Vinachem đang chìm trong cảnh thua lỗ và ôm nợ khủng, trong đó Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đang là chủ nợ lớn nhất của Vinachem.
Số nợ ngân hàng của các dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 2 Lào Cai, DAP Hải Phòng của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) ở thời điểm hiện nay là hơn 16.000 tỷ đồng, báo Đầu tư thông tin.
Trong số này, khoản nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 8.588 tỷ đồng. Trước đó, 4 dự án này vay VDB 12.565 tỷ đồng và đã trả được gần 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn phần nợ lãi của Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai tại VDB là 732 tỷ đồng.
Các khoản vay này tuỳ từng dự án có thời gian khác nhau. Đơn cử, Dự án DAP có thời hạn vay là 9 năm và sẽ kết thúc vào năm 2018 với khoản nợ hiện còn lại là 201 tỷ đồng. Đây cũng là dự án có lãi suất vay bình quân khá thấp, 3%/năm.
Ba dự án còn lại đều có thời gian trả nợ vào năm 2022-2023, với số tiền đều khá lớn, từ 1.736 tỷ đồng đến gần 4.000 tỷ đồng.
Với vốn vay lưu động, số tiền nợ hiện tại là 2.418 tỷ đồng tại BIDV, Vietcombank và các ngân hàng thương mại khác.
Hiện đề nghị của Vinachem về việc kéo dài thời hạn vay, giảm lãi suất tiền vay đối với các khoản nợ vay đầu tư dài hạn chưa được VDB xem xét giải quyết, do các kiến nghị này vượt thẩm quyền của VDB.
Trước đó, trong Báo cáo tài chính bán niên 2017 được Vinachem công bố hồi tháng 9 vừa qua cho biết, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Vinachem đạt 21.480 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 47 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái 2016, tập đoàn lỗ tới hơn 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay các khoản nợ mới là mối lo lớn nhất của Vinachem khi tính đến hết 30.6 đang gánh khoản nợ lên tới 38.137 tỷ đồng, tăng 1,8% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 19.837 tỷ đồng, nợ dài hạn là 18.299 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các khoản nợ ngắn hạn của tập đoàn chủ yếu nằm ở các dự án thua lỗ đang được Chính phủ xử lý như: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Hải Phòng và DAP số 2 Lào Cai.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Vinachem là 19.208 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đến hết ngày 30/6 lên tới 1,99 lần; tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu lên tới 1,52 lần. Theo báo cáo, VDB đang là chủ nợ lớn nhất của Vinachem với 6 khoản vay trị giá 10.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vinachem cũng vay nhiều ngân hàng khác với giá trị từ 25 đến 2.000 tỷ đồng, ví dụ như: Vay Vietcombank 2.324 tỷ đồng, HSBC 320 tỷ đồng, VIB 190 tỷ đồng, Agribank 179 tỷ đồng, Shinhan 167 tỷ đồng, MB 158 tỷ đồng, Standard Chartered 90 tỷ đồng, Eximbank 81 tỷ đồng, ACB 72 tỷ đồng, Hong Leong 57 tỷ đồng, HDBank 37 tỷ đồng...
Ngày 20/9, Ban bí thư đã thi hành kỷ luật ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem, bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng (bao gồm cách chức Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương; Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ, Bí thư Đảng uỷ Vinachem).
Ban Bí thư yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo, xem xét thi hành kỷ luật hành chính ông Nguyễn Anh Dũng theo đúng quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Anh Dũng được xác định phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Theo Ban Bí thư, với trách nhiệm là người đứng đầu, ông Dũng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong việc quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn, gây hậu quả rất nghiêm trọng; để Tập đoàn và một số công ty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao.
Ông Dũng đã thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện 4 dự án trọng điểm: Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình; dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc; dự án sản xuất phân bón DAP số 2 tại Lào Cai; dự án sản xuất phân bón DAP Hải Phòng.
Những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Anh Dũng được xác định đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, của Tập đoàn, gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.