Tổ tư vấn tâm lý sẽ giúp học sinh phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp khi gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập, cuộc sống.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thông tư hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Theo quy định, nhà trường phải có tổ tư vấn để hỗ trợ và can thiệp giúp đỡ khi học sinh gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập, cuộc sống.
Học sinh sẽ được tư vấn về tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên; giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện...
Các em cũng được tư vấn để tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác. Những kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp (tùy theo cấp học) cũng sẽ được tổ tư vấn tham vấn.
Trường hợp học sinh bị rối loạn tâm lý, nằm ngoài khả năng tư vấn của nhà trường, tổ tư vấn sẽ giới thiệu, hỗ trợ đưa đến chuyên gia điều trị.
Các học sinh sẽ được tư vấn tâm lý ngay tại trường học. Ảnh minh họa.
Có nhiều hình thức tư vấn cho học sinh, nhà trường có thể áp dụng như: xây dựng chuyên đề về tư vấn tâm lý và bố trí thành bài giảng riêng, hoặc lồng ghép trong tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ; dạy tích hợp nội dung tư vấn tâm lý trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, giáo dục ngoài giờ lên lớp. Nhà trường cũng có thể tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ về chủ đề liên quan đến nội dung cần tư vấn...
Công tác tham vấn, tư vấn có thể thực hiện với từng cá nhân hoặc theo nhóm, trực tiếp tại phòng tư vấn hoặc trực tuyến qua mạng nội bộ, email… Tuy nhiên, Bộ quy định, "nhà trường phải bố trí phòng tư vấn tâm lý riêng để đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cập và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn".
Tổ tư vấn tâm lý của các trường có đại diện lãnh đạo nhà trường làm tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội.
"Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải có kinh nghiệm và được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý (có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ Giáo dục ban hành). Giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý được hưởng định mức giảm tiết dạy theo quy định của Bộ", công văn nêu rõ.
Trước đó từ đầu năm học 2017-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu triển khai mô hình phòng tham vấn học đường trong tất cả trường phổ thông trên địa bàn. Tuy nhiên nhiều trường học, phòng giáo dục lo lắng việc sử dụng giáo viên kiêm nhiệm trong khi thầy cô đều thiếu chuyên môn tư vấn tâm lý lại quá tải vì giảng dạy, sẽ khiến công tác này kém hiệu quả. Việc bố trí một phòng hoặc khu vực riêng để phục vụ việc tư vấn cũng là khó khăn, nhất là với các trường vốn thiếu phòng học, học sinh phải học 2 ca.
Hàng loạt học sinh Đắk Lắk đột nhiên nói nhảm, đòi nhảy xuống suối
Các nữ sinh không kiểm soát được ý thức, nói nhảm, quậy phá, đòi nhảy xuống suối... |
Vào lớp 10 căng thẳng hơn thi đại học
Hà Nội chỉ đảm bảo được 60% học sinh vào lớp 10 trường công lập, do đó, tỷ lệ "chọi" sẽ cao hơn hẳn mọi ... |