Toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử từ 3 đến 6 tháng, sau đó sẽ khai thác thương mại.
Những chuyến tàu hỏa thay đổi theo thời gian như thế nào?
Không còn ở đỉnh cao thời kỳ hoàng kim, song đường sắt vẫn là một trong những loại hình vận tải, du lịch phổ biến ... |
Cận cảnh siêu tàu hỏa từ thời Liên Xô bị bỏ hoang
Người Nga từng ấp ủ giấc mộng phát triển siêu tàu hỏa gắn động cơ phản lực nhưng đành phải bỏ dở giữa chừng do ... |
Ngày 17/9, Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, hiện công tác chuẩn bị cho việc vận hành toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành, đảm bảo hoạt động từ 20/9.
Dự án sẽ thực hiện căn chỉnh, chạy thử toàn bộ 11 hệ thống thiết bị theo kế hoạch Bộ Giao thông đã báo cáo Thủ tướng. Thời gian tàu chạy thử trung bình 3 - 6 tháng trước khi khai thác thương mại.
Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án, trong giai đoạn đầu thử nghiệm không có người Việt Nam tham gia vào công tác vận hành. Sau này, nhân công người Việt đã được đào tạo sẽ được đưa vào tiếp nhận và vận hành từng bước.
Tổng thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác vận hành thử nghiệm. Hiện toàn bộ lực lượng kỹ sư, công nhân của Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam.
Tàu Cát Linh - Hà Đông trong một lần chạy thử. Ảnh: Giang Huy. .
Toàn bộ 13 đoàn tàu của dự án đều chạy thử, xuất phát từ điểm đầu dự án là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đi hơn 13 km trên cao tới Cát Linh (quận Đống Đa), mỗi ga đoàn tàu sẽ dừng một phút.
Vận tốc tàu chạy tối đa là 65 km mỗi giờ, tốc độ trung bình là 30-35 km mỗi giờ.
Các đoàn tàu sẽ chạy theo biểu đồ, đúng với quy trình dự án. Những ngày đầu, các đoàn tàu có thời gian giãn cách là 10-12 phút/chuyến, trong 3-6 tháng sẽ rút ngắn dần thời gian giãn cách theo thiết kế và đạt 5 phút/chuyến khi khai thác thương mại.
Hiện khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành khoảng 96%. Với các hạng mục chưa hoàn thành như kiến trúc nhà ga, các đơn thể trong khu bảo dưỡng (Depot), hạ tầng khu Depot, Tổng thầu Trung Quốc đã nhập khẩu được 95% khối lượng vật tư, thiết bị và triển khai lắp đặt khoảng 83%.
Từ đầu tháng 8, dự án được vận hành từng hạng mục như thông tin tín hiệu, thiết bị điện..., nhằm căn chỉnh cho từng chuyên ngành thiết bị được lắp đặt trên toàn tuyến.
Tàu Cát Linh - Hà Đông chạy căn chỉnh các thiết bị trong khu vực Depot.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành thử nghiệm toàn hệ thống vào tháng 10/2017 và quý 2/2018 sẽ khai thác thương mại. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ do thiếu vốn, Bộ Giao thông đã báo cáo lên Thủ tướng về việc thay đổi thời gian hoàn thành dự án vào cuối năm 2018.
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa.
Trong số 13 đoàn tàu của dự án, quá trình vận hành sẽ sử dụng 10 đoàn tàu, 2 đoàn bảo dưỡng, một đoàn dự phòng.
Tàu có thiết kế vận tốc 80 km/h song vận hành tốc độ trung bình 30 km/h do các ga cách nhau chỉ hơn một km.