Hành động ném giày vào diễn giả của người phụ nữ trong buổi tiếp xúc cử tri ở Thủ Thiêm là không thể chấp nhận, nhưng chính quyền cũng cần xem lại mình để lấy lại lòng tin cho người dân sau 22 năm ròng rã.
Chiếc giày đi lạc
Trong văn hóa của người Việt từ trước tới nay, cái chỉ tay vào mặt người đối diện đã là mức độ biểu thị cao nhất của sự thiếu tôn trọng trong giao tiếp, nó không khác nào “hắt nước vào mặt nhau”, bất đồng chính kiến đến mức không còn đối thoại được bằng tôn trọng.
Đó là cái chỉ tay của người phụ nữ nanh nọc, chua ngoa khi “thằng” hàng xóm bắt trộm con gà, con chó; của bà bán cá giữa chợ chửi mắng xơi xơi mẹ con nhà nọ dám mặc cả vào sáng sớm; là kiểu bún mắng cháo chửi chao chát chốn thị thành; là trên tay có cả cục gạch, sau những hùng hổ trỏ tay vào người đối diện…
Còn tới khi “động tay động chân”, ném vào người đối diện bất cứ thứ gì có thể ném, nghĩa là sẽ chỉ còn đường nói chuyện với nhau bằng pháp luật, và trước pháp luật.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri ngày 20/10/2018.
Người phụ nữ tên Dương ném chiếc giày về phía đoàn tiếp xúc cử tri tại Thủ Thiêm, TP.HCM ngày 20/10 lý giải đơn giản về hành động của mình, là do chờ đợi lâu chưa thấy gọi đến tên mình phát biểu, thì ném.
Nhiều lãnh đạo đã có mặt, ưu tiên giải quyết những bức xúc của người dân Thủ Thiêm, thì bà Dương – người không thuộc diện hộ dân di dời tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, mang câu hỏi về việc tranh chấp đất thu hồi từ phường Cát Lái và phường Bình Trưng Đông tới, chỉ vì lý do đợi lâu không tới lượt, sẵn sàng ném cả chiếc giày cao gót sắc nhọn vào đoàn đại biểu. Cách ném giày đó, là biểu hiện thiếu văn hóa, hay học đòi lối hành xử phương Tây một cách thiếu hiểu biết?
Chiếc giày của người phụ nữ ném vào đoàn tiếp xúc cử tri ở Thủ Thiêm, TP.HCM là lối hành xử khó có thể bao biện.
Trên thế giới, có rất nhiều trường hợp người dân ném giày vào chính khách. Nhà lãnh đạo Đài Loan - Mã Anh Cửu bị người biểu tình ném giày khi đang phát biểu mừng ngày Nhân quyền quốc tế tại Đài Bắc. Cựu thủ tướng Australia - John Howard bị khán giả ném giày khi trả lời các câu hỏi về cuộc chiến Iraq trong chương trình truyền hình trực tiếp. Tổng thống Mỹ - George W Bush bị một người ném rất mạnh đôi giày vào người khi xuất hiện trong buổi họp báo cùng Thủ tướng Iraq Mouri Maliki.
Điểm chung của những lần hành xử này là đều nhận về sự chỉ trích dữ dội, và chịu hình thức xử lý bằng chế tài. Chủ nhân của những chiếc giày này, hoặc phải nộp phạt, hoặc bị bỏ tù theo đúng quy định. Chưa có chiếc giày nào bay lên, mà nhận về những tiếng vỗ tay.
Chiếc giày của người phụ nữ ném vào đoàn tiếp xúc cử tri ở Thủ Thiêm, TP.HCM, là lối hành xử mà đứng dưới góc độ văn hóa, hay biểu thị sự bức xúc tới mức sẵn sàng vi phạm pháp luật, đều khó có thể bao biện. Nhưng có lẽ, nên gọi nó là chiếc giày đi lạc.
Đôi chân không giày
Vì sao gọi đó là chiếc giày đi lạc, vì đó là con đường vòng vo của hệ tư duy dồn nén, bức xúc, tưởng rằng người đối thoại với mình là cái đích ném; vì đó là con đường hơn 2 thập kỷ để lãnh đạo Thành phố nhận ra đã đến lúc cần giải quyết rõ ràng, dứt điểm.
Rất nhiều người dân Thủ Thiêm đã thực hiện một cuộc hành trình hơn 20 năm ròng rã, bằng những đôi chân có giày, và cả những đôi chân không giày, để đến ngày bật khóc khi được nghe một lời xin lỗi chân thành từ Chủ tịch UBND TP.HCM.
“Thay mặt lãnh đạo TP trong các thời kỳ, tận đáy lòng mình tôi chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm vì những sai phạm trong thời gian qua khi thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm, xin chia sẻ những hy sinh của những gia đình, hộ dân vì sự phát triển của thành phố mà phải rời nơi gắn bó từ tấm bé. Tôi rất xin lỗi!.”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Bà Dương hôm ấy để chiếc giày đi lạc, nhưng rất nhiều người dân dưới chân mình đã không còn gì để có thể đi lạc, khi số phận của hàng trăm hộ dân, hàng ngàn con người, đã thay đổi hoàn toàn sau những quyết định giải tỏa và đền bù để xây dựng một khu đô thị trong mơ nằm ven sông Sài Gòn.
Giấc mơ chưa kịp thành hiện thực, những người dân xung phong di dời cho một dự án tầm cỡ của Thành phố, những người dân nằm ở khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2, cuối cùng “phải chịu nhiều thiệt thòi, tổn thất, vất vả trong cuộc sống suốt nhiều năm qua”. Thậm chí có những người phải bỏ xứ mà đi giữa rất nhiều bấp bênh, có những người đã không còn sống tới ngày nghe được tiếng xin lỗi và lời cam kết sẽ xây dựng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Quá nhiều nước mắt đã rơi ở Thủ Thiêm, nhưng còn chờ đợi hơn thế, là những xử lý cá nhân, tập thể sai phạm, là những khắc phục mà người dân kiên nhẫn suốt 22 năm qua bởi chưa một ngày mất niềm tin vào chính quyền.
Bàn chính sách bồi thường cho dân Thủ Thiêm: Việc cần làm nhanh và rất đáng để… họp bất thường
Trong cuộc gặp của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong với 30 hộ dân Thủ Thiêm ngày 18.10, sau khi đưa ra lời xin ... |
Thủ tướng: Xử lý các vụ như Vũ nhôm, Út trọc được cử tri ủng hộ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm sai phạm trên ... |
Người dân Thủ Thiêm lại trào nước mắt tại cuộc gặp Bí thư Nhân
Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận 2 sáng 20/10, nhiều vấn đề nóng liên quan đến khu đô thị Thủ Thiêm lại được xới ... |