”. Một lần Tôn Quyền duyệt binh, trông thấy Lữ Mông chỉ huy một nhóm lính “bộ pháp chỉnh tề, tinh thần phấn chấn”. Tôn Quyền rất hài lòng, bèn phá cách đề bạt Lữ Mông.
Sau trận “bạch y độ giang”, lấy lại Kinh Châu cho Đông Ngô, Lã Mông trở thành viên tướng xuất sắc của nhà họ Tôn thời bấy giờ, vang danh thiên hạ. (Ảnh: Internet).
Hay chuyện sử dụng Lục Tốn cũng thể hiện tài dụng nhân của Tôn Quyền. Danh tướng Lục Tốn của Ngô ban đầu cũng chỉ là một thư sinh, không có công tích gì. Sau khi đại quân Thục – Ngô khai chiến, được Lữ Mông tiến cử, Tôn Quyền lập tức giao đại quyền vào tay Tốn.
Khả năng dụng nhân bậc thầy của Tôn Quyền, biến một gã ‘thư sinh’ không tên tuổi, trở thành một vị danh tướng sau khi đánh lui 70 vạn đại quân Lưu Bị, giải nguy mối hoạ mất nước cho Đông Ngô.
Không phụ sự kỳ vọng của Quyền, Lục Tốn đã đánh tan 70 vạn đại quân Lưu Bị (đến trả thù cho 2 nghĩa đệ của mình là Quan Vũ và Trương Phi) trong trận Di Lăng. Hai bên giằng co 7, 8 tháng. Lục Tốn dùng chiến thuật “Thành cao hào sâu”, không chịu ra đấu, dùng hoả công đánh quân Thục ở Di Lăng, giành được đại thắng. Qua việc sử dụng những tướng như Chu Du, Lục Tốn, Cam Ninh, Chu Thái… phản ánh tài dùng người của Tôn Quyền.
Cũng nhờ sự phá cách trong phương pháp dùng người của Tôn Quyền, mà thời kỳ cai trị của ông được đánh giá là “nhân tài như mây”, không rơi vào tình trạng người tài không có đất dụng võ như Thục Hán giai đoạn suy vong.
Nhưng cái nể trọng với Tôn Trọng Mưu chính là chữ hiếu và chữ tình. Ông là người có trước, có sau, luôn thực sự bày tỏ lòng mình, điểm này khác hẳn sự gian trá của Tào Tháo. Nhớ về lúc nghe tin Chu Du mất, Quyền rất đau buồn, vừa khóc vừa nói với trăm quan: “Công Cẩn mất đi, ta mất một hiền tài lương tướng, sau này biết dựa vào ai?”.
Câu nói lúc đó, người đọc chưa đánh giá gì vì nó giống như câu nói vốn dĩ của người cầm quân. Nhưng mãi sau này đã lên ngôi Hoàng đế, mỗi khi nhớ lại trận Xích Bích, Tôn Quyền vẫn thường nói với người xung quanh rằng: “Nếu không có Chu Công Cẩn, làm sao ta có ngôi vị Hoàng đế này?”.
Tôn Quyền khóc tiễn đưa Chu Du về nơi cửu tuyền.
Tài năng chính trị của ông thậm chí Tào Tháo cũng phải khen ngợi. Ngay cả Tôn Sách (anh của Tôn Quyền) là một dũng tướng nhưng cũng không hề được Tào Tháo xem trọng như khi nói về Tôn Quyền: “Hổ phụ sinh lân nhi, sinh con nên như Tôn Trọng Mưu”. Câu nói nổi tiếng lịch sử ấy thốt ra khi Tào Tháo đối đầu với Tôn Quyền ở Hợp Phì, nhìn cách bày binh bố trận của quân Ngô.
Khi luận anh hùng với Lưu Bị, Tháo coi đám quần hùng thiên hạ như đám tiểu nhân, chỉ nhận riêng có Lưu Bị và… chính mình là anh hùng. Thế mà bấy giờ phải thốt lên câu cảm khái kia thì Tôn Quyền thực xứng danh anh hùng vậy.
Tam quốc diễn nghĩa: Bát trận đồ của Khổng Minh lợi hại tới đâu?
Bát trận đồ vốn không phải là sáng chế của riêng Gia Cát Lượng. Từ thời cổ đại, người ta đã biết bày binh bố ... |
Tam quốc diễn nghĩa: Chỉ bởi một chữ này, Tào Tháo muôn đời xếp sau Lưu Bị
Sinh thời, Lưu Bị và Tào Tháo là những người đứng trên hai đầu chiến tuyến, cùng nhau tranh giành thiên hạ.Vậy nhưng, ngay cả ... |
10 tình tiết kinh điển Tam Quốc (Phần 2): 100 quân kỵ cướp doanh Tào
Trận đánh Tiêu Diêu, chuyện Cam Ninh mang 100 quân kỵ đột phá doanh trại quân Tào, Gia Cát Lượng 6 lần cất phinh chinh ... |