Ở tuổi 90, ông Kim Yong-nam hiện là chính khách gạo cội nhất của Triều Tiên khi từng làm việc cho cả ba đời lãnh đạo đất nước, từ thời ông Kim Nhật Thành cho đến ông Kim Jong-un.
Ông Kim Yong-nam từng gặp Tổng thống Nga Putin vào năm 2014. |
Ông Kim Yong-nam, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội) Triều Tiên sẽ là quan chức dẫn đầu phái đoàn 22 thành viên, đến thăm Hàn Quốc ba ngày trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang từ 9-25/2.
Chuyến đi hiếm hoi của một quan chức quyền lực nhất nhì Bình Nhưỡng đến Hàn Quốc được giới quan sát kỳ vọng sẽ mang lại yếu tố tích cực cho các cuộc đàm phán liên Triều, theo Straits Times.
Hãng tin KCNA của Triều Tiên hôm 5/2 khẳng định, ông Kim sẽ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội vào ngày 9/2 tại thị trấn Pyeongchang. Đặc biệt hơn, buổi lễ còn có sự tham dự của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các nhà lãnh đạo thế giới khác.
Ông Kim Yong-nam là ai?
Ở tuổi 90, ông Kim Yong-nam là chính khách gạo cội nhất của Triều Tiên khi từng làm việc qua ba đời lãnh đạo, từ thời ông Kim Nhật Thành cho đến ông Kim Jong-un.
Trong vai trò người đứng đầu Quốc hội, ông Kim thường chịu trách nhiệm cho các hoạt động ngoại giao mang tính nghi thức Nhà nước như gửi điện chia buồn hoặc điện chúc mừng tới các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Không giống như nhà lãnh đạo hiện nay là Kim Jong-un – người chưa từng ra nước ngoài kể từ khi nắm quyền chính thức - ông Kim Yong-nam thường có các chuyến công du ra ngoài biên giới Triều Tiên.
Vào tháng 8/2017, ông có chuyến đi đến Iran để chúc mừng lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Hassan Rouhani.
Ông cũng đến tham dự lễ khai mạc Thế vận hội 2008 ở Bắc Kinh và Thế vận hội mùa Đông ở Sochi, Nga vào năm 2014.
Ông Kim được biết đến là nhân vật uy tín và trung thành. Với kinh nghiệm chính trị dày dạn, nhân vật này được các đời lãnh đạo Triều Tiên tin tưởng và tiếp tục được giao phó nhiệm vụ trong nhiều năm, theo Yonhap.
Với chuyến thăm lần này tới Hàn Quốc, ông Kim Yong-nam sẽ là quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên kể từ năm 2014 có chuyến đi sang phía bên kia khu phi quân sự chia cắt bán đảo.
Kỳ vọng tan băng
Thế vận hội mùa đông được xem là cơ hội làm ấm lên quan hệ liên Triều (Ảnh minh họa) |
Chuyến đi của ông Kim sẽ là tâm điểm ngoại giao thu hút sự chú ý của thế giới, giữa thời điểm hai nước muốn xích lại gần nhau hơn nhờ một sự kiện thể thao ở Pyeongchang.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng cảnh báo mối quan hệ nồng ấm này có thể sẽ không kéo dài.
Một quan chức giấu tên thuộc phủ Tổng thống của Hàn Quốc nói với BBC, họ tin chuyến thăm của ông Kim phản ánh sự sẵn sàng từ phía Triều Tiên trong cải thiện quan hệ liên Triều và chứng minh sự chân thành của miền Bắc.
Seoul cho biết, nước này sẽ tìm kiếm các cuộc đàm phán cấp cao với phái đoàn Triều Tiên trong chuyến thăm vài ngày tới.
Trước đó đã có những suy đoán về việc ai sẽ dẫn đoàn Triều Tiên đến Hàn Quốc tham dự vào tiến trình “ngoại giao thể thao” ở Pyeongchang.
Một số nhà phân tích đề cập tới Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Choe Ryong-hae, người được coi là cánh tay phải của ông Kim Jong-un, hoặc người em gái của nhà lãnh đạo này là Kim Yo-jong.
Mặc dù được kỳ vọng sẽ mang lại những tín hiệu tích cực mới, một số nhà quan sát lại tỏ ra thận trọng trước chuyến thăm của ông Kim Yong-nam sẽ chỉ mang lại thành công hạn chế về mặt ngoại giao.
“Kim chỉ là nhân vật phụ trách các hoạt động mang tính nghi thức Nhà nước, vì vậy về cơ bản Triều Tiên nghĩ rằng không có triển vọng cho các cuộc đàm phán quan trọng diễn ra”, Go Myong-hyun, học giả từ Viện Asan tại Seoul cho biết. “Nhưng Bình Nhưỡng muốn tạo ấn tượng với Hàn Quốc rằng họ rất chú trọng đến sự kiện ở Pyeongchang”.
Tuy nhiên, nếu Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Kim Yong-nam gặp Phó Tổng thống Mike Pence, đây sẽ là một trong những cuộc họp cấp cao nhất giữa đoàn đại biểu Triều Tiên và Mỹ trong lịch sử.
Trước đó nhiều năm, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã gặp cố lãnh đạo Kim Nhật Thành vào năm 1994 khi là phái viên đặc biệt của chính quyền Clinton và sau đó Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright từng có cuộc hội kiến cố lãnh đạo Kim Jong-il - cha của nhà lãnh đạo Kim Jong-un - trong năm 2000.
Trong nỗ lực làm ấm lại quan hệ lần này, một đội hockey nữ gồm các thành viên đến từ cả Hàn Quốc và Triều Tiên đã được thành lập.
Vận động viên hai miền sẽ cùng diễu hành dưới lá cờ chung đại diện cho bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Moon Jae-in hy vọng sự kiện thể thao mà ông gọi là “Thế vận hội Hòa bình” sẽ cung cấp nền tảng cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế.
Triều Tiên bị nghi rải truyền đơn sang Hàn Quốc trước Olympic
Truyền đơn bị nghi là từ Triều Tiên được tìm thấy trên các dãy núi ở Seoul, Hàn Quốc, không lâu trước khi thế vận ... |
Triều Tiên muốn đưa nghệ sĩ đến Hàn Quốc dự Olympic bằng phà
Một đoàn nghệ sĩ Triều Tiên nhiều khả năng sẽ đi phà đến Hàn Quốc tuần này để biểu diễn tại sự kiện Thế vận ... |
Sứ mệnh ông chủ Lầu Năm Góc: Ngăn Trump chiến tranh với Triều Tiên
Bắt đầu năm thứ hai trong chính quyền Trump, có lẽ nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis là ngăn ... |