Nhân ngày Xuân, bàn về vai trò người mẹ trong nếp nhà, trong văn hóa dân tộc cũng là một điều đáng để tâm; nhất là trong bối cảnh không gian sinh tồn của chúng ta cứ bị kéo ra khỏi quê hương bản quán, do công việc, do mưu cầu sự sống…
Tôi may mắn được là học trò GS Nguyễn Khắc Phi, là đồng nghiệp của nhà văn Nguyễn Khắc Phi. Họ đều là con của cụ Nguyễn Khắc Niêm (1889 – 1954), và là em của BS Nguyễn Khắc Viện. Năm 19 tuổi, cụ Niêm đỗ Hoàng giáp, được dự ngự yến.
Cụ Đoàn Thị Viên. Ảnh: T.L |
Cụ Niêm làm quan đến Án sát rồi Bố chánh Nghệ An; Phủ doãn phủ Thừa Thiên. Cụ không ưa Pháp và Pháp cũng không thích cụ, nên xin nghỉ hưu sớm, năm 1942, khi mới 53 tuổi. Theo nhà văn Sơn Tùng, cụ Niêm nổi tiếng thanh liêm, ủng hộ những người cách mạng, đã từng ngầm trao mật gấu cho người tù chính trị bị tra tấn rồi nới lỏng cho trốn đi; năm 1945, cụ được mời làm ủy viên Liên Việt khu 4.
Làm quan thì dẫu thanh liêm cũng có thể tậu ruộng, xây nhà cao cửa rộng. Nhưng bằng chứng về mặt thanh liêm là cụ không biết trong nhà có bao nhiêu tiền. Năm 1945, nhân Tuần lễ vàng, tại cơ quan huyện, cụ được gợi ý quyên góp vàng cho kháng chiến và cụ đã xung phong hiến 20 lượng vàng.
Cụ bà kêu giời: Ối ông ơi, ông có biết một lượng vàng là bao nhiêu mà xin hiến hai mươi lượng? Rồi cụ vét nhẵn đồ trang sức của mình, tiền tích cóp cũng chỉ được vài lượng. Nhưng nhời hứa của chồng là gia lệnh tối nghiêm, là gia sỉ với dân nước. Cụ phải bán gần hết số ruộng, rồi vay mượn thân nhân đằng ngoại mới đủ số vàng đưa cụ ông đi quyên góp.
Đó là cụ Đoàn Thị Viên (1902 – 1986), kế thất của cụ Niêm. Vợ cả cụ Niêm là Nguyễn Thị Cán, sinh 7 lần, nuôi được 6 người con, BS Nguyễn Khắc Viện là trưởng nam, con thứ ba. Năm 1922, cụ Cán mất, cụ Niêm lấy cụ Đoàn Thị Viên và họ sinh được 9 người con. Điều rất lạ là năm 1954 – 1956, gia cảnh cụ Viên lâm vào thế ngặt nghèo, oan khốc và đói khát nhưng đàn con khác mẹ của cụ thì đã cố kết quanh “mự” mà qua cơn bĩ cực. Các con khác mẹ của cụ, ngoài những người đã trưởng thành tham gia kháng chiến như Nguyễn Thị Vàng, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Dương (trưởng nam của cụ) hơn mười người còn lại đã mỗi người mỗi việc, mò cua bắt ốc, cấy thuê gặt mướn, cô gái út 7 tuổi thì đi bán trứng luộc ngày đêm ngoài Ga Vinh, nhưng tất cả đều quấn túm bên mẹ hai mà nuôi nhau. GS Nguyễn Khắc Dương kể:
“ Mẹ tôi rất tiết kiệm, đôi khi hơi thái quá. Sau này chúng tôi nhắc lại thời thơ ấu, có ý phê bình bà cụ. Bà cụ bảo: “Ai lại không muốn ăn ngon mặc đẹp. Nhưng, ngay từ lúc đầu về với thầy, thầy bảo rằng: ‘Bà là nội tướng, bà liệu làm sao cho vừa với đồng tiền lương chứ tôi không có bổng lộc gì khác đâu. Một số quan lại tham nhũng phần lớn là do người vợ không biết cần kiệm. Tôi có giữ được thanh liêm, phần lớn là nhờ bà”. Vì vậy mự lo lắng lắm: phải chi tiêu có chừng mực, con thì đông, việc họ việc làng, còn phòng khi đau ốm nữa, chứ đâu phải keo kiệt gì”.
Mự ở Vinh. Ảnh: T.L |
BS Nguyễn Khắc Viện nói về mẹ kế:
“…Mẹ kế tôi cũng là mẫu người của xã hội xưa, không được đi học, sau này chúng tôi mới dạy bà chữ quốc ngữ, nhưng thực chất bà cũng có một trình độ văn hóa nhất định. Vốn xuất thân từ gia đình nhà Nho, từ bé đến lớn nghe các bác, các chú, các anh học hành, thành ra bà thuộc lòng khá nhiều văn thơ. Đặc biệt là Truyện Kiều, bà nhớ không sót một câu nào. Kể cả văn thơ chữ Hán, bà cũng thuộc nhiều. Có lần, khi có dịch thổ tả, bà con nhờ thầy tôi chép lại bài Chính khí ca để dán lên nhà. Thầy tôi không có bản gốc, mà cũng quên, thế là mự tôi đọc cho ông chép lại cả bài….”
Từ ngày về hẳn quê ở (1942), gương cần kiệm của cụ lại còn tác động tốt tới con cái về những mặt khác. Cụ còn cùng bà con nông dân bửa cau, phơi thóc, cuốc cỏ. Cụ vẫn làm đủ loại bánh trái theo kiểu Huế, nhưng cụ còn trực tiếp làm tương, muối cà thành thạo theo kiểu Nghệ. Cụ trực tiếp nuôi tằm, trực tiếp may lấy hầu hết quần áo cho các con. Đặc biệt vườn trầu do cụ trực tiếp trồng, chăm sóc có lẽ là vườn trầu đẹp nhất huyện Hương Sơn. Có một người mẹ như thế, đàn con, dù là con nhà quan mới bước từ thành thị về, làm sao có thể lười biếng xa hoa được, làm sao có thể sống tách biệt với bà con dân làng được? Nhiều vườn ruộng, nhưng cụ chỉ thuê duy nhất một tá điền, giúp việc là Nguyễn Đình Trung, gọi là con nuôi. Còn mỗi con mỗi việc. Việc cụ Viên trực tiếp cùng làm rồi bảo ban các con là nuôi hươu sao lấy nhung và trồng cau trầu. Cụ liền trầu nổi tiếng đẹp với triết lý, lá bao ngoài phải to phải đẹp, nhưng lá bên trong nếu toàn bé xấu thì người mua “nhận ra” ngay cái lòng dạ của người liền. Hôm sau sẽ mất khách. Ăn ở với bạn bầu, họ hàng cũng vậy. Nhà mình có bát ăn, họ hàng đằng ngoại hai bề (cụ Cán ở Sơn Thịnh cùng huyện, cụ Viên ở Thanh Chương) họ đằng nội bốn bên mỗi khi đến nhà không thể không chu đáo. Lỡ bữa thì nhịn miệng đãi khách, chứ để lỡ mang tiếng thì nhục với cả hai bề bốn bên. Đã nhục thì nhục cả đời.
Gia đình tại dinh Phủ Doãn. Ảnh: T.L |
Cái cách thương yêu con của cụ Viên thật công bằng theo nghĩa đứa yếu bấy hoặc cá tính khác biệt thì cần chăm chút đặc biệt, chứ không kể nó là con ai đẻ ra.
Nhưng cây quế thơm đến lá cũng thơm. Tôi chỉ là học trò, là bạn của con cụ, chưa bao giờ có hân hạnh biết cụ nhưng bài học về nhân cách cụ thì nhuần thấm trong tôi trong quá trình phục dựng nếp nhà mình. Tôi hình dung 14 người con trưởng thành, nhiều người có danh vọng như Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Dương, Nguyễn Khắc Phi…ở giữa giữa như Nguyễn Khắc Phê rồi rất nhiều phụ nữ ít người biết đến. Nhưng tất cả đều biết quý trọng và sử dụng thơ văn, hẳn họ đã tạo dựng thành 14 nếp nhà đậm đà hình ảnh cụ dù không có cụ. Nếu mỗi nếp nhà, nếp họ góp làm nên nếp văn hóa dân tộc như cụ Đào Duy Anh nhận định, thì gia đình cụ Nguyễn Khắc Niêm – Đào Thị Viên đáng kể là công đầu. Họ tạo nên nét nhân văn, khoáng đạt, trung chính và khoan dung công bằng.
Vâng, phúc đức tại mẫu!
Những người đàn bà giữ Tết Việt ở trời "Tây" Dù đã xa quê hương nhiều năm, sống ở những đất nước phồn hoa, sôi động nhất của thế giới nhưng mỗi dịp Tết cổ ... |
10 lời chúc Tết ý nghĩa dành cho "người cha, người mẹ thứ hai" 10 câu chúc tết thầy cô hay và ý nghĩa dưới đây giúp ai cũng có dịp bày tỏ tấm chân tình, lòng biết ơn ... |