Vận động viên, huấn luyện viên tài năng sẽ được lựa chọn đào tạo ở nước ngoài để đưa thể thao Việt Nam đạt tầm châu lục.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt đề án tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035.
Đề án đặt mục tiêu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên tài năng, có năng khiếu đặc biệt ở một số môn thể thao thành tích cao, là thế mạnh của Việt Nam, đã đạt trình độ và giành thứ hạng cao ở khu vực, châu lục, thế giới và Olympic.
Các huấn luyện viên được lựa chọn bồi dưỡng là người có tài năng, giàu kinh nghiệm, có khả năng đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược để đạt thành tích, huy chương tại đấu trường trong nước và quốc tế. Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu, kỹ thuật, cán bộ quản lý sẽ được đào tạo để phấn đấu đưa Việt Nam thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp phát triển ở châu lục vào năm 2035.
Thủ tướng tặng quà HLV Park Hang-seo và các cá nhân tiêu biểu đạt thành tích cao tại Asiad 2018 tại Indonesia. Ảnh: Giang Huy. |
Cụ thể, Nhà nước sẽ tuyển chọn và huấn luyện khoảng 3.700 vận động viên đội tuyển quốc gia, trong đó có 400 vận động viên đạt thành tích quốc tế; bồi dưỡng 600 huấn luyện viên tài năng, trong đó có 60 huấn luyện viên cao cấp.
Đến 2035, Việt Nam phấn đấu có 400 cử nhân, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ chuyên ngành thể thao. Nhân lực được ưu tiên đào tạo thuộc các môn thể thao thường xuyên có thành tích tốt hoặc có huy chương ở các giải quốc tế; các môn trong chương trình thi đấu của đại hội thể thao khu vực, châu lục, thế giới và Olympic.
Ba chuyên ngành được tập trung đào tạo thành tích cao gồm: y sinh học thể thao, quản lý thể thao, huấn luyện viên thể thao. Đây là các ngành trong nước chưa có khả năng đào tạo hoặc chất lượng còn thấp so với nước ngoài nhưng có nhu cầu cấp thiết về nhân lực.
Các vận động viên có trình độ cấp kiện tướng hoặc dự bị kiện tướng, đạt huy chương vàng tại hai kỳ SEA Games, châu lục, Olympic sẽ được cử đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài. Huấn luyện viên có vận động viên trực tiếp huấn luyện đạt huy chương tại các giải vô địch quốc gia, SEA Games, Asiad, Olympic, thế giới, tuổi 35-45 sẽ được cử đi bồi dưỡng dài hạn ở nước ngoài.
Những người được đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài gồm: giảng viên, huấn luyện viên giỏi, đã có vận động viên đạt huy chương SEA Games, Asiad, châu lục, Olympic, thế giới.
Đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài với giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đơn vị nghiên cứu, trung tâm huấn luyện, đơn vị lĩnh vực thể thao thành tích cao; hoặc những người có nguyện vọng học tập các chuyên ngành khó, Việt Nam chưa có khả năng đào tạo như phân tích hình ảnh 3D, 4D; công nghệ đào tạo vận động viên trình độ cao; ứng dụng kỹ thuật khoa học công nghệ trong tuyển chọn, huấn luyện...
Một số nước được ưu tiên lựa chọn để đào tạo như: Nga, Pháp, Đức, Ba Lan, Hungary, Australia, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia...
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch được giao là đầu mối xây dựng, thực hiện và triển khai đề án, chịu trách nhiệm trực tiếp trước Thủ tướng. Kinh phí thực hiện đề án được trích từ ngân sách, tài trợ của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Vingroup cấp 1.100 học bổng du học toàn phần đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ
Vingroup vừa triển khai chương trình “Học bổng KHCN đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ du học tại nước ngoài” cho các tài năng Việt. ... |
Dòng họ người dân tộc thiểu số duy nhất có 3 đời liên tiếp đỗ tiến sĩ
Có 3 đời liên tiếp với 4 người đỗ tiến sĩ, đây chính là dòng họ người dân tộc thiểu số duy nhất trong suốt ... |