Nghĩa tình “xóm chạy thận”

Xóm trọ hay còn gọi là “xóm chạy thận” nằm ngay sau lưng Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) là nơi mà những mảnh đời chung một số phận quy tụ về với nhau để cùng chống chọi với căn bệnh suy thận.

nghia tinh xom chay than

Bà Khai đang rút lấy lõi đồng trong sợi dây điện mà bà vừa nhặt được sáng nay khi đưa ông Chuẩn lên viện chạy thận.

Nghèo và bệnh tật

Đến đường Tôn Thất Tùng, phường Nam Lý (TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) gặp người dân để hỏi về “xóm chạy thận”, nhưng không phải ai cũng biết về một nơi khá đặc biệt này – nơi mà những con người có nghị lực phi thường đang hằng ngày chống chọi với căn bệnh suy thận. Xóm trọ cũ kỹ, dột nát ấy là nơi mà các cô, các chú, các em ở các xã vùng xa trong tỉnh về trú ngụ để hằng ngày đến bệnh viện chữa bệnh. “Xóm chạy thận” nằm trong con ngõ nhỏ. Gọi là xóm, nhưng thật ra nó là một dãy các nhà trọ nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ đường Tôn Thất Tùng.

Trong cái xóm đặc biệt này là những con người với khuôn mặt nhợt nhạt, môi khô nẻ, nước da xanh xao và khô ráp. Vừa đến, chị Nguyễn Thị Bé (59 tuổi, trú tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) niềm nở mời chúng tôi vào phòng và không ngần ngại chia sẻ về cuộc sống của mình cũng như cuộc sống của những bệnh nhân chạy thận khác hiện đang sống ở đây.

Xóm trọ hiện có khoảng 12 phòng đã xuống cấp, ẩm thấp, giá một phòng là 450 ngàn đồng/tháng chưa kể điện nước. Chị Bé buồn bã nói “ở vậy cho rẻ, được mấy tiền dành dụm và vay mượn dùng để chữa bệnh hết rồi, còn đâu”. Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để mong kéo dài sự sống, sống được ngày nào thì hay ngày đó. Nơi đây, mỗi người là mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận khác nhau, nhưng đều có chung hai chuyện, đó là bệnh tật và… nghèo.

Cách hôm chúng tôi đến vừa tròn 4 ngày, cả xóm trọ không ngủ, ai cũng buồn vì có một người trong xóm vừa mất sau một thời gian dài “chạy thận” để chống chọi với bệnh tật. Những người trọ ở đây, nước da vốn đã xanh xao, hốc hác nay lại càng xanh xao hốc hác hơn. Chị Bé chảy nước mắt nói, vừa tiễn một người ra đi thì đã có 3 người vào ở trọ vì bệnh. Hiện xóm có 12 người, quen nhau rồi giúp đỡ nhau như người trong nhà, nương tụa vào nhau và sống.

Trung bình mỗi tuần những người như chị Bé chạy thận 3 lần, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn. Trong xóm trọ bây giờ người chạy thận lâu nhất là 13 năm còn lại là từ 4 đến 5 năm. Đôi mắt ươn ướt, chị Bé buồn bã nói, năm 2010 thì phát hiện bệnh nhưng vì ở xa, điều kiện khó khăn nên không điều trị. Cuối năm 2013 vì quá yếu nên mới nhập viện và bắt đầu chạy thận. Không có con cái, chồng thấy bệnh tật nên cũng bỏ đi, giờ mỗi lần sức khỏe quá yếu chị Bé lại điện nhờ cô em dâu về giúp ít ngày còn không thì cũng tự xoay xở cùng những người bạn cùng “xóm chạy thận” đỡ đần giúp nhau. “Cứ một thời gian là có người trong xóm trọ mất vì bệnh, ai bị căn bệnh này cũng như bị kết án “tử hình”, nhiều lúc cả xóm chỉ biết ôm nhau mà khóc”.

nghia tinh xom chay than
Bà Cao Thị Hiền cùng số ve chai mà bà đi nhặt được đem về để bán kiếm tiền trang trải hằng ngày.

