Người công chính không nghe lời nịnh

Thủ tướng vừa phê duyệt đề án Văn hóa công vụ nhằm góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Đề án này được ủng hộ bởi lẽ, lúc này rất cần đặt ra những chuẩn mực về tác phong, đạo đức đối với người nhà nước.

Có một nội dung được nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi, đó là “lấy lòng cấp trên”, hay nói thẳng là “nịnh”.

Nịnh là hành vi xấu xa mà ai cũng có thể nhận ra, cũng ghét, nhưng định lượng được nó, đong đếm được nó không dễ. Người ta có vô vàn chiêu thức để nịnh, phong phú lắm, biến hóa lắm. Cho nên, thật khó chỉ ra cụ thể mức độ của hành vi nịnh để trách phạt được những nịnh thần. Cũng đừng mong thay đổi được hành vi của kẻ xu nịnh, nếu như sự nịnh bợ của họ đem lại lợi ích, của cải vật chất, thăng quan tiến chức.

Vậy thì, hãy chỉnh đốn từ người được nịnh hơn là người nịnh. Không có cái tai thích nghe nịnh thì sẽ không có nịnh thần. Có cái tai dám nghe lời trung ngôn, thì sẽ có trung thần. Trung ở đây phải hiểu là với nước, với dân, với việc chung của cơ quan, đơn vị, rộng hơn là của xã hội.

Một người làm lãnh đạo công chính dứt khoát không nghe lời ton hót, xúi giục làm điều sai quấy, phá hoại việc nước, dẫn đến thân bại danh liệt. Thực tế cho thấy, những quan chức đang mang thân tù tội, trước đó chẳng phải vì nghe lời nịnh, xa lánh người ngay đó sao.

Làm lãnh đạo mà thích nghe nịnh bợ, tâng bốc thì cấp dưới nịnh bợ, tâng bốc, quy luật là thế. Với loại người chỉ thích nịnh, sẽ tập trung những kẻ bề tôi xun xoe, không làm mà chỉ có phá. Hậu quả là cả chủ lẫn tớ cùng vào tù.

Người công chính sẵn lòng tiếp nhận điều trái tai, nghe lời can gián của cấp dưới. Khi người trên biết lắng nghe, thì đương nhiên người ngay thẳng, trung thực sẽ kề cận, sẵn lòng góp ý, đề xuất, phản biện, từ đó có thể tránh được những sai lầm, sai sót, sai phạm.

Biết là vậy, nhưng tìm người công chính không dễ trong lúc này.

nguoi cong chinh khong nghe loi ninh ‘Không phải thấy cán bộ làm không ngon là cho nghỉ ngay’

- Viện trưởng VKSND Tối cao nêu khó khăn trong công tác cán bộ “không phải thấy làm không ngon là kiểm điểm, rồi cho ...

/ Lao động