Trong những mảng ký ức khiến nhạc sĩ Trần Tiến day dứt nhất, luôn có một phần kỷ niệm với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người bạn lớn trong cuộc đời ông.
Bức ảnh hiếm hoi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Trần Tiến.
Nếu hỏi nhạc sĩ Trần Tiến về những kỷ niệm với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông thường im lặng. Dường như ông không muốn khoe khoang điều đó mà giữ cho riêng mình.
Ông cho rằng, kỷ niệm nằm ở trong tim đã đủ ấm áp rồi, cần gì phải nói ra. Nhưng dường như nhạc sĩ vui hơn khi có ai đó hỏi han về người bạn lớn. Hoặc ông day dứt. Hai ngày sau, nhạc sĩ Trần Tiến gửi cho tôi hình chụp một bài báo cách đây gần 20 năm. Bài báo do chính ông viết. Trang giấy vàng ố, hình Trần Tiến chụp cùng Trịnh Công Sơn khi ông còn rất trẻ, chứng tỏ bức ảnh đã được chụp từ rất lâu. Nhưng kỷ niệm dường như vẫn còn nguyên vẹn trong tim ông. Nguyên vẹn bởi sự nâng niu của người đang sống.
Nhạc sĩ Trần Tiến kể, tháng 5.1976, nhà thơ Phạm Tiến Duật rủ ông đến nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ấn tượng về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngày đó là một người đàn ông bận đồ nhà chùa, dáng điệu thanh tịnh, làm ông bỗng tò mò.
Cả Sài Gòn lúc đó ai cũng biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vì ông là thần tượng của trí thức và một thế hệ trẻ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lấy rượu mời nhạc sĩ Trần Tiến và nhà thơ Phạm Tiến Duật.
"Anh mời bọn tôi vài ly là tôi đã say và buồn ngủ. Lính ở trong rừng mà, lấy đâu ra rượu. Anh dìu tôi lên phòng và vặn nhạc của anh cho tôi nghe. Tôi ngủ một mạch. Thấy tiếng nhạc suốt đêm, tưởng tôi nghe hết. Sáng sau anh hỏi: “Có thích bài nào không?”. Tôi nói: “Anh có cái máy nghe nhạc tân kỳ quá, em chẳng biết tắt bằng cái nút nào”. Anh cười thật hiền", nhạc sĩ Trần Tiến kể.
Hồi đó, nhạc sĩ Trần Tiến rất mê viết giao hưởng. Trong một lá thư viết thăm ông (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất chăm chỉ viết thư thăm hỏi bạn bè), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Tiến à, mình không nghĩ rằng một bản giao hưởng tồi lại có thể ví được với một câu hò hay”.
Lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu cay của người bạn lớn khiến ông bừng tỉnh. Từ đó, nhạc sĩ Trần Tiến dành thời gian nhiều hơn để viết những bản du ca mộc mạc, gần gũi với cuộc sống, con người.
Nhạc sĩ Trần Tiến nhắc lại kỷ niệm: "Một lần, tôi viết thư báo tin anh Sơn, xe chở tôi và đoàn ca nhạc từ Hà Nội sẽ đi qua cầu Tràng Tiền – Huế vào buổi trưa. Chiều tối, xe mới tới. Anh và mấy người bạn thân vẫn ngồi đợi đầu cầu chờ, cùng một gánh phở và một gánh hoa. Cả đoàn ca nhạc muốn khóc.
Thuở mới vào Sài Gòn, nhạc sĩ Trần Tiến rất nghèo. Ông nhớ lại: "Anh Tịnh, em anh Sơn, một hôm nhặt được tôi ngủ ngoài công viên Tao Đàn, mặt mũi hốc hác, xanh xao vì đói và mất ngủ, bèn trách tôi: “Sao Tiến bỏ nhà mình đi cả tháng nay không về, má và anh Sơn buồn lắm”. Đưa tôi về nhà chị họ, (nơi tôi trú ngụ cho đến nay), giao cho chị xong, anh Sơn mới nói với tôi: “Mình biết Tiến rất tự trọng, không ở nhà mình, không ở nhà chị, mặc dù họ hàng rất giàu có. Nhưng Tiến không biết một điều: “Ở đời, nếu Tiến không biết hàm ơn thì làm sao trả ơn cuộc đời bằng những ca khúc của mình”.
"Tôi thường nhớ câu nói cửa miệng của anh: “Ui chao, tội thiệt” khi ai đó gặp hoàn cảnh. Và khi anh bị người ta chơi xấu, anh chỉ nói gọn: “Thôi kệ!”, tác giả "Sắc màu" nhớ lại.
Nhạc sĩ Trần Tiến cho rằng mình rất tệ khi ít đến thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ông còn sống. "Cả khi anh đi rồi. Nhưng lần nào đến nhậu với anh hay ra mộ thắp nhang cho anh, tôi thường bắt gặp người con gái trẻ ấy. Khuôn mặt nhẹ nhàng, thật xa vắng, và …cũng buồn như những khúc ca của anh”, ông nói.
Lệ Quyên hát nhạc Trịnh: Khác lạ đến thảm họa?
Lệ Quyên từng thành công với nhạc Bolero. Nhưng khi chuyển sang hát nhạc Trịnh, nữ ca sĩ lộ rõ yếu điểm khi hát cường ... |
Lệ Quyên: \'Đây là thời điểm tôi hát nhạc Trịnh hay nhất\'
Trên sân khấu đêm nhạc tại Hà Nội, Lệ Quyên cho biết sau 20 năm ca hát, cô nhận thấy năm 2018 là thời điểm ... |