Kiếm việc để tồn tại

Xóm chạy thận ai cũng có hoàn cảnh khó khăn, tuần 3 lần chạy thận để được sống, cuộc sống gắn liền với bệnh viện cho đến lúc chết nên ngoại trừ sức khỏe quá yếu, còn lại ai cũng gắng bươn chải để có tiền mà tồn tại. Người còn sức khỏe thì đi chạy xe ôm, phụ nữ thì đi nhặt ve chai, bìa carton để mong có thêm ít tiền sống qua ngày. Qua tìm hiểu, tất cả các người chạy thận ở đây điều được hưởng chế độ hộ nghèo, được miễn chi phí chạy thận nhưng vẫn phải chịu các chi phí phát sinh tại bệnh viện như thuốc tạo máu cho những người bị thiếu máu và sức khỏe yếu, mỗi lần tiêm hết 300 nghìn đồng/một mũi. Dù tằn tiện, mỗi bệnh nhân ít nhất một tháng phải tốn ít nhất 3-4 triệu đồng.

Vợ chồng ông Đinh Minh Chuẩn (74 tuổi) và bà Cao Thị Khai (72 tuổi, ở xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa) có 3 người con đã lập gia đình nhưng hoàn cảnh ai cũng khó khăn. Cách đây 4 năm ông Chuẩn về đây để chạy thận, bà Khai đi theo để đỡ đần chăm sóc ông. Rảnh rỗi, bà Khai lầm lũi đi nhặt ve chai, giấy bìa, dây điện ở trong các thùng rác người dân vứt đi rồi đem về rút lấy lõi đồng phía trong đem đi bán để kiếm thêm thu nhập. Những ngày này, mọi người trong xóm còn nhận hàng mã của các người buôn ở chợ về để xếp, mỗi người cũng kiếm được 10-15 ngàn đồng/ngày, như vậy cũng tạm đủ để lo chi trả trang trải cuộc sống.

Trong xóm trọ ấy có 12 người chạy thận thì chỉ có tầm 5 người là có người thân đến chăm sóc, còn lại thì ở một mình, tự lo chữa bệnh và tự kiếm sống qua ngày. “Có nhiều đêm, trong xóm trọ có người phát bệnh nặng là cả xóm cùng thức để chăm sóc, tình người là vậy đó” – ông Chuẩn tâm sự. Chị Cao Thị Hiền người ở huyện Minh Hóa đang nuôi chồng chạy thận trong xóm trọ bùi ngùi tâm sự, ở quê nghèo kiếm cái ăn đã khó, nay chồng bệnh tật lại càng khó khăn hơn bội phần. Mỗi năm chị về nhà được 3-4 lần vì đi lại tốn kém, thời gian rảnh là chị tranh thủ kiếm thêm việc để làm nuôi chồng, nuôi con.

Ở “xóm chạy thận”, mọi người sợ nhất là những ngày giáp Tết, ước ao đơn giản được đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm, trọn vẹn bên gia đình, không bị bệnh tật hành hạ dường như quá xa vời với những cư dân trong xóm chạy thận nơi đây. Ngày thường, những người trong xóm trọ chia nhau từng bữa cơm, từng cốc nước, từng giọt nước mắt với bệnh tật hành hạ. Ngày tết, họ dùng số tiền dành dụm ít ỏi mua ít bánh mứt, làm ít dưa hành chia nhau, người có đủ sức khỏe thì tranh thủ về với gia đình được một vài ngày cho ấm lòng, còn lại là phải ở lại để lo chạy thận mong sống ngày nào hay ngày đó. Với họ, sáng thức dậy được nhìn thấy nhau là niềm hạnh phúc vô bờ. Với những người như chị Bé, ông Chuẩn, bà Khai hay 12 con người đang sống ở “xóm chạy thận” này, một sự quan tâm, một sự giúp đỡ hay động viên thăm hỏi là động lực để những số phận kém may mắn có thêm hy vọng được sống, để chống chọi với bệnh tật trong cái xóm trọ không ai mong muốn phải ở này.

nghia tinh xom chay than Những phận đời khốn khổ sau bão Damrey

“Hàng ngày hai vợ chồng làm lụng vất vả, chạy ăn từng bữa giờ thêm gánh nặng nhà sập, không còn gì, tôi không biết ...

nghia tinh xom chay than Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Trao nhà “Nghĩa tình đồng đội” tại Nam Định

Ngày 3/12, Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Hội CCB Tập đoàn) phối hợp với Hội CCB tỉnh Nam ...

/ Lao